(Petronews) – Một năm trước, chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố thực hiện thay đổi chiến lược ở Đức. Nhưng đây vẫn là một “bước ngoặt” khó thực hiện.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi tại Irpin (Ukraine) vào ngày 16 tháng 6 năm 2022 |
Tuyên bố của Thủ tướng Đức tại Hội nghị An ninh Munich được tổ chức vào tuần trước đã cho thấy sự thay đổi về hướng đi.
Giao vũ khí cho Ukraine là “cách Đức tuân thủ trách nhiệm của mình trong những thời điểm như thế này, với tư cách là một trong những quốc gia đi đầu về tầm cỡ, về điều kiện và sức mạnh kinh tế.” – Theo phát biểu của nhà lãnh đạo nước Đức trước các quan chức phương Tây khác.
Những nỗi kinh hoàng dưới thời Đức Quốc xã đã để lại nhiều vết sẹo cho Đức. Do đó, từ lâu họ đã muốn theo đuổi chủ nghĩa hòa bình. Chỉ duy nhất một lần, họ quyết định huy động quân, vào thời điểm NATO can thiệp vào Kosovo năm 1999.
Vì ấp ủ giấc mơ có quan hệ hòa hợp Đức-Nga sau Chiến tranh Lạnh và ngày thống nhất, đất nước này đã để cho năng lực quân sự của mình sụp đổ, bằng lòng với việc trở thành nền kinh tế hàng đầu châu Âu mà không gánh thêm trách nhiệm đối với nền an ninh thế giới.
Trong cuộc trao đổi với AFP về động thái của Thủ tướng, ông Rolf Nikel – Phó chủ tịch tổ chức tư vấn DGAP ở Berlin, nhận xét: “Chúng tôi tin rằng, Đức chỉ nên hợp tác với Nga, chứ không phải chống lại nước này. Đây là một sai lầm”.
“Không có kế hoạch B”
Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, tất cả những dự định cũ đã sụp đổ.
Vì chỉ 3 ngày sau đó, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố với Hạ viện Đức về ý định mở ra “một kỷ nguyên mới” và phát hành một phong bì đặc biệt, có trị giá 100 tỷ euro, để hiện đại hóa quân đội.
Sau nhiều năm chần chừ trong việc tài trợ cho NATO, Berlin cuối cùng cũng hứa sẽ sử dụng 2% GDP hàng năm để đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.
Chiến dịch quân sự cũng làm xáo trộn mô hình năng lượng của Đức, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế: Trước chiến tranh, các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn cung từ Nga – quốc gia đảm nhận 55% nhu cầu khí đốt và 35% dầu mỏ cho EU.
Nhờ giá thành rẻ, loại khí đốt này hứa hẹn sẽ đảm bảo quá trình chuyển dịch cho Đức, tại thời điểm quốc gia này đang muốn phát triển năng lượng tái tạo – thông qua turbine gió và pin mặt trời, và loại bỏ dần năng lượng hạt nhân khỏi Berlin.
Ông Nikel tường thuật lại: “Chúng tôi từng nghĩ rằng, đây là mối quan hệ lệ thuộc kép. Vâng, chúng tôi lệ thuộc vào nguồn cung của Nga, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng họ cần chúng tôi làm mối hàng. Chúng tôi không có kế hoạch B”.
Để thay thế những đường ống dẫn khí của Nga, Berlin đã phải gia hạn hoạt động cụm nhà máy điện hạt nhân thêm vài tháng, tạm thời ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than và mở các kho cảng LNG trở lại, chỉ để nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG).
“Phản đối vì hòa bình”
Chỉ một năm sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, Đức “không còn lệ thuộc vào khí đốt của Nga nữa”, hệt như lời tuyên bố của ông Olaf Scholz.
Trước hết, Nga đã cắt giảm dần sản lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Sau đó, một vụ nổ không rõ nguồn gốc đã làm hư hại hệ thống vào tháng 9, cắt đứt hoàn toàn các dòng chảy.
Không có khí đốt của Nga, Đức hiện mua LNG với giá cao hơn rất nhiều. Điều này có nguy cơ làm suy yếu vĩnh viễn khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp.
Mặt khác, “bước ngoặt” về chiến lược và quân sự cũng khó có tiến triển dễ dàng.
Bà Marie-Agnès Strack-Zimmermann – Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (FDP), nói với AFP: “Bài phát biểu đầy ấn tượng mạnh mẽ mà ông Olaf Scholz nói vào ngày 27 tháng 2 đã trở thành tâm điểm bàn luận trong nhiều tháng, vì Đức đã lãng phí quá nhiều thời gian trước khi họ bắt đầu thực sự hỗ trợ Ukraine, về cả trang thiết bị quân sự lẫn vũ khí”.
“Scholz muốn núp sau Biden bao lâu?” – Theo lời chất vấn gần đây của tờ báo der Spiegel. Tác giả tỏ ra khó chịu, vì thủ tướng của họ xử lý vấn đề an ninh bằng cách “núp dưới cái ô của Mỹ”.
Từ việc điều động pháo binh đến xe tăng chiến đấu, ông Olaf Scholz đều bị chỉ trích vì triển khai quá chậm.
Chưa kể, một bộ phận trong xã hội cũng tỏ ra đầy bất bình. Minh chứng rõ ràng nhất là thư ngỏ “phản đối vì hòa bình”, do nhà chính trị gia đảng cực tả Sahra Wagenknecht và nhà đấu tranh nữ quyền Alice Schwarzer chấp bút, kèm theo 500.000 chữ ký từ những người ủng hộ quyết định ngừng bắn giữa Kiev và Moscow. Ngoài ra, người Đức đã kêu gọi xuống đường biểu tình vào cuối tuần qua.
Khi nói về vai trò đi đầu mà Đức muốn đảm nhận, nghị sĩ Jürgen Hardt của đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức (CDU), đã có nhận xét như sau: Nước này “cần phải có giao tiếp”. Thật vậy, ông đã chỉ trích người kế nhiệm bà Angela Merkel vì đã nói những “từ ngữ khó nghe và khó hiểu”, có thể “gây đánh mất lòng tin và lòng trung thành”.
Ngọc Duyên
AFP