70 năm đã trôi qua, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ để lại cho các thế hệ hiện nay và mai sau một mốc son rực sáng nhất trong lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến chiến lược; điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của quân Pháp; kiên quyết chỉ đạo, lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung sức mạnh tổng hợp đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là nhân tố quyết định, thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó cũng là một nhân tố cơ bản đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Để cứu vãn tình thế thất bại ở Đông Dương, Thu-Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Kế hoạch Nava là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho Pháp trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương.
Ngày 6-12-1953, sau khi phân tích kỹ tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đánh giá rõ tình hình địch – ta trên các chiến trường và thời cơ chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội, Bí thư Tổng Quân ủy đã được chỉ định trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương. Đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách các vấn đề về đường sá và cung cấp của chiến dịch.
Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng ta đã tổ chức và chỉ đạo một loạt hoạt động để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược này, buộc địch phải giam chân một bộ phận lực lượng quan trọng ở Điện Biên Phủ. Trước hết, ta tổ chức hiệp đồng một số đơn vị chủ lực bao vây mà không đánh, sau đó tổ chức nghi binh chiến dịch ở các hướng khác, khiến địch phán đoán sai lạc ý định của ta: do đó, tuy chúng lo ngaị Điện Biên Phủ bị tấn công, nhưng vẫn không kiên quyết rút bỏ. Thêm vào đó, vì chủ quan, kiêu căng, cho là ta không dám đánh, địch đã trót tuyên truyền quá sớm một cách tự đắc về sự vững chắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, coi đó là một địa điểm rất “lý tưởng”, để nhử chủ lực ta đến cho chúng tiêu diệt, nên địch đã gây nhiều ảo tưởng không những đối với quân xâm lược Pháp mà còn đối với tất cả các đồng minh của Pháp – Mỹ. “Tất cả mọi người từ binh lính đến sĩ quan đều coi cái chiến trường được chuẩn bị sẵn đó như một nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên tạo điều kiện cho chúng ta bẻ gãy những đại đoàn chính quy của ông ta, nếu ông ta tấn công”[1].
Trong “chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”[2]. Chủ động nắm vững âm mưu, kế hoạch chiến lược thực dân Pháp và trước những diễn biến của cuộc kháng chiến ngày càng có lợi cho ta, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 – 1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 – 1954 là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”[3].
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX mà còn là một nét nổi bật và đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược sắc bẽn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu biểu thể hiện nét độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chọn hướng, chọn khu vực mục tiêu, tạo và nắm thời cơ đánh đòn quyết định vào tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp. Bước vào chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta đã quyết định tiến công lên Tây Bắc. Khi tướng Na-va cho quân ồ ạt nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, ta tiến hành bao vây Điện Biên Phủ, buộc bộ chỉ huy quân Pháp phải điều động lực lượng tăng cường. Cùng với việc tiến công lên Tây Bắc, ta bất ngờ mở các cuộc tiến công trên các hướng quan trọng như Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào… Cuối cùng bộ chỉ huy Pháp cho rằng: “Việt Minh đã từ bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ”. Khi đó ta đã tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực và bắt đầu mở cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thời cơ có lợi nhất, thời điểm địch bị bất ngờ.
