Hiện nay các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đang hứng chịu đợt mưa lớn có khả năng kéo dài đến ngày 25/9. Chuyên gia nhận định, đến ngày 27/9, khu vực lại đón đợt mưa lớn khác.
Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, các hình thái đang gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung hiện nay là “rất điển hình”. Ông phân tích, đầu tiên hiện nay có một dải hội tụ nhiệt đới đang đi qua khu vực này, cộng với đợt không khí lạnh yếu đầu mùa. Do kết hợp 2 hình thái thời tiết này đã tạo ra đới gió đông khá dày ở tầng thấp có độ cao khoảng 5.000m.
Tổ hợp hình thái thời tiết điển hình trên đã gây ra đợt mưa to đến rất to cho khu vực từ Thanh Hóa trở vào đến Thừa Thiên – Huế.
“Trọng tâm mưa sẽ nằm ở khu vực phía Nam Thanh Hóa đến phía Bắc của tỉnh Quảng Trị. Với tổng lượng mưa phổ biến từ 22-25/9 là 250-300mm, có nơi trên 500mm. Các khu vực khác như từ phía Bắc Thanh Hóa hay phía Nam Quảng Trị cho đến Bình Định, lượng mưa được dự báo thấp hơn”, ông Lâm nói.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo, mưa lớn kéo dài có khả năng gây ra đợt lũ lớn ở khu vực trên. Do các sông ở miền Trung có đặc điểm là ngắn và dốc nên lũ sẽ lên rất nhanh.
Ông Lâm cho biết, đợt mưa này trung tâm không chỉ cảnh báo lũ có thể xảy ra trên các sông nhỏ mà có thể cả trên các sông vừa và lớn. Cụ thể ở thượng lưu sông Cả của Nghệ An có thể lên tới mức báo động 1, báo động 2; hạ lưu sông Cả, các sông khác ở Thanh Hóa và sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố ở Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình có dao động ở mức báo động 1.
“Ngoài vấn đề cảnh báo lũ, thì mưa với cường độ lớn, có ngày lên tới xấp xỉ 200mm cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất cao ở khu vực miền Trung trong đợt mưa này”, ông Lâm cảnh báo.
Ngoài vấn đề mưa lớn đang xảy ra ở khu vực miền Trung, ông Lâm còn cho biết, hiện nay ở khu vực phía Đông đảo Luzon (Philippines) có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động với cường độ cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi về phía Tây và có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất trên 80%.
Dự báo, đến khoảng tối và đêm 25/9, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gây gió mạnh, sóng lớn và mưa to cho khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển Quần đảo Hoàng Sa).
“Hiện còn khá sớm để nhận định về cường độ của cơn bão này, cũng như có ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam hay không. Tuy nhiên, một khả năng rất lớn có thể xảy ra là miền Trung sẽ có đợt mưa lớn nữa, bắt đầu từ khoảng ngày 27/9. Xa hơn nữa, sang tháng 10 và tháng 11 là cao điểm về mưa lũ xảy ra ở dải miền Trung nước ta”, ông Lâm đưa ra nhận định.
Về tình hình thời tiết trên biển hiện nay (24/9), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực phía Tây của Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Quần đảo Hoàng Sa), giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa rào và dông.
Dự báo, ngày và đêm nay, ở vịnh Bắc Bộ, khu vực vùng biển phía Tây của Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngày và đêm nay, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và khu vực vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 1,0-2,0m, khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động.
Cảnh báo, mưa dông ở các vùng biển trên có khả năng duy trì trong những ngày tới. Gió trên khu vực Bắc Biển Đông có xu hướng hoạt động mạnh dần lên.
Theo Dantri.com.vn