Việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn là quyền cơ bản của con người. Thế nhưng, thực tế là hiện có đến 1/4 dân số thế giới vẫn thiếu nước sạch để sinh hoạt. Tại nhiều khu vực, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, người dân thường phải đi bộ hàng giờ mới lấy được nước, trong khi độ an toàn của nước cũng không được đảm bảo. Tại Brazil, một công ty khởi nghiệp nhiều năm nay đang áp dụng một hệ thống đơn giản mà hiệu quả để góp phần giải quyết vấn đề này.
Mỗi ngày, bà Julieta đều phải đi bộ hơn 20 phút đến cái giếng nhỏ này để lấy nước. Dù thời tiết nắng nóng, bà cũng không hề phàn nàn bởi đã quá quen với việc này.
Vùng nông thôn bang Ceara, phía Đông Bắc Brazil có nhiều nắng nhưng lại thiếu nước. Người dân phải rất vất vả mới có đủ nước sinh hoạt. Họ cũng không hoàn toàn chắc chắn nước có thực sự an toàn để uống hay không.
Bà JULIETA CAVALCANTE, Nông dân chia sẻ: “Tôi có 2 con gái. Cả 2 đều từng bị tiêu chảy nặng đến mức tôi phải đưa chúng đi bệnh viện. Chúng đã phải ở đó vài ngày.”
Người nông dân 56 tuổi này là một trong 35 triệu người ở Brazil không được tiếp cận với nước sạch, kể cả từ giếng hay từ vòi. Chị Anna Luisa Beserra đã quyết tâm thay đổi thực trạng này, với việc thành lập start-up tập trung vào phát triển các công nghệ nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch và vấn đề vệ sinh.
Chị ANNA LUISA BESERRA, Nhà sáng lập start-up Phát triển bền vững và Nước cho mọi người (SDW) cho biết: “Tôi đã nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào từ mặt trời để giải quyết vấn đề lớn nhất cho người dân ở đây, những người thường xuyên uống nước bẩn mà không hề hay biết.”
Khi mới 15 tuổi, Anna đã phát minh ra Aqualuz, một hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời để khử trùng nước. Thiết bị lắp đặt rất đơn giản, chỉ bao gồm một bồn chứa gắn cảm biến và giá đỡ. Người dân có thể đổ nước mưa hoặc nước giếng vào bồn, đặt một tấm kính lên trên để tránh bụi bẩn, sau đó phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Các tia cực tím (UV) có nhiệm vụ tiêu diệt vi sinh vật. Sau khoảng 4 giờ, cảm biến sẽ chuyển từ màu đen sang đỏ và nước đã có thể uống được. Chị ANNA LUISA BESERRA, Nhà sáng lập start-up Phát triển bền vững và Nước cho mọi người (SDW) chia sẻ: “Nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều người là niềm vui lớn nhất không chỉ của tôi mà của cả tập thể.”
Đến nay, khoảng 20.000 người đã được cung cấp Aqualuz. Toàn bộ chi phí được tài trợ bởi các doanh nghiệp mong muốn tham gia vào dự án xã hội ý nghĩa này.
Dù vậy, vẫn có không ít người dân tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của thiết bị, cũng như phương pháp phơi nước dưới ánh nắng mặt trời. Ông Nando Laurino đã nhận được hệ thống Aqualuz được 2 tháng, tuy nhiên vẫn chưa sử dụng.
Ông NANDO LAURINIO, Nông dân chia sẻ: “Tôi đã đợi đến khi chúng ta có thể cùng nhau sử dụng nó. Tôi muốn giải tỏa những nghi ngờ cuối cùng của mình.”
Chị ANNA LUISA BESERRA, Nhà sáng lập start-up Phát triển bền vững và Nước cho mọi người (SDW) cho biết: “Nhiều người ngại sử dụng phương pháp phơi nước hàng giờ dưới ánh nắng mặt trời, họ vẫn hoài nghi. Còn một vấn đề nữa là họ thường không liên hệ những bệnh mà bản thân mắc phải, ví dụ như tiêu chảy, với nước mà họ đang uống.”
Ông Nando cũng tỏ ra lo ngại về chất lượng nước giếng của mình, nên nhóm của Anna đã lấy mẫu để kiểm tra. Kết quả cho thấy, mẫu nước bị ô nhiễm nặng, có màu đậm đục và mùi hôi. Trong khi đó, nước được khử trùng bằng Aqualuz hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để uống.
Chị ANNA LUISA BESERRA, Nhà sáng lập start-up Phát triển bền vững và Nước cho mọi người (SDW) chia sẻ: “Mỗi sinh mệnh đều quan trọng. Đó là điều chúng tôi hướng tới. Những gia đình như của bà Julieta và ông Nando chính là động lực để chúng tôi vượt qua mọi trở ngại.”
Với những nỗ lực của mình, Anna đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vinh danh là Nhà vô địch trẻ của Trái đất vào năm 2019, cũng như giành nhiều giải thưởng cho sáng kiến về bảo vệ môi trường. Chị hy vọng độ nhận diện lớn hơn sẽ giúp công ty khởi nghiệp có thêm sự hỗ trợ, và từ đó có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.