Bom đạn rền vang, tên lửa tàn phá khiến nhiều con phố ở Kharkov ngổn ngang, xe cộ bị thiêu cháy la liệt trên đường. Một số ít người Việt bám trụ lại đây những ngày qua luôn thấp thỏm…
Một tuần bặt tin người thân từ điểm nóng
“Chiến tranh ngày thứ 14.
Sáng bố gọi báo tin ở Mariupol tiếp tục căng thẳng. Bố cùng nhiều người Việt rất muốn đi mà không đi được. Ngoại trừ một ít lương thực và sóng điện thoại chập chờn, lúc có lúc không thì thành phố không còn gì nữa. Ngoài trời tuyết vẫn rơi và hệ thống lò sưởi đã không còn hoạt động.
Thành phố Kharkov tình hình vẫn thế, vẫn bắn nhau, vẫn vang tiếng bom nổ nhưng may mắn không phải ở khu vực của mình…”.
Đã nhiều ngày nay, Lê Hồng Thùy (28 tuổi, sống tại thành phố Kharkov) duy trì thói quen cập nhật trạng thái lên trang cá nhân để bạn bè và người thân biết được cuộc sống hiện tại của cô. Những hôm mất điện, không có kết nối internet, Thùy cũng cố gắng dùng mạng điện thoại chia sẻ ngắn gọn để mọi người biết cô vẫn đang an toàn.
Thùy sinh sống ở Kharkov một mình, còn bố cô sống ở thành phố Mariupol cách đó gần 700 km. Khi cuộc chiến nổ ra, bố của Thùy dự tính di tản sang Ba Lan rồi về Việt Nam. Tuy nhiên, dự định này đến hiện tại không thể thực hiện được.
Cũng như nhiều người dân của thành phố Mariupol, bố của cô đang phải chịu cảnh thiếu thốn về nước, thực phẩm, điện và năng lượng sưởi ấm, nguy hiểm rình rập từng giờ khi giao tranh xảy ra ác liệt. “Bố tôi kể, người dân đã phải nhặt củi để nấu ăn. Tình trạng cướp bóc xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều ngôi nhà đổ nát, cửa sổ vỡ toang”, Thùy chia sẻ.
Hàng ngày, Thùy sốt ruột ngóng chờ điện thoại của bố. Nhưng từ ngày 2/3, cô bị bặt tin ông.
Suốt một tuần liền không liên lạc được với bố, cô gái trẻ lo lắng, cầu nguyện mọi chuyện tệ hại sẽ không xảy ra. Rất may sau đó, Thùy được một người quen báo tin bố cô không sao và đang ở nơi trú ẩn an toàn. Bố cô sau đó cũng đã sạc được điện thoại gọi cho con gái vào ngày 9/3.
Hiện tại, cô đang hi vọng hành lang xanh được thiết lập an toàn để bố cô sớm được đi sơ tán.
Về phần mình, Thùy chia sẻ, Kharkov là thành phố lớn gần biên giới Nga, trở thành mục tiêu quân sự quan trọng trong cuộc xung đột. Bom đạn đã tàn phá khu trung tâm của thành phố, nhiều đường xá, công trình, trường học bị hư hỏng.
“Ở nơi tôi sống có 5 khu nhà với khoảng 300 hộ người Việt sinh sống. Tuy nhiên hiện giờ chỉ còn khoảng 3-4 gia đình ở lại. Nhiều người Ukraine quanh đây cũng đã di tản bớt khi thấy thành phố bị bắn phá ngày một ác liệt. Mỗi ngày tôi vẫn nghe thấy âm thanh của tiếng bom nổ ở những vùng khác trong thành phố vọng lại”, Hồng Thùy chia sẻ.
Tuy không bị tấn công trực tiếp nhưng khu dân cư nơi cô gái trẻ này sinh sống cũng bị ảnh hưởng không ít bởi chiến tranh. Đã có những ngày điện mất, lò sưởi không hoạt động, internet trục trặc.
Mỗi ngày, Thùy phải tuân thủ giờ giới nghiêm, buổi tối, cô nấu nướng thật sớm, ăn xong bữa tối trước 18h để tắt đèn trong phòng bếp rồi trở về phòng ngủ nằm. “Có hôm, tôi nấu ăn hơi muộn một chút liền bị bảo vệ khu nhà nhắc nhở tắt đèn đi đề phòng bị tấn công. Phòng ngủ không có cửa sổ nên tôi vẫn có thể bật đèn ban đêm. Tuy nhiên, nếu muốn ra phòng bếp, tôi buộc phải dùng đèn pin điện thoại”, Thùy cho hay.
Trước khi rời đi di tản, nhiều đồng hương người Việt đã gửi lại chìa khóa nhà cửa cho Thùy. Vì vậy, ban ngày, những lúc cảm thấy an toàn, Thùy thường chạy sang nhà hàng xóm để tưới cây giúp họ, đôi khi cô cho một số vật nuôi ăn hoặc lấy thêm chút lương thực.
Hồng Thùy kể: “Nhiều gia đình trước đó đã mua thực phẩm dự trữ để bám trụ lại. Tuy nhiên, sau đó họ quyết định đi tị nạn. Họ thường bảo tôi qua lấy đồ đem về ăn. Tôi thường chỉ lấy cho mình một ít, phần còn lại, tôi đem phân phát cho những người khó khăn quanh đây”.
Chia sẻ về quang cảnh đường phố gần nơi mình sống những ngày này, cô gái trẻ cho hay: “Đường phố rất vắng, phủ đầy tuyết trắng. Thi thoảng có một số chiếc xe hơi chạy qua lại. Xe công cộng đã không hoạt động nữa. Những nơi tập trung đông người là ở hiệu thuốc, siêu thị, nơi phát đồ ăn miễn phí. Tuy nhiên, họ thường phải xếp hàng 2-3 tiếng đồng hồ và đôi khi vào đến nơi cũng không mua được gì”.
