33 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra hoạt động kinh doanh, giấy phép, nhập khẩu, cơ sở vật chất kho bãi… từ đầu năm 2021 đến nay.
Nội dung này được nêu tại quyết định thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay không nằm trong diện thanh tra lần này, nên sẽ chỉ có 33 đầu mối bị thanh tra. Việc thanh tra tại 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được đưa ra trong bối cảnh thị trường vừa qua có nhiều xáo trộn khi nguồn cung đứt gãy cục bộ tại một số địa phương.
Các nội dung 3 đoàn thanh tra của Bộ Công Thương sẽ tiến hành, gồm việc mua, bán, xuất nhập khẩu xăng dầu; tuân thủ nhập theo hạn ngạch tối thiểu được Bộ Công Thương phân bