Ảnh: Internet |
Theo đó, các ngân hàng Goldman Sachs, Bank of America, Barclays, BNP Paribas, Citi, Morgan Stanley, Société Générale, Crédit Agricole CIB, Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, Ares Management, Brookfield, Guggenheim Securities, Rothschild & Co và Segra Capital Management được cho là đã thể hiện cam kết hỗ trợ năng lượng hạt nhân tại một sự kiện ở New York vào đầu tuần này. Sự ủng hộ của nhóm này nhằm tăng cường công suất và sản xuất điện hạt nhân toàn cầu – qua đó thúc đẩy mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vào cuối năm ngoái, Mỹ và 21 quốc gia khác đã cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân vào năm 2050, đồng thời cho biết việc kết hợp nhiều năng lượng hạt nhân hơn vào cơ cấu năng lượng của họ là rất quan trọng để đạt được mục tiêu không phát thải ròng trong những thập kỷ tới.
Mỹ cùng với Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển, Hàn Quốc, Ghana và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và một số nước khác, đã ký tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28.
Các ngân hàng lớn nhất thế giới sẽ không đi sâu vào chi tiết về những gì họ sẽ làm, song giới phân tích nói với FT rằng việc nhóm này công khai thể hiện sự ủng hộ năng lượng hạt nhân sẽ là một sự thừa nhận quan trọng rằng hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khử carbon của các hệ thống năng lượng toàn cầu.
BNP Paribas nói rằng, không có kịch bản nào trong đó có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nếu không có năng lượng hạt nhân. Về phần mình, Barclays cho biết, họ ủng hộ năng lượng hạt nhân vì đây có thể là giải pháp dự phòng cho việc sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió không liên tục.
Mặc dù là một ngành nổi tiếng với nhiều năm chậm trễ và chi phí khổng lồ, thời kỳ phục hưng năng lượng hạt nhân toàn cầu đang diễn ra.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào đầu năm nay rằng sự trở lại của năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ thúc đẩy sản lượng điện hạt nhân đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025.
Bình An
FT