Hàng ngày, Thùy đều cập nhật tin tức để xem rằng mình có thể bám trụ được nơi đây đến lúc nào. Dù vẫn cảm thấy an toàn nhưng nhiều đêm, cô gái trẻ cũng thấp thỏm không yên khi nghe tiếng bom nổ rầm rầm, tiếng pháo từ xa vọng lại.
Thùy nói: “Nếu tình hình căng thẳng hơn, tôi cũng buộc phải rời đi dù không muốn lên đường tị nạn chút nào. Đó là một hành trình mệt mỏi, phải chờ đợi rất lâu, thiếu thốn đồ đạc. Sang đến nơi lại phải bắt đầu lại hoàn toàn với đôi bàn tay trắng”.
Không biết “tạm ổn” được đến ngày nào
Từ những ngày đầu tháng 3, thành phố Kharkov đã phải hứng chịu liên tiếp những trận pháo kích. Bom đạn rền vang, tên lửa tàn phá khiến những con phố ngổn ngang, xe cộ bị thiêu cháy la liệt trên đường. Các con phố vốn sầm uất, nay vắng người qua lại. Mọi người đều hạn chế ra đường nhiều nhất có thể.
Tại thành phố này, một số tòa nhà của chính quyền địa phương, nhà hát opera đã bị trúng tên lửa. Chiến sự quyết liệt kéo theo việc một số khu dân sinh bị trúng “bom rơi, đạn lạc”.
Dù nhiều người hàng xóm đã lên đường di tản để lánh nạn nhưng gia đình chị Đỗ Thu Hương (41 tuổi) vẫn quyết định bám trụ lại thành phố.
Chia sẻ với Dân trí ngày 10/3, chị Hương nghẹn ngào cho biết: “Vợ chồng tôi sang Ukraine sinh sống và làm việc đã hơn 20 năm. Cuộc sống yên bình, vui vẻ. Đùng một cái, nghe thấy tiếng bom đạn bên tai, tôi hoảng loạn vô cùng. Những tiếng nổ rát rạt, ám ảnh đến cả trong giấc ngủ…”.
Mấy ngày đầu, cứ nghe thấy tiếng bom nổ từ xa vọng lại, cả gia đình chị Hương lại cuống cuồng hoảng loạn, chạy xuống hầm trú ẩn. Tuy nhiên, qua nhiều ngày, đã quen tai hơn với những âm thanh này, chị Hương và chồng học cách giữ bình tĩnh, chủ động để phán đoán tình hình.
Theo lời chị Hương, người Việt ở nơi chị sống cũng đã di tản gần hết. Ai cũng chấp nhận bỏ lại gia sản gây dựng nhiều năm để ra đi. Em gái của chị cũng đã sang Ba Lan và lên chuyến bay cứu trợ trở về Việt Nam.
Trước khi đi, em chị Hương đã hết lời thuyết phục chị rời Kharkov. Ngay cả bố mẹ chị ở quê nhà Việt Nam cũng liên tục gọi điện thúc giục. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn quyết định ở lại. “Các con tôi cũng không còn quá nhỏ. Nếu phải di chuyển khẩn cấp thì cũng vẫn linh động được. Nên hiện tại tôi vẫn ở lại đến khi nào có thể”, chị Hương nói.
Quyết tâm là vậy nhưng khi thấy dòng người rời khỏi thành phố mỗi lúc một đông, lòng chị Hương lại trùng xuống, không tránh khỏi sự hụt hẫng, chơi vơi.
Chị Hương đánh giá tình hình khu vực gia đình mình ở vẫn tạm ổn, bên ngoài vẫn có sự đi lại, mua bán, có xe phát hàng cứu trợ. Thỉnh thoảng không phải giờ giới nghiêm, chị vẫn xuống dưới đi dạo quanh nhà.
Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều nơi trong thành phố bị bắn phá ác liệt, mất điện, mất nước, chị Hương không biết tình trạng “tạm ổn” này kéo dài được đến lúc nào.
Hiện tại, chị Hương vẫn kết nối với các đồng hương còn trụ lại trong thành phố để nắm bắt tình hình.
“Mọi người khuyên nhau tùy theo tình hình của từng gia đình mà đi hay ở. Nhà tôi cũng đang ở trong trạng thái lưỡng lự bởi hành trình tị nạn trong giá rét thực sự gian khổ. Nhiều người đã lạc mất người thân. Như dì của tôi đây, khi sang đến Ba Lan đã bị đi lạc. Dì tuổi cao, lại có bệnh trong người, không biết tiếng. Rất may sau đó dì đã được người Việt ở Ba Lan giúp đỡ và đưa về một ngôi chùa”, chị Hương kể.
Cuộc sống nhiều nơi trong thành phố điểm nóng Kharkov ngày càng khó khăn hơn. Ga tầu điện ngầm ở Kharkov cũng biến thành hầm trú bom cho người dân. Nhiều người Việt đã lựa chọn rời đi sớm để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, không ít người Việt vẫn kẹt lại vùng chiến sự do lo sợ gặp nguy hiểm trên đường tị nạn. Một số thì không muốn bỏ lại tất cả tài sản để dứt áo ra đi….
Như bao người đang chịu cảnh lầm than loạn lạc, người phụ nữ này cũng mong mỏi chiến sự sớm kết thúc để không ai phải rời khỏi nơi mà họ sinh sống gắn bó nhiều năm.
Theo Dân Trí