Nếu liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không trích lập quỹ bình ổn, giá xăng trong nước đã có thể giảm 451-493 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành ngày 22/8, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giữ nguyên giá mặt hàng xăng. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 vẫn được bán với giá 23.725 đồng/lít, RON 95 là 24.669 đồng/lít.
Theo cơ quan quản lý, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 11/8 đến 22/8) tiếp tục có những diễn biến tăng giảm đan xen. Có những giai đoạn giá giảm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn chậm (làm giảm cầu), trong khi nguồn cung từ Iran có thể cải thiện (thỏa thuận hạt nhân được nối lại).
Tuy nhiên, sau đó giá dầu lại có xu hướng tăng nhanh trở lại khi Mỹ công bố tồn kho dầu giảm, cùng với lượng đơn đề nghị hỗ trợ thất nghiệp giảm, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ lại tăng. Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng nhẹ.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá là: 107,6 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 1,7 USD/thùng, tương đương tăng 1,6% so với kỳ trước); 111,4 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 1,5 USD/thùng, tương đương tăng 1,4% so với kỳ trước.
Dù giá cơ sở các mặt hàng xăng đều tăng, giá mặt hàng xăng trong nước lại giữ nguyên. Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nói đã giảm mức trích lập quỹ bình ổn với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở 451 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít (kỳ trước là 750 đồng/lít) để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Phương án điều hành trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường (đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9), hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm bảo vệ môi trường…”, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho hay.
Thực tế, nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá, giá xăng trong nước đã có thể giảm mức tương đương với phần đã trích lập. Nếu điều này xảy ra, giá mặt hàng nhiên liệu sẽ giảm lần thứ 6 liên tiếp.
Theo liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương giai đoạn các tháng cuối năm, thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, cần có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, ngày 8/8, Chính phủ quyết định giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì giảm từ 20% xuống 10%. Tuy nhiên, do hiện nay phần lớn xăng nhập khẩu về Việt Nam là từ ASEAN và Hàn Quốc, nên việc giảm thuế nhập khẩu MFN có thể không làm giảm giá xăng trong nước.
Ở khía cạnh tích cực, việc giảm thuế nhập khẩu MFN mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp đầu mối tiếp cận các thị trường mới, đa dạng hóa nguồn cung xăng trong nước, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng, xin chủ trương về phương án giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT đối với xăng dầu nhằm “hạ nhiệt” giá xăng.
Trước kỳ điều chỉnh giá ngày 22/8, quỹ bình ổn giá tại Petrolimex đang dương 644 tỷ đồng. Quỹ này bắt đầu dương từ ngày 21/7, sau nhiều lần cơ quan quản lý quyết định trích lập quỹ bình ổn.
Theo Dantri.com.vn