(Dân trí) – Giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp chật vật mà ngay bản thân giới kinh doanh mặt hàng này cũng “đau đầu”, “mệt mỏi”.
Lại buồn vì điệp khúc “khan hàng, bán lỗ”
Giá dầu thế giới căng thẳng trong bối cảnh xung đột giữa Nga – Ukraine khiến cho giá xăng dầu trong nước liên tiếp phá kỷ lục. Sau phiên điều chỉnh hôm 1/3, xăng RON 95 có giá gần 27.000 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít…
Giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp chật vật mà ngay bản thân giới kinh doanh mặt hàng này cũng kêu “đau đầu”, “mệt mỏi”.
Ông Quang – một giám đốc doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Đông, Hà Nội – cho biết mức chiết khấu bán lẻ xăng dầu từ các phân phối bắt đầu từ hôm nay (5/3) giảm xuống chỉ còn 70 – 100 đồng và bắt đầu từ ngày 6/3 sẽ về 0 đồng. “Cửa hàng phải tự đi lấy hàng, nếu tính vận chuyển và một số chi phí khác thì mỗi lít xăng chúng tôi bán ra hiện nay lỗ tầm 400 – 500 đồng”, ông Quang chia sẻ với Dân trí.
Chưa kể, theo vị này, một số mặt hàng như xăng E5 RON 92 hay RON 95 đều bị hạn chế nhập. “Nhập được bao nhiêu bán bấy nhiêu, chúng tôi vẫn đăng ký lấy hàng nhưng mai có hàng hay không thì chưa biết. Có hàng thì chúng tôi sẽ tiếp tục bán, nhưng càng bán càng lỗ”, ông Quang chia sẻ. Vị này nói thêm, hiện nguồn hàng khó khăn, đại lý phải đăng ký số lượng, chủng loại, thanh toán chuyển từ hôm trước rồi hôm sau mang xe đi lấy…
Một giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội cũng cho biết, nguồn cung tiếp tục trong tình cảnh khan hàng, hạn chế số lượng nhập. Doanh nghiệp của ông đang nhận mức chiết khấu chưa tính chi phí vận chuyển từ đầu mối là 50 đồng/lít. Với mức này, mỗi lít xăng bán ra cho các đại lý lỗ mấy trăm đồng/lít. Các đại lý cũng sẽ phải chấp nhận chiết khấu “zero”.
Đáng lưu ý, vị này cho biết theo tính toán thì với giá thế giới hiện nay, kỳ điều chỉnh tới (11/3) có thể tăng mạnh. Việc giá trong nước còn khoảng cách khá xa so với giá thế giới hiện nay sẽ càng khiến việc kinh doanh mặt hàng này khó khăn.
Một số đầu mối cũng cho biết với mức tăng xăng dầu trong nước hiện nay họ cũng không thể có lãi vì chưa theo kịp biến động giá thế giới. Về nguồn cung xăng dầu, doanh nghiệp nhập khẩu cũng cho biết do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Ukraine – Nga, việc nhập khẩu xăng dầu hiện không thể nhanh như trước đây. Trong khi nguồn cung trong nước vẫn trục trặc.
Điều chỉnh dày lên có khiến thị trường bớt rối ren?
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Ngọc Bảo – quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – cho biết, hiện toàn thị trường vẫn duy trì đủ nguồn cung, việc khan hàng, hết hàng xuất hiện cục bộ. Theo vị này, việc thiếu hàng này phần có lý do từ những trục trặc trong vận chuyển, giao hàng và những biến động từ nguồn cung thế giới…
Theo ông Bảo, hiện các đầu mối san sẻ cho nhiều đơn vị lấy một lúc để đảm bảo việc cung ứng được đầy đủ, thông suốt, thay vì trước đây cấp cho đại lý trọn vẹn 1 xe thì bây giờ có thể nửa xe. Về chiết khấu giá xăng dầu thời điểm này, theo ông Bảo, thực tế doanh nghiệp rất lỗ, thậm chí có đơn vị lỗ ròng rã 2 tháng nay.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây, theo Nghị định 83, giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày/lần và hiện nay thực hiện 3 lần/tháng (10 ngày/lần) theo Nghị định 95 của Chính phủ (có hiệu lực từ 2/1/2022).
Đặc biệt, theo ông Hải, trong Nghị định 95 có quy định, trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hướng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định có điều chỉnh hay không và điều chỉnh ở mức độ nào.
Vừa qua, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương cho biết Tổ điều hành xăng dầu liên bộ Công Thương và Tài Chính 2 ngày một lần sẽ rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn.
Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc điều hành giá tiệm cận với thế giới là cái “đích” cần hướng tới. Theo đó, nếu trong trường biến động mạnh, việc xem xét điều chỉnh 2 ngày một lần sẽ tiệm cận với giá thế giới hơn, giảm lỗ cho doanh nghiệp ngành này. Tuy nhiên, ông Bảo cho biết vẫn chỉ giải quyết được phần nào, bởi vấn đề chính hiện nay là giá dầu thế giới tăng mạnh nhưng không phải do cung cầu mà đến từ những căng thẳng địa chính trị.
Về kịch bản cung ứng xăng dầu tới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3, tấn xăng dầu trong quý II. Việc này nhằm đảm bảo kể cả khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đáp ứng được sản lượng xăng dầu cho thị trường sau tháng 5, thì vẫn có đủ xăng dầu cung ứng cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu người dân.
Với lượng xăng dầu nhập khẩu và dự trữ hiện tại, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định “cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3”.