Giá dầu thô hôm nay tiếp đà giảm nhẹ. Ảnh tư liệu |
Giá dầu thô Brent giảm 0,16% xuống 88 USD/thùng
Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày 24/4 vì lo ngại về cuộc chiến tại Trung Đông được cởi bỏ và hoạt động kinh doanh tại Mỹ chậm lại, dù vậy đà giảm bị kìm hãm vì tồn kho dầu thô của Mỹ giảm.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 0,45% xuống 88,02 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,66% xuống 82,81 USD. Giá dầu đã tăng hơn 1% vào phiên trước đó nhờ đồng USD yếu.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 25/4, giá dầu thô tiếp đà giảm nhẹ. Tại thời điểm 7h15 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giảm 0,16% xuống 88 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,1% xuống 83 USD.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận thấy sự hạ nhiệt trong căng thẳng giữa Iran và Israel có thể khiến giá dầu giảm thêm 5 – 10 USD/thùng trong những tháng tới. Họ ước tính mức giá trần là 90 USD/thùng đối với dầu Brent.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,4 triệu thùng xuống 453,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/4, ngược lại so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 825.000 thùng.
Giá gas giao dịch ở mức 1,96 USD/mmBTU
Mở cửa phiên giao dịch sáng 25/4, giá gas tại thị trường thế giới giảm 0,10% xuống mức 1,96 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.
Đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy mức tăng cao của giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay cho thị trường châu Á đang bắt đầu làm giảm nhu cầu từ những thị trường nhạy cảm về giá như Ấn Độ.
Giá LNG giao ngay đã tăng lên 10,50 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu) trong tuần kết thúc vào ngày 19/4. Đây là mức tăng cao nhất kể từ ngày 19/1 và tăng 26,5% so với mức thấp nhất tính từ đầu năm 2024 đến nay là 8,30 USD/1 triệu Btu ghi nhận hồi đầu tháng 3.
Đà tăng gần đây chủ yếu do lo ngại về nguồn cung. Những xung đột đang diễn ra ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại rằng các chuyến hàng từ Qatar, nước xuất khẩu LNG lớn thứ ba thế giới có thể bị gián đoạn.
Với giá giao ngay một lần nữa trên ngưỡng 10 USD/1 triệu Btu, giá LNG đã đạt đến mức từng khiến những khách hàng như Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc, nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới phải giảm hoạt động mua vào.
Điều này là LNG nhập khẩu ở mức cao như vậy khó có thể cạnh tranh với các loại nhiên liệu khác tại thị trường trong nước. Một phần do nhu cầu giảm theo mùa từ các nền kinh tế phát triển, một phần khác do giá giao ngay cao hơn hạn chế hoạt động mua từ một số quốc gia đang phát triển./.