Nhà giáo ưu tú không tay với kỷ lục “Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân” Nguyễn Ngọc Ký qua đời vào sáng sớm ngày 28/9 ở tuổi 75.
Thông tin từ Hội nhà Văn TPHCM, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, Hội viên Hội nhà Văn Việt Nam qua đời lúc 2h ngày 28/9 sau nhiều năm bị bệnh và phải chạy thận nhân tạo.
Theo thông tin từ phía gia đình, tang lễ của ông được tổ chức sáng nay, 14h ngày 29/9 sẽ động quan. Sau đó, tro cốt của thầy sẽ được đưa về quê.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại Nam Định. Ông bị sốt bại liệt năm lên 4 tuổi dẫn đến liệt cả hai tay. Hồi bé, ông không thể đi học nhưng vẫn miệt mài luyện viết chữ bằng chân và làm tất cả mọi việc bằng đôi chân của mình. Sau này, khi nhà trường tin ông có thể viết bằng chân, ông mới chính thức đi học.
Hành trình đi học của thầy Nguyễn Ngọc Ký sau này được đưa vào sách giáo khoa với câu chuyện “Bàn chân kì diệu” nổi tiếng.
Năm 1963, thầy Ký được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, ông đạt được hạng 5 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Hồ Chí Minh.
Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại ĐH Tổng hợp Hà Nội. Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên.
Năm 1992, thầy Nguyễn Ngọc Ký được công nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Sau đó, ông chuyển vào TPHCM sinh sống và làm việc.
Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”.
Thời gian cuối đời, tuần 3 lần ông phải chạy thận nhân tạo. Song với nghị lực và quyết tâm phi thường, ông vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lý qua Tổng đài 1088 và vừa sáng tác tại TPHCM.
Năm 2013, khi Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam được vinh danh.
Trong một lần chia sẻ với sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM, ông trải lòng người thầy không phải là thợ dạy, có kiến thức là đủ. Nếu chỉ vì kiến thức, học trò không cần đến trường, các em ở nhà đọc sách, có rất nhiều kênh để tìm hiểu.
“Người thầy đứng trên bục giảng, khác với người thợ là phải viết được vào tâm hồn các em ham muốn tìm hiểu, học hỏi và giúp các em trưởng thành hơn sau mỗi tiết học”, nhà giáo viên bằng chân bày tỏ.
Với ông, để làm được điều này, giáo viên phải tạo được không khí học tập, tạo được tâm thế của người thầy và đặc biệt phải tạo được tâm thế cho người học. Sau mỗi giờ lên lớp, chúng ta phải trả lời được câu hỏi có điều gì vui, điều gì chưa được để nhìn lại mình.
Theo Dantri.com.vn