(Petronews) – Các công ty Ấn Độ như Reliance Industries, Indian Oil, NTPC, Adani Enterprises, JSW Energy, ReNew Power và Acme Solar có những kế hoạch lớn về hydro xanh; Lithium trở thành “vàng trắng”; Mỹ bị phụ thuộc vào nguồn uranium của Nga… là những tin chính của Bản tin hôm nay.
Ấn Độ phê duyệt kế hoạch trị giá 2 tỷ USD cho ngành công nghiệp hydro xanh
Động thái này nhằm mục đích giúp Ấn Độ, một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đạt được lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2070.
Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất hàng năm 5 triệu tấn hydro xanh vào năm 2030, cắt giảm khoảng 50 triệu tấn khí thải carbon và tiết kiệm 1 nghìn tỷ rúp cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. “Mục tiêu của chúng tôi là biến Ấn Độ trở thành một trung tâm hydro xanh toàn cầu”.
Các biện pháp khuyến khích của Chính phủ Ấn Độ nhằm mục đích làm cho hydro xanh có giá cả phải chăng và giảm chi phí sản xuất. Các đơn vị phân bón, lọc dầu và luyện gang thép hiện đang tiêu thụ 5 triệu tấn hydro xám, được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch, mỗi năm.
Chính phủ Ấn Độ dự kiến khoản đầu tư trị giá 8 nghìn tỷ rúp (96,65 tỷ USD) vào lĩnh vực hydro xanh vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng các ưu đãi sẽ được đưa ra để sản xuất máy điện phân và sản xuất hydro xanh.
Các công ty Ấn Độ như Reliance Industries, Indian Oil, NTPC, Adani Enterprises, JSW Energy, ReNew Power và Acme Solar có những kế hoạch lớn về hydro xanh.
Năng lượng tái tạo đáp ứng gần một nửa nhu cầu điện của Đức trong năm 2022
Cơ quan mạng lưới điện liên bang của Đức (BNetzA) cho biết, năng lượng tái tạo đã đáp ứng gần một nửa nhu cầu điện của Đức trong năm 2022, trong khi mức tiêu thụ điện nói chung giảm và giá bán buôn điện tăng sau khi cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2022 đã tăng lên 48,3%, từ mức 42,7% một năm trước đó. Phụ tải lưới điện không bao gồm mức tiêu thụ riêng của nhà máy điện hoặc mạng lưới công nghiệp, do đó, cơ sở tính toán được sử dụng ở đây có xu hướng dẫn đến tỷ lệ năng lượng tái tạo cao hơn so với tỷ lệ tổng mức tiêu thụ điện. Nó cũng không bao gồm xuất khẩu điện ròng.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng gió trên đất liền năm ngoái đạt 19,8% (từ 17,7% vào năm 2021) và năng lượng gió ngoài khơi là 4,9% (từ 4,8%). Tỷ trọng điện mặt trời tăng lên 10,9% (từ 9,2%), trong khi điện sinh khối vẫn ở mức 7,8%. Thủy điện giảm xuống còn 2,5% (từ 2,9%) và các năng lượng tái tạo khác (địa nhiệt, chất thải…) chiếm 0,2% (từ 0,3%). Các nguồn năng lượng truyền thống giảm thị phần xuống còn 53,8% (từ 57,3%), với than đá và than non tăng, khí đốt gần như đình trệ và hạt nhân thoái trào.
Lithium trở thành “vàng trắng”
Sự phát triển EV đã đưa sản lượng lithium lên mức cao mới.
Hoa Kỳ chiếm hơn 1/3 sản lượng lithium toàn cầu vào năm 1995. Từ đó trở đi cho đến năm 2010, Chile đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất với sự bùng nổ sản xuất ở Salar de Atacama, một trong những mỏ nước muối giàu lithium nhất thế giới.
Sản lượng lithium toàn cầu lần đầu tiên vượt 100.000 tấn vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Khi thế giới sản xuất nhiều pin và xe điện hơn, nhu cầu về lithium được dự đoán sẽ đạt 1,5 triệu tấn lithium cacbonat tương đương (LCE) vào năm 2025 và hơn 3 triệu tấn vào năm 2030. Sản lượng lithium cần tăng gấp 3 lần vào năm 2025 và tăng gần gấp 6 lần vào năm 2030.
Phát triển hạt nhân ở Mỹ bị phụ thuộc vào nguồn uranium của Nga
Trong khi việc phát triển các tài sản hạt nhân thể hiện một bước tiến trong phong trào trung hòa carbon, Hoa Kỳ có một thách thức rất lớn phải vượt qua để các nhà máy điện hạt nhân của họ thành công – đó là sự phụ thuộc vào uranium của Nga.
Loại uranium mà các lò phản ứng hạt nhân của Hoa Kỳ yêu cầu để chạy chỉ được bán thương mại bởi một công ty trên thế giới, một công ty con của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga (ROSATOM). Hiện tại, các công ty hạt nhân của Hoa Kỳ mua khoảng một nửa lượng uranium mà họ sử dụng từ các công ty nhà nước ở Nga, Kazakhstan và Uzbekistan. Scott Melbye, Phó Chủ tịch điều hành của Uranium Energy Corp., cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng có hơn 1 tỷ USD hàng năm chảy vào ROSATOM để mua nhiên liệu hạt nhân”.
Thanh Bình
(Source: Reuters, Rechargenews)