Mỹ đã chuyển giao hơn 2/3 số vũ khí mà nước này đã cam kết viện trợ cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Ngày 26/2, Mỹ đã cho phép chuyển giao 350 triệu USD thiết bị quân sự để hỗ trợ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu trước Quốc hội trong tuần này rằng, gói viện trợ của Washington nhằm “cung cấp đạn dược, tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống phòng không Stinger cho Ukraine”.
Một quan chức Lầu Năm Góc ngày 4/3 cho biết, trong số 350 triệu USD viện trợ cho Ukraine, cho đến nay Mỹ đã chuyển cho Ukraine lô thiết bị trị giá 240 triệu USD.
“Bạn có thể thấy chúng tôi đang triển khai nhanh như thế nào để đưa những thiết bị đó ra thực địa”, quan chức Mỹ nói, đồng thời lưu ý rằng “không có bằng chứng nào cho thấy sự can thiệp của Nga” cản trở việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Washington đã thông qua khoản viện trợ quân sự trị giá 60 triệu USD cho Ukraine vào mùa thu năm ngoái, tiếp đó là 200 triệu USD vào tháng 12 để cung cấp vũ khí và đạn dược cho quốc gia Đông Âu.
Phần lớn số viện trợ trên đã được chuyển giao cho các lực lượng Ukraine. Quan chức Mỹ nói rằng Washington rất “ấn tượng” với cách lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng hiệu quả các thiết bị do Mỹ cung cấp.
“Họ có thể triển khai thiết bị rất nhanh chóng trên chiến trường và đã làm chậm đà tiến của Nga”, quan chức Mỹ nói thêm.
Theo quan chức Mỹ, các lực lượng Ukraine cũng được Mỹ huấn luyện trong bối cảnh mối đe dọa của Nga đối với nước láng giềng ngày càng nghiêm trọng hơn. Quan chức này cho biết 14 quốc gia khác cũng đã chuyển giao vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24/2. Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden cũng yêu cầu một gói viện trợ mới từ Quốc hội để cung cấp thêm sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ đã hối thúc gửi thêm tên lửa Stinger tới Ukraine trong nhiều tháng qua. Ukraine cũng nhiều lần đề nghị Mỹ chuyển thêm vũ khí, bao gồm vũ khí phòng không và chống tăng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2/3 nói rằng tại thời điểm này, Ukraine vẫn có thể nhận được “thiết bị quân sự phòng vệ quan trọng” mà Kiev cần để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ không đưa lực lượng quân sự tới Ukraine, nhưng sẽ hỗ trợ nước này trong cuộc đối đầu với quân đội Nga. Quốc hội Mỹ hồi tháng 1 đã phê chuẩn giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Estonia, Latvia và Lithuania, động thái mở đường các quốc gia này chuyển giao vũ khí có xuất xứ từ Mỹ cho Ukraine.
Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã liên hệ với các “đối tác” ở phương Tây để nói với họ rằng, số phận của Ukraine đang bị đe dọa. Ông kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga bởi Ukraine đang cảm thấy phải chiến đấu một mình. Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine đang bị “bỏ rơi” và phải tự mình chiến đấu trước sức ép quân sự từ Nga.
Theo Reuters