Quyết định tiến công Điện Biên Phủ thực hiện đòn quyết chiến chiến lược tại đây không những thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật tạo và nắm thời cơ đánh vào một cứ điểm mạnh của địch. Tiến công Điện Biên Phủ, ta đã phát huy được sức mạnh sở trường của ta, hạn chế được sức mạnh, khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Mặc dù Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp, song cách xa hậu phương, dễ bị cô lập, việc ứng cứu chi viện, giải toả chỉ tiến hành bằng đường không. Về phía ta, lại phát huy được khả năng về lực lượng, phương tiện do tác chiến ở địa hình rừng núi. Chính La-ni-en – thủ tuớng Pháp đã phải thừa nhận: “… Kẻ địch với việc điều quân cơ động tài tình, đã buộc chúng ta (chỉ quân Pháp) phải giao chiến ở Điện Biên Phủ, một cuộc giao tranh với tầm quan trọng như vậy… Bộ chỉ huy đã phạm sai lầm ở chỗ tưởng rằng đã thu hút được địch thủ đến một mặt trận mà ưu thế của chúng ta sẽ bảo đảm thắng lợi, trong khi ngược lại, chính đối phương đã lựa chọn địa thế đó”[4]. Quyết định tiến công Điện Biên Phủ là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt lực lượng lớn quân tinh nhuệ của Pháp trong điều kiện khối cơ động chiến lược của chúng bị phân tán ra nhiều nơi trên khắp chiến trường Đông Dương. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta, đặc biệt là khối bộ đội chủ lực trải qua hơn tám năm kháng chiến đã không ngừng phát triển về mọi mặt, cả vệ lực lượng, kinh nghiệm tác chiến, về trang bị vũ khí, kỹ thuật. Đó chính là thời cơ chiến lược để ta bước vào trận đánh quyết định giành thắng lợi trọn vẹn.
Hai là, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thể hiện nghệ thuật biết đánh và biết thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua chứ không có một sự tình cờ nào cả. Thế thì làm sao một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế ngèo nàn, kỹ thuật còn lạc hậu, trong điều kiện phải lấy “nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, để đánh thắng quân xâm lược mạnh hơn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông, cha ta từ các trận đánh nhỏ, đánh vừa, từng bước đánh tiêu hao dẫn đến đánh lớn, đánh tiêu diệt, khiến kể thù thất bại thảm hại, không thể tiếp tục chiến tranh, từ bỏ ý chí xâm lược.
Trải qua 9 năm kháng chiến, với tinh thần chủ động, tích cực tiến công, quân và dân ta với thế trận chiến tranh nhân dân đã từng bước làm thất bại âm mưu chiến lược của thực dân Pháp, cuối cùng là chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó không chỉ là vấn đề nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo mà còn là cả những vấn đề rộng lớn của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Đó cũng là sự vận dụng và phát triển sáng tạo những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam vào thực tế cuốc kháng chiến chống Pháp. Đây là nghệ thuật quân sự của cuộc chiến tranh toàn dân, chiến tranh nhân dân chứ không phải nghệ thuật quân sự của chiến tranh cổ điển bằng những đội quân nhà nghề.
Ba là, nét độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng một cách linh hoạt sáng tạo, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang nhân dân. Điện Biên Phủ là một tập đoàn mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương, hình thức phòng ngự mới xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương. Với 49 cứ điểm hình thành ba khu vực phòng ngự liên hoàn, từng cứ điểm có hệ thống lô cốt, chiến hào, hầm ngầm kiên cố với hệ thống hoả lực mạnh, được tổ chức thành nhiều cụm cứ điểm-“trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp” vừa có khả năng phòng ngự độc lập khá mạnh, vừa tạo thế phòng ngự liên hoàn thành nhiều tầng, nhiều hướng khó chia cắt, tập đoàn cứ điểm còn có sân bay, kho tàng, lại được liên kết chặt chẽ, tổ chức thành ba phân khu: phân khu phía Bắc gồm cứ điểm vòng ngoài là đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo, phân khu –Trung tâm Mường Thanh, Điện Biên Phủ; phân khu phía nam là Hồng Cúm. Ngoài ra, còn có hệ thống hoả lực mặt đất và trên không rất mạnh, gồm hai tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, tổng cộng khoảng 40 nòng pháo và súng cối từ 100 ly trở lên, vì vậy, Điện Biên Phủ được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Tiến công Điện Biên Phủ sẽ hết sức khó khăn, đòi hỏi ta phải tạo được sức mạnh