Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tìm kiếm các thị trường xuất khẩu năng lượng thay thế, sau khi phương Tây áp lệnh cấm vận do chiến dịch quân sự tại Ukraine.
“Đối với dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga, chúng tôi sẽ tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa và thúc đẩy quá trình chế biến nhiên liệu thô”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp về sự phát triển của vùng Bắc Cực hôm 13/4.
“Chúng tôi cũng sẽ tăng cường cung cấp năng lượng cho các khu vực khác trên thế giới, nơi chúng thực sự cần thiết”, ông Putin nói thêm.
Tổng thống Putin cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu là do các nước từ chối “hợp tác bình thường với Nga, từ đó, tác động đến hàng triệu người ở châu Âu”.
“Tất nhiên chúng tôi cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề, nhưng điều này lại mở ra những cơ hội mới”, ông Putin nói thêm.
Theo Tổng thống Putin, “các quốc gia thù địch” đã phá hủy chuỗi cung ứng của Nga ở vùng Bắc Cực và một số quốc gia không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng của họ, từ đó tạo ra nhiều vấn đề cho Moscow.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov hôm 13/4 cho biết Moscow sẵn sàng bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho “các quốc gia thân thiện” vì các nhà nhập khẩu truyền thống đang tránh nguồn cung năng lượng của Nga, buộc Moscow phải giảm sản lượng dầu thô.
Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với Moscow. Các biện pháp này được áp đặt trên hầu hết lĩnh vực với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế Nga, đặc biệt là nguồn năng lượng.
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga. Anh cũng “nối gót” với kế hoạch ngừng nhập khẩu năng lượng Nga từ cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030.
Nghị viện châu Âu ngày 7/4 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu cấm vận “hoàn toàn và ngay lập tức việc nhập khẩu dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt Nga”. EU phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Cụ thể, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt và 27% dầu mỏ cho châu Âu. Tỷ lệ phụ thuộc này thậm chí còn cao hơn nhiều ở một số nước như Đức.
Bất chấp lệnh cấm vận, cả Mỹ, Anh và các nước EU vẫn tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga. Theo báo cáo mới của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khối lượng nhập khẩu dầu Nga của Mỹ đã tăng 43% từ ngày 19/3 đến ngày 25/3 so với tuần trước đó. Dữ liệu cho thấy Mỹ đã nhập khẩu tới 100.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày.
Một báo cáo phân tích của Bloomberg dự đoán, kim ngạch xuất khẩu năng lượng năm 2022 của Nga có thể đạt 321 tỷ USD, tăng 1/3 so với năm ngoái.
Tổng thống Putin hôm 12/4 tuyên bố phương Tây sẽ không thể cô lập một nước lớn như Nga, trong khi Moscow sẽ không tách mình khỏi phần còn lại của thế giới. Ông cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi và sự ổn định của nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc đưa nền kinh tế thích ứng với những thực tế và hạn chế mới.