Hà Nội đã thống nhất đề xuất ga ngầm C9 thuộc tuyến metro số 2 sẽ được bố trí ngoài Vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm (Hà Nội). Phương án này có ưu – nhược điểm thế nào?
Theo Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), Phương án 1 (ga ngầm C9 sẽ được bố trí ngoài Vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm) đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Theo phương án này, ga C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng, tuyến hầm phải điều chỉnh kết cấu từ đi song song đồng mức sang đi xếp chồng dẫn đến giảm phạm vi ảnh hưởng và thu hẹp hành lang tuyến, hạn chế ảnh hưởng đến vùng bảo vệ II của di tích. Lối lên, xuống nhà ga hợp lý không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích.
Đồng thời, phương án đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, điểm đầu nhà ga cách Tháp Bút khoảng 97 m nên biện pháp thi công nhà ga được đảm bảo không tạo ra rung chấn, ảnh hưởng đến di tích.
Tuy nhiên, so với Phương án 2 (là phương án được các cơ quan chuyên môn đánh giá có nhiều ưu điểm trên cơ sở được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, đáp ứng các yêu cầu về kinh tế – kỹ thuật), việc lựa chọn Phương án 1 sẽ đồng nghĩa với việc có thêm nhiều những nhược điểm.
Cụ thể, để đảm bảo đoạn tuyến và ga ngầm C9 nằm ngoài khu vực vỉa hè và vườn hoa – Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, theo Phương án 1 đoạn tuyến hầm được đặt bên dưới trung tâm của di tích đền Bà Kiệu.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về bán kính đường cong tối thiểu của dự án cũng sẽ phải điều chỉnh; nhà ga ngầm được xây dựng trên đường cong và xếp chồng với 4 tầng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt, xử lý nền đất phức tạp phát sinh chi phí xây dựng, khó khăn và rủi ro khi thi công.
Đồng thời, số lượng cửa lên xuống của nhà ga giảm một nửa từ 4 cửa xuống còn 2 cửa và đặt sâu hơn nên kém an toàn hơn khi xảy ra sự cố và giảm khả năng phục vụ cho hành khách; cần giải phóng mặt bằng bổ sung đối với phần đất đã thỏa thuận do cụm công trình phụ trợ, cửa lên xuống số 1 tăng quy mô và diện tích; quá trình vận hành hệ thống, bảo trì, an toàn cho hành khách và tính năng sử dụng… gặp nhiều hạn chế và tăng chi phí trong suốt vòng đời 100 năm khai thác của dự án.
Trong khi đó, do thay đổi thiết kế ban đầu được duyệt nên sẽ cần thuê tư vấn thiết kế chi tiết nhà ga C9, bổ sung nguồn vốn, cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
“Sau đó, Hà Nội sẽ thẩm định và phê duyệt lại rồi tổ chức đấu thầu xây lắp. Các thủ tục này sẽ càng kéo dài thời gian triển khai dự án” – đại diện MRB bày tỏ.
Theo Dân Trí