vượt bậc cả thế và lực mới có thể giành thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, gần năm mươi sáu ngày đêm, ta đã tập trung được một lực lượng hùng mạnh chưa từng có, đạt được ưu thế áp đảo quân địch, ta tổ chức 4 đại đoàn bộ binh chủ lực (304, 308, 312, 316 và đại đoàn sơn pháo). So với các chiến dịch trước đó ta mới chỉ sử dụng từ 2 đến 2 đại đoàn bộ binh, và một đại đội công pháo, thì Điện Biên Phủ ta tổ chức, sử dụng và bố trí một lực lượng lớn nhất với chất lượng cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến. Trong tác chiến bằng cách tập trung lực lượng, phương tiện đột phá từng cụm cứ điểm địch, dựa vào hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước bao vây thắt chặt vòng vây, ta đã tạo nên sức mạnh to lớn trong thế trận tiến công địch, tạo nên sức mạh tổng hợp tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thành công đặc biệt xuất sắc trong nghệ thuật tập trung lực lượng cho tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ là tổ chức cơ động các binh đoàn chủ lực đến địa điểm tập kết chiến dịch đúng thời gian, thời điểm để hội quân với các lực lượng tại chỗ hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện vững chắc, với những quả đấm mạnh của các đại đoàn chủ lực trên các hướng tiến công đã tạo nên ưu thế trong những thời điểm và địa điểm có lợi, giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Với thắng lợi ở Điện Biên Phủ quân và dân ta đã đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại ý chí xâm lược của nhà cầm quyền Pháp. Buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ rút quân về nước, chấm rứt chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam và Đông Dương.
Bốn là, trận Điện Biên phủ còn là bài học đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo “đánh chắc, tiến chắc” giành thắng lợi hoàn toàn. Với nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kiên quyết và tài giỏi của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta. Các hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên các chiến trường đã thực hiện phù hợp với ý định của Bộ Chính trị và Bộ Tổng chỉ huy, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động ra các hướng chiến trường: đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Trung Lào, Plây Cu,-Nam Tây Nguyên và Thượng lào. Như vậy, Bộ chỉ huy của đại tướng Nava đã buộc phải hành động theo ý định của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là phân tán khối lực lượng cơ động của mình, họ đã để mất đi khả năng tăng cường lực lượng quân đội cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Bị mất đi khối lực lượng cơ động chiến lược Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp Nava không thể thực hiện được ý định của mình là “luôn luôn chủ động”, “luôn luôn tiến công”. Có nghĩa là ông ta mất khả năng cứu giữ Điện Biên Phủ. Điều đó đã khiến cho gần nửa triệu quân Pháp và nguỵ, cùng hàng trăm máy bay các loại, gần 1000 xe tăng và xe bọc thép, hàng trăm tầu chiến bị phân tán, dàn mòng ra khắp Đông Dương, chịu để cho Quân đội ta tập trung những đại đoàn mạnh nhất của mình tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đánh chắc, tiến chắc ở Điện Biên Phủ được thực hiện theo lối đánh gần độc đáo: là vây, lấn, tấn, diệt chia cắt quân địch. Đây là cách đánh theo thế trận chiến tranh nhân dân-thế trận bố trí xen kẽ, kết hợp tác chiến của bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ trong tác chiến chiến dịch. Nét đặc sắc nổi bật của cách đánh chắc, tiến chắc ở Điện Biên Phủ, là nghệ thuật tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch, đập vỡ từng cứ điểm phòng ngự của địch.
70 năm đã trôi qua, những bài học và ý nghĩa lớn lao của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, chúng ta luôn nhận thấy “tư tưởng cốt lõi nhất” của tinh thần Điện Biên Phủ là ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Bằng khối óc và bàn tay của mình, với tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc ta, trường tồn cùng với đất nước, con người Việt Nam./.
[1]. Báo thế giới, Pari, ngày 15 tháng 2 năm 1954.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.365.
[3] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.12.
[4] Việt Nam-Điện Biên Phủ, bản anh hùng ca thời đại, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.100-103