Việc nhóm các nhà sản xuất dầu quyền lực nhất thế giới OPEC+ thông báo kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng đã gây tranh cãi giữa lúc thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/10 tuyên bố đang xem xét các phương án liên quan tới quan hệ với đồng minh thân cận Ả-rập Xê-út ở Trung Đông sau khi Riyadh và các nước OPEC+ tuần này đã đồng thuận giảm sâu sản lượng dầu mỏ.
Cụ thể, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn dầu và các đối tác bao gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) đã quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
“Về quan hệ với Riyadh, chúng tôi đang xem xét các phương án để phản ứng. Chúng tôi đang thảo luận chặt chẽ với quốc hội”, ông Blinken nói.
Ông Blinken không liệt kê cụ thể các phương án mà Mỹ đang cân nhắc. Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi cắt giảm xuất khẩu khí tài quân sự cho Ả-rập Xê-út, trong khi số khác đặt ra câu hỏi về quan hệ an ninh giữa Mỹ và đồng minh ở Trung Đông.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ đẩy giá dầu lên cao trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11 diễn ra, gây bất lợi cho đảng Dân chủ trong cuộc đua nhằm giữ vững quyền kiểm soát lưỡng viện.
Trước đó, OPEC+ và phương Tây đã chỉ trích lẫn nhau liên quan tới quyết định gây tranh cãi này.
Ả-rập Xê-út cho biết, động thái của các nhà xuất khẩu dầu quyền lực hàng đầu thế giới đơn thuần là để phản ứng với việc lãi suất tăng vọt ở phương Tây, nơi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang chậm trễ giảm thanh khoản, làm đồng USD tăng giá trị và khiến giá dầu giảm.
Mỹ cáo buộc OPEC “đứng về cùng một phía” với Nga và cho rằng quyết định này có tầm nhìn không xa. Washington cho rằng, thế giới đã chịu đựng đủ từ việc giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
OPEC+ bao gồm 13 nước OPEC và 11 đối tác, trong đó có Nga.
Theo giới chuyên gia, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ được cho là sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Reuters nhận định, Moscow sẽ không phải giảm sản lượng vì họ vẫn đang sản xuất dầu dưới mức mục tiêu mà các bên đã đồng thuận. Các nước OPEC sẽ là bên chủ yếu giảm sản lượng. Trong khi đó, Nga được dự đoán sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng vì OPEC+ cắt nguồn cung ra thị trường.
Điện Kremlin ngày 6/10 tuyên bố, quyết định của OPEC+ nhằm làm bình ổn thị trường.
Theo các chuyên gia, phương Tây dường như sẽ là bên tiếp tục chịu thiệt hại vì giá dầu tăng trong bối cảnh họ vẫn đang tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng năng lượng trong những tháng qua.
Các nhà phân tích từ ngân hàng Mỹ Morgan Stanley nhận định, việc cắt giảm sản lượng sẽ thắt chặt thị trường dầu mỏ một cách đáng kể, đặc biệt là khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực trong cuối năm nay và năm sau.
Nga dù được cho là sẽ hưởng lợi từ giá dầu lên, nhưng họ cũng phải chấp nhận bán giá rẻ hơn cho các đối tác ở châu Á để bù đắp việc bị phương Tây trừng phạt, Reuters nhận định.