(Petronews) – Tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70 – 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90 – 105.000 việc làm trực tiếp.
Theo Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống.
Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Tại Mỹ, kinh tế xanh tạo việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, đóng góp tương đương 1.300 tỷ USD/năm.
Với các nước OECD, con số này là 17,5 triệu lao động, tương đương 2.900 tỷ USD/năm.
Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị – công trình xanh, tài chính xanh…
Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị – công trình xanh, tài chính xanh…
Còn theo đại diện của Boston Consulting Group (BCG), xu hướng xanh cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc – nền kinh tế có lượng phát thải cao nhất thế giới hiện nay, với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng các phương tiện giao thông xanh.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Trung Quốc đã tập trung áp dụng chính sách tăng trưởng xanh; trong đó tập trung vào ban hành các tiêu chuẩn quy định cho hàng hóa tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ phát triển các dự án công nghệ cao, công nghệ xanh thông qua loạt giải pháp như miễn giảm thuế, hỗ trợ hạ tầng, thủ tục…
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ ban đầu của BCG, để tăng tốc tăng trưởng xanh, tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70 – 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90 – 105.000 việc làm trực tiếp.
Đối với hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 – 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40 – 50.000 việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Nguồn: chinhphu.vn