Cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh đang đối mặt hiện thực khó khăn trong môi trường bất ổn địa chính trị và lãi suất cao. Các dự án điện gió xa bờ khổng lồ liên tiếp bị hủy bỏ và giá cổ phiếu của các công ty năng lượng tái tạo đang giảm sâu. Tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô đang hạn chế kế hoạch phát triển xe điện khi nhu cầu không tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng.
“Sẽ không có giải pháp dễ dàng hay nhanh chóng nào cho quá trình chuyển đổi năng lượng”, James Yardley, một lãnh đạo của nhà điều hành đường ống dẫn dầu và khí đốt TC Energy TRP (Canada), nói tại một hội nghị chuyển đổi năng lượng ở Houston, bang Texas (Mỹ) vào tuần trước. Ông cho biết, các dự báo cho thấy, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và năng lượng tái tạo, “tất cả đều đóng vai trò quan trọng cho đến năm 2050”.
Thực tế, sự chuyển hướng khỏi dầu khí vẫn đang diễn ra. Công suất năng lượng mặt trời và gió đang tăng nhanh khi các chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ công nghệ phát thải carbon thấp và hàng tỉ đô la đang đổ vào các dự án từ sản xuất hydrogen đến trạm sạc xe điện.
Năm ngoái, Công ty quản lý tài sản Brookfield Asset Management huy động được 15 tỉ đô la Mỹ cho một quỹ chuyển đổi năng lượng và hiện huy động quỹ thứ hai dự kiến có quy mô lớn hơn nữa.
Nhưng Brookfield cũng đang chứng kiến lượng tiền ngày càng chảy mạnh vào các loại tài sản năng lượng truyền thống, chẳng hạn như các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đường ống dẫn khí đốt, vốn là một phần của mảng kinh doanh hạ tầng của công ty này. Brookfield hiện huy động vốn cho quỹ cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay và số tiền cam kết đã vượt mục tiêu 25 tỉ đô la.
Chuyển đổi năng lượng trở nên chông gai và đắt đỏ hơn
Khi các yếu tố bất ổn, từ lãi suất cao và lạm phát cho đến căng thẳng địa chính trị, thúc đẩy sự tập trung ngày càng tăng vào an ninh năng lượng, con đường hướng tới một tương lai ít carbon hiện có vẻ chông gai hơn và đắt đỏ hơn so với chỉ vài năm trước.
“Tôi nghĩ rằng quá trình chuyển đổi sang một thế giới có nhiều năng lượng mặt trời và gió, có nhiều đầu tư theo các tiêu chí chú trọng môi trường, xã hội và quản trị sẽ mất nhiều thời gian hơn”, Jeffrey DiModica, Chủ tịch của Starwood Property Trust, nói.
Phần lớn những khó khăn của ngành năng lượng sạch bắt nguồn từ câu chuyện kinh tế vĩ mô. Một số công ty trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì triển khai các dự án lớn, tốn kém trước khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng, do tác động của đại dịch Covid-19, khiến chi phí nguyên vật liệu như thép tăng vọt. Trong khi đó, lãi suất tăng, khiến nguồn tài chính trở nên đắt đỏ hơn.
Tại Mỹ, hàng chục nhà phát triển năng lượng tái tạo đã tăng giá điện và viết lại hợp đồng để cố gắng bù đắp chi phí đầu tư. Công ty điện lực Engie của Pháp đã nâng giá của nhiều hợp đồng cung cấp năng lượng gió và mặt trời ở Mỹ, với mức tăng khoảng 50% so với trước đại dịch, do các đối tác tài chính yêu cầu tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong môi trường lãi suất cao và không chắc chắn.
Theo David Carroll, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng sạch của Engie ở Bắc Mỹ, dù Engie chứng kiến một số khách hàng phản đối mức giá điện cao hơn, nhu cầu năng lượng xanh mạnh đến mức công ty vẫn đang trên đà đạt được mục tiêu đầy tham vọng là lắp đặt thêm 12 GW năng lượng tái tạo ở Mỹ vào năm 2030.
Tuy nhiên, các công ty khác đã rút hoàn toàn. Chẳng hạn, trong tháng này, nhà phát triển năng lượng tái tạo Orsted của Đan Mạch thông báo từ bỏ hai dự án điện gió đang xây dựng ngoài khơi của bang New Jersey. Orsted chấp nhận khoản lỗ 4 tỉ đô la để thực hiện điều đó. Trong thông báo hủy bỏ dự án, công ty nêu ra các yếu tố khó khăn bao gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng và lãi suất cao.
