Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ trách nhiệm trong điều hành xăng dầu của Bộ Công Thương khi để một số cửa hàng dừng bán xăng.
Ngày 10/2, Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp đảm bảo cung ứng xăng dầu cách đây hai ngày.
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, mặt hàng này phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.
Các công cụ, cơ chế chính sách quản lý thị trường này đã được Chính phủ ban hành, giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành. Tuy nhiên, hiện tượng nhiều cây xăng nghỉ bán treo biển hết hàng tại một số địa phương vừa qua, Phó thủ tướng đánh giá là trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của cơ quan này.
“Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống”, kết luận của Phó thủ tướng nêu.
Ông yêu cầu Bộ Công Thương đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho nền kinh tế. Cơ quan này cũng cần kiểm tra, thanh tra ngay với các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng đóng cửa, dừng hoạt động để xử lý hành vi găm hàng trục lợi.
Với các đơn vị sản xuất, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết, sát thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Liên bộ Tài chính – Công Thương rà soát quy định về thuế, phí, tính toán lại chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở để phù hợp tình hình thực tế. Việc này nhằm đảm bảo “tính đúng, đủ, hài hoà lợi ích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và đơn vị sử dụng xăng dầu”.
Việc nhiều cây xăng tại một số tỉnh, thành phía Nam (An Giang, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng…) treo biển nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt… diễn ra đồng loạt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều nguyên nhân khiến tình trạng này diễn ra được lý giải.
Tại cuộc họp ngày 9/2 về cung ứng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, có tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá nên đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.
Bộ đã chỉ đạo để điều phối nguồn hàng như đề nghị Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cung cấp hàng cho Công ty Nam Sông Hậu để cung ứng hàng cho Cần Thơ, yêu cầu Saigon Petro cung cấp hàng cho một số đơn vị để bổ sung nguồn ở Hậu Giang và Cần Thơ…Tỷ trọng nguồn cung xăng dầu trong nước(Đến cuối năm 2021)Lọc dầu Dung QuấtLọc dầu Nghi SơnNhập khẩuVnExpress
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại, chưa kể tồn kho của thương nhân phân phối và đại lý. Dự kiến lượng mua vào để cung ứng thị trường đến hết tháng 2 là 1,55 triệu m3. Với nhu cầu khoảng 1,8-3 triệu m3 xăng dầu các loại một tháng, nguồn cung này, theo ông, đủ trong tháng 2. Tuy nhiên, từ tháng 3 nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng.
Đồng tình hiện không thiếu nguồn cung, nhưng ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, nhận xét đang có mức độ không đồng đều giữa các doanh nghiệp đầu mối.
Các đầu mối đều có mạng lưới đảm bảo được nguồn cung. Trong khi đó, một số thương nhân phân phối khó tiếp cận đầu vào. Ông Bảo lưu ý, thời gian trước mắt, cung xăng dầu vẫn đủ, nhưng cần có giải pháp tổng thể vì “chưa biết được tình hình sẽ như thế nào khi nguồn tài chính cấp cho Nghi Sơn chỉ giúp nhà máy này hoạt động bình thường tới tháng 5”. Hiện, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chiếm khoảng 35% thị phần cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.