(Petronews) – Khởi tạo dự án điện gió ngoài khơi:
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, chưa kể quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các tiểu hải đảo. Đây là một lợi thế về nguồn tài nguyên năng lượng.
Theo số liệu đánh giá tiềm năng (về lý thuyết – kỹ thuật) của Ngân hàng Thế giới, công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 475 GW. Trong một số nghiên cứu của tổ chức khác, tiềm năng gió ngoài khơi Việt Nam có thể đạt đến hơn 900 GW, tập trung chủ yếu vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ.
Huy động công suất điện gió ngoài khơi theo phương án điều hành phụ tải cao từ năm 2030 đến 2050 và nhu cầu điện toàn quốc – theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII. |
Để khởi tạo một dự án điện gió ngoài khơi, bước đầu tiên cần thực hiện:
Thứ nhất: Đánh giá sơ bộ khu vực dự án thông qua dữ liệu quốc gia và các tổ chức khác. Tham chiếu thông tin từ Quy hoạch phát triển điện lực, Quy hoạch không gian biển, các quy hoạch chuyên ngành liên quan và những khuyến nghị của địa phương có tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Thứ hai: Xin cấp giấy phép khảo sát, thu thập dữ liệu, lập hồ sơ đề xuất đầu tư (hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi – PreFS), xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư thực hiện dự án.
Kỳ vọng vào nội dung Nghị định dự thảo, sửa đổi một số điều của Nghị định số 11/2021/NĐ- CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, sớm được ban hành trong năm 2023. Đây là cột mốc khá quan trọng, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư nên xây dựng lộ trình cho chính mình nhằm chứng minh về năng lực tài chính (có sự đảm bảo của các tổ chức tài chính), năng lực kỹ thuật, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, cũng như thể hiện rõ quyết tâm thực hiện dự án qua cam kết tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng trong quá trình thực hiện dự án, nghiên cứu khung giá bán điện.
Đề xuất hồ sơ khảo sát, thể hiện sự hiểu biết về các hoạt động khảo sát và ảnh hưởng của các hoạt động này đến tự nhiên, môi trường và xã hội. Sau khi đã được cấp phép khảo sát, cần tiến hành lắp đặt các trạm đo số liệu ngoài khơi, thực hiện khảo sát thăm dò, phân tích số liệu, chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự án và trình thủ tục xin quyết định đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư.
Chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể:
Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều báo cáo nghiên cứu từ các tổ chức nước ngoài, các cuộc hội thảo quốc tế với nhiều quan điểm xoay quanh câu chuyện lộ trình và cách thức thực hiện điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể liên quan. Các bộ, ngành khá thận trọng khi tiếp nhận các hồ sơ xin chủ trương đầu tư trong lĩnh vực năng lượng điện gió ngoài khơi. Thật khó khăn khi chúng ta kinh nghiệm còn rất ít trong lĩnh vực này.
Một vài mối quan tâm liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam:
1/ Khung pháp lý: Chính phủ chưa ban hành văn bản Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi; Quy hoạch phát triển điện quốc gia và Quy hoạch không gian biển đang được hoàn thiện.
2/ Cơ chế chính sách: Cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thiện việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án điện gió ngoài khơi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3/ Đối với các dự án năng lượng mới nói chung và nguồn điện gió ngoài khơi nói riêng rất cần tiếp tục cơ chế khuyến khích và giá mua điện thích hợp từ Chính phủ.
4/ Phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giá bán điện tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và phải đảm bảo an ninh năng lượng.
5/ Trung tâm phụ tải tập trung ở Vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ trong khi vùng tiềm năng điện gió ngoài khơi tập trung chủ yếu ở khu vực biển Nam Trung bộ, nơi có tốc độ và thời gian gió tốt nhất.
Mặt khác, dải đất miền Trung chật hẹp, chỉ tập trung vai trò phát triển du lịch biển, hải đảo, hạn chế việc phát triển thêm trục truyền tải điện Bắc – Nam. Nhưng điều đáng quan tâm đó là việc phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ để đón nhận công suất của các trung tâm năng lượng tái tạo trong tương lai.
6/ Các trung tâm năng lượng điện gió ngoài khơi khi tham gia vào hệ thống điện quốc gia, cần thiết xây dựng mô hình vận hành phù hợp, đảm bảo độ tin cậy và an toàn đối với hệ thống điện. Theo đó, cần thiết phải đầu tư các nhà máy lưu trữ năng lượng (Green Energy Storage plant), hoặc các cơ sở sản xuất khí tự nhiên bên cạnh việc phát triển điện gió ngoài khơi là điều kiện bắt buộc nhằm đảm bảo tính điều hòa trong hệ thống và đảm bảo an ninh năng lượng.
7/ Cần nhận định rằng: Phát triển điện gió ngoài khơi là một lộ trình dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tất cả các bên. Đặc biệt, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nắm vai trò rất lớn, đưa ra những quyết sách có tầm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước và những ảnh hưởng kinh tế, xã hội trong tương lai. Vì vậy, sự cẩn trọng trong quá trình thụ lý, thẩm định hồ sơ là rất cần thiết.
8/ Nhà đầu tư nên chuẩn bị kỹ cho các khung pháp lý về đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và bắt đầu tìm kiếm tiềm năng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ thời điểm này.
9/ Chuẩn bị hồ sơ đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính khả thi của dự án khi khung pháp lý và chính sách đã sẵn sàng.
Từ kiến thức và kinh nghiệm quốc tế ở các cuộc hội thảo cho thấy: Ở các nước phương Tây, quá trình chuyển đổi năng lượng và giai đoạn khởi tạo của việc phát triển điện gió ngoài khơi cần nhiều thời gian. Vì vậy, tại thời điểm này, các bên nên kiên nhẫn và làm tốt công việc chuẩn bị cho những bước tiếp theo./.
NHÓM ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI CỦA PECC3