Nhiều nhà phát triển năng lượng gió khác cũng thua lỗ hàng trăm triệu đô la ở các dự án điện gió xa bờ tại Mỹ trong năm nay. Các diễn biến này khiến các nhà phân tích nghi ngờ mục tiêu triển khai 30 GW điện gió xa bờ vào năm 2030 của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
“Rất nhiều hợp đồng trong số này đã được ký kết khi thế giới tràn ngập nguồn vốn giá rẻ”, Abraham Silverman, cựu giám đốc pháp chế của hội đồng dịch vụ tiện ích công cộng bang New Jersey, nói.
Những khó khăn như vậy khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty năng lượng tái tạo bị bán tháo. Cổ phiếu của Orsted giảm hơn một nửa giá trị kể từ đầu năm và chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục đầu tư vào cổ phiếu năng lượng sạch, iShares Global Clean Energy ET, giảm giá 35%.
Dầu khí được quan tâm trở lại?
Khi năng lượng sạch gặp trở ngại, nhiều công ty nhiên liệu hóa thách chịu ít áp lực rời bỏ dầu khí hơn so với vài năm trước. Dầu khí đột nhiên nhận được sự quan tâm lớn do bất ổn địa chính trị, kết hợp với chủ nghĩa thực dụng ngày càng tăng khi các công ty và chính phủ nhận thấy quá trình khử carbon khó khăn hơn dự kiến.
Chiến sự Ukraine khiến các chính phủ tập trung vào an ninh năng lượng sau khi nguồn cung dầu và khí đốt của Nga giảm mạnh, khiến giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt, dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng trên toàn thế giới.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng đã tiếp thêm sức mạnh cho các lập luận cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng cần diễn ra chậm hơn và những kêu gọi cắt giảm mạnh đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là điều nguy hiểm.
Đặc biệt, Mỹ đang chứng kiến phản ứng chính trị dữ dội chống lại hoạt động đầu tư tập trung vào việc giải quyết biến đổi khí hậu. Một số bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo và các nhà lập pháp bảo thủ đang thúc đẩy hạn chế các khoản đầu tư theo chủ đề môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Theo Morningstar, các nhà đầu tư đã rút ròng 2,7 tỉ đô la khỏi các quỹ đầu tư bền vững của Mỹ trong ba tháng tính đến tháng 9, trong khi ngày càng nhiều quỹ đầu tư của Mỹ loại bỏ các thuật ngữ liên quan đến ESG ra khỏi tên của họ.
Các lãnh đạo ngành năng lượng chỉ ra rằng, các nền kinh tế như ở Mỹ hay châu Âu có thể chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn và ô tô điện nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Nhu cầu năng lượng ở các nền kinh tế đang phát triển dự kiến ngày càng tăng trong nhiều thập niên tới, nhưng họ không đủ nguồn lực để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nhanh chóng.
“Có ý kiến cho rằng đây sẽ là một quá trình chuyển đổi năng lượng tuyến tính. Nó sẽ diễn ra theo những cách khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới”, Daniel Yergin, Phó Chủ tịch của S&P Global, nói.
Sau khi thu về khoản lợi nhuận khổng lồ trong những năm qua nhờ giá dầu tăng, hai nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Mỹ, Chevron và ExxonMobil đang lên kế hoạch chi hơn 100 tỉ đô la để thâu tóm các đối thủ trong ngành vì tin rằng nhiên liện họa thạch vẫn cần hiết trong thời gian dài tới.
Một số nhà phân tích lưu ý, các thương vụ thâu tóm đó không nhất thiết là một bước lùi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, vì Chevron và ExxonMobil chỉ đơn giản là mua lại các tài sản dầu khí có sẵn, có thể khai thác nhanh chóng, thay vì bơm tiền để tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới có thể mất hàng thập niên và tốn kém hơn.
George Bilicic, giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận điện, năng lượng và cơ sở hạ tầng của ngân hàng đầu tư Lazard, lưu ý, hiện nay, các công ty năng lượng có nhiều khả năng bị các nhà đầu tư phản đối hơn nếu họ rót tiền vào mảng kinh doanh năng lượng sạch, có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Theo WSJ