PQPOC đặt mục tiêu đón dòng khí đầu tiên từ dự án Lô B vào năm 2026

Theo báo cáo của Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc: Năm 2022 việc triển khai dự án khí Lô B tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ các yếu tố bất ổn địa chính trị, chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát, chuyển dịch năng lượng đã tác động lớn tới việc triển khai dự án.

Trước tình hình đó, PQPOC đã chủ động cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, dừng, giãn triển khai một số hạng mục công việc và tuyển dụng nhân sự để tối ưu chi phí, giảm rủi ro, đồng thời tận dụng, phát huy nguồn lực tại chỗ. Cùng với đó, PQPOC cập nhật đánh giá, dự báo tình hình thị trường để xây dựng các phương án đấu thầu hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn trong công tác thu xếp vốn để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho dự án.

Với sự chấp thuận của PVN và các bên (PVN, MOECO, PTTEP và EVN), PQPOC đã và đang tích cực triển khai các công tác liên quan đến các gói thầu chính của dự án như: Thu nổ địa chấn 3D, EPCI#1, và EPCI#2 với mốc quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào quý 2/2023 và có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.

Trong năm 2022, PQPOC cũng đã triển khai rất nhiều phần việc quan trọng khác như:

1/ Tiếp tục chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các gói thầu phụ trợ của dự án.

2/ Thực hiện minh giải tài liệu địa chấn hiện có.

3/ Thiết kế quỹ đạo và xây dựng cơ sở địa chất giếng khoan.

4/ Xây dựng cơ sở mô hình khai thác tích hợp cho 4 giàn đầu giếng đầu tiên.

5/ Tối ưu kế hoạch đưa các giàn tiếp theo trong giai đoạn 1B.

6/ Xây dựng và cập nhật các tài liệu kỹ thuật khoan, dữ liệu khoan, công nghệ khoan theo đúng kế hoạch.

7/ Kiện toàn quy trình, quy chế nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức nhân sự, tối ưu hóa nhân sự để phù hợp với tình hình triển khai dự án.

8/ Chú trọng áp dụng chuyển đổi số phù hợp với đặc thù kỹ thuật của dự án…

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Dự án Lô B có cấu tạo địa chất phức tạp, xa bờ, đòi hỏi nhiều công nghệ tách, xử lý khí và condensate, kéo theo chi phí đầu tư cho giàn khai thác, giếng khoan, kho chứa nổi, đường ống vận chuyển khí tăng cao nên giá khí chưa được cạnh tranh. Nhưng về lợi ích quốc gia, với cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện và các cam kết bao tiêu, Chính phủ đã giải được bài toán hợp tác đầu tư vì định hướng chiến lược dài hạn.

Đặc biệt, nguồn thu ngân sách từ Lô B (của PVN) sẽ rất lớn, khoảng 22 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án trên 20 năm. Cùng với đó, việc triển khai dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động trong vòng 3 năm (trong quá trình triển khai các gói thầu EPC/EPCI). Trong bối cảnh đang thiếu các dự án trọng điểm để gia tăng lợi nhuận, giá trị thương hiệu, dự án Lô B là nhu cầu cần và đủ để các doanh nghiệp thành viên PVN hồi phục, gia tăng tài sản vốn hóa thị trường, đáp ứng nhu cầu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến năm 2025.

Đối với Bộ Công Thương, việc đưa các dự án khí – điện Lô B – Ô Môn đi vào hoạt động, sẽ giảm áp lực về cam kết giảm phát thải khí nhà kính và giảm áp lực thiếu hụt nguồn điện ở khu vực miền Tây Nam bộ.

Về phía địa phương (TP Cần Thơ), các dự án điện cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động, kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư ở cụm công nghiệp Ô Môn và góp phần nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh miền Tây nói chung.

“Dù chậm trễ, nhưng vừa qua các bộ, ngành đã gấp rút hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và đã được Quốc hội phê chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển đồng bộ từ khâu thượng, trung và hạ nguồn. Do đó, song song việc ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi), việc triển khai chuỗi dự án Lô B (đã chậm trễ hơn 10 năm) chính là một điểm sáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” – Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đánh giá./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *