Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa tăng giá bán lẻ xăng trong kỳ điều chỉnh hôm nay (23/5). Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 670 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 29.630 đồng/lít; RON 95 là 30.650 đồng/lít. Như vậy, xăng đã có 4 phiên liên tiếp tăng giá, đưa mặt hàng lập kỷ lục mới.
Lý giải cho đợt tăng giá hôm nay (23/5), Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới trong hơn 10 ngày qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực Châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận đối với các sản phẩm từ Nga, trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp.
Về nhu cầu, thị trường kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu một số mặt hàng xăng, dầu tăng khi đang vào mùa lái xe mùa hè tại nhiều nước Châu Âu, Mỹ…
Các yếu tố trên, theo Bộ Công Thương, đã đẩy giá các mặt hàng xăng tăng khá cao và các mặt hàng dầu giảm so với kỳ trước.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 23/5 và kỳ điều hành ngày 11/5 là: 141,36 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 3,21% so với kỳ trước); còn RON 95 có giá 146,2 USD/thùng, tăng 3,62%.
Tại phiên họp Quốc hội diễn ra ngày 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhiều lần đề cập tới giá xăng dầu tăng cao trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Theo ông Thanh, giá mặt hàng này tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng nêu rõ, cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng về giá cả xăng, dầu tăng cao. Hiện nhiều mặt hàng tăng giá do giá vận chuyển tăng cao khiến đời sống người dân khó khăn.
Giai đoạn tới, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; đồng thời nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn.
Trước đó, một số chuyên gia kinh tế cũng đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để hạ nhiệt giá cả mặt hàng này. Một đại biểu Quốc hội cũng từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trả lời câu hỏi vì sao xăng dầu là hàng thiết yếu lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu. Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay.
Sau ý kiến của ông Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã lưu ý Bộ trưởng Tài chính cần chỉ đạo nghiên cứu thêm để làm rõ vấn đề này.
Theo thống kê, xăng dầu thế giới bình quân tính đến ngày 15/05 với bình quân của tháng 1 năm nay có xu hướng tăng từ 40,66% – 51,52% tùy từng chủng loại. Tổng cộng, giá xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh tổng số 13 lần; trong đó, giá xăng tăng 10 lần, giảm 3 lần.
Theo Dantri.com.vn