(Petronews) Tình hình cấp bách trong ngành năng lượng hiện nay trên toàn cầu đỏi hỏi những giải pháp về dài hạn để hướng tới một tương lai gắn liền với năng lượng sạch.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là một yếu tố thúc đẩy lạm phát, làm chậm tăng trưởng kinh tế và tạo bất ổn xã hội. Các cách thức ngắn hạn như tăng sản xuất điện từ than đá hoặc trợ cấp tiêu dùng trên diện rộng, có nguy cơ làm tình hình thêm trầm trọng.
Việc đánh giá lại hệ thống năng lượng một cách toàn diện là điều cần thiết để tối ưu các giải pháp tăng cường an ninh năng lượng cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đến một tương lai hạn chế carbon.
Một báo cáo giải pháp đã được đưa ra trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đề xuất các biện pháp mang tính dài hạn nhằm giải quyết vấn đề về năng lượng.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đặt vấn đề an ninh năng lượng lên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu phát triển các hệ thống sản xuất năng lượng chuyển đổi. Cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội để định hướng lộ trình trực diện hướng tới một tương lai năng lượng an toàn, bền vững và giá cả hợp lý cho tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và một cách tiếp cận thực tế để đối mặt với sự phức tạp của quá trình chuyển đổi năng lượng bằng các giải pháp cụ thể” – Roberto Bocca – Trưởng bộ phận phụ trách năng lượng, khoáng sản và cơ sở hạ tầng của WEF – cho biết.
Các hệ thống năng lượng trong quá trình chuyển đổi phải đối mặt với các cơ hội và rủi ro từ việc thay đổi thị trường năng lượng cũng như từ các nguồn cung cấp năng lượng ngày càng phi tập trung, số hóa, khử carbon và phân tán.
Theo đó, một trong những giải pháp được đề xuất là ưu tiên cung cấp từ năng lượng tái tạo và hạn chế tăng cường nhiên liệu hóa thạch theo các mục tiêu giảm phát thải đã cam kết. Tránh độc quyền cung cấp năng lượng và giải quyết vấn đề rò rỉ khí metal từ chuỗi cung ứng hydrocarbon.
Bên cạnh đó, tối đa hóa điện khí hóa và hiệu quả năng lượng để dần loại bỏ nhu cầu về khí carbon. Đồng thời, thúc đẩy thói quen tiêu thụ tiết kiệm năng lượng trên toàn cầu.
Ngoài ra, tận dụng lợi nhuận thặng dư từ thị trường năng lượng để thu hẹp khoảng cách đầu tư năng lượng sạch.
Các biện pháp tài chính cũng cần được hướng tới người tiêu dùng để hỗ trợ khả năng chi trả năng lượng; khuyến khích khu vực tư nhân tiếp tục đầu tư hiệu quả. Với các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng mới, cần có hướng dẫn rõ ràng và cụ thể về mục tiêu giảm phát thải carbon, cùng với đó tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu chi phí.
Đại biểu Nghị viện châu Âu Morten Helveg Petersen đã mô tả hóa đơn năng lượng cao mà người dân và doanh nghiệp EU phải đối mặt là “một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” do phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu.
Từ năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao, bao gồm cả việc hạn chế nhập khẩu khí đốt qua đường ống.