Tham vọng đưa lò phản ứng nhiệt hạch hạt nhân hay “mặt trời nhân tạo” vào sản xuất thương mại của Trung Quốc ngày càng lớn khi nguồn lợi mà loại năng lượng này mang lại gần như vô hạn.
Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết, Trung Quốc đang trong quá trình thành lập một công ty thuộc sở hữu của nhà nước, nhằm huy động nguồn lực, đưa lò phản ứng nhiệt hạch hạt nhân, hay còn gọi là “mặt trời nhân tạo”, đi vào hoạt động.
Việc thành lập công ty China Fusion Energy Inc đã được công bố vào ngày 29/12. Bên cạnh huy động vốn, công ty này còn có vai trò quan trọng trong việc hợp nhất hoạt động nghiên cứu và phát triển năng lượng nhiệt hạch của các viện nghiên cứu và công ty tư nhân ở Trung Quốc.
Ông Chen Rui, người sáng lập Startorus Fusion – công ty công nghệ cao, tập trung đưa năng lượng nhiệt hạch vào ứng dụng thương mại cũng như nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan, cho biết phát triển nhiệt hạch hạt nhân đã trở thành ưu tiên quốc gia.
“Tại một cuộc họp gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã khẳng định nhiệt hạch hạt nhân là hướng đi duy nhất cho năng lượng của tương lai. Trong bối cảnh lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh chóng ở châu Âu và Mỹ, Trung Quốc cũng đã bắt đầu tập trung phát triển ngành này”, ông cho biết.
Phó chủ tịch Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc Cao Shudong cho biết: “Nhiệt hạch hạt nhân là một giải pháp lý tưởng cho những thách thức năng lượng toàn cầu – vấn đề hàng đầu trong cuộc cạnh tranh khoa học và công nghệ giữa các nước lớn trên thế giới”.
Đồng thời ông cũng khẳng định Trung Quốc cần phát triển “ngành công nghiệp năng lượng chất lượng cao” bằng cách tận dụng hệ thống quản lý trung ương để tập trung nguồn lực quốc gia vào các dự án trọng điểm.
Mục tiêu chính của công ty mới là đẩy nhanh quá trình thương mại hóa năng lượng nhiệt hạch, thay vì chỉ tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Các thách thức lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt có thể kể đến như sản xuất nam châm siêu dẫn nhiệt độ cao, vật liệu của lò phản ứng nhiệt hạch và phương pháp lưu trữ năng lượng hiệu suất cao.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn rất tham vọng về dự án này. Vào tháng 9/2023, ông Lu Tiezhong, Chủ tịch Công ty Điện hạt nhân CNNC, cho biết nguồn điện đầu tiên được tạo ra từ phản ứng nhiệt hạch hạt nhân có kiểm soát “phải đến từ đất nước chúng tôi và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu này”.
Được ví như “mặt trời nhân tạo”, phản ứng nhiệt hạch hạt nhân tạo ra năng lượng bằng cách đốt nóng các nguyên tử hydro ở 100 triệu độ C (180 triệu F) và kiểm soát vật chất trong đó.
Nếu thành công, phản ứng nhiệt hạch hạt nhân cung cấp năng lượng an toàn, sạch và gần như vô hạn. Phản ứng nhiệt hạch hạt nhân cũng không tạo ra chất thải phóng xạ cũng như không góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Không riêng Trung Quốc, các quốc gia khác trên toàn thế giới cũng liên tục đổ tiền vào nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch hạt nhân vì triển vọng năng lượng to lớn của nó.
Mới đây nhất, vào tháng 12/2023, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Vương quốc Anh đã công bố khoản đầu tư trị giá 12,7 triệu USD để phát triển các công nghệ tiên tiến cho năng lượng nhiệt hạch. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty tư nhân tham gia cuộc đua này.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đang là một trong những “người chơi” hàng đầu. Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu Astamuse có trụ sở tại Tokyo, Trung Quốc đã nộp bằng sáng chế về công nghệ nhiệt hạch hạt nhân nhiều hơn bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào khác trong giai đoạn 2011 – 2022.
Quốc gia châu Á này cũng đang trong quá trình xây dựng một lò phản ứng nhiệt hạch nguyên mẫu công nghiệp vào năm 2035 và tham vọng đưa công nghệ này vào sử dụng thương mại quy mô lớn trong năm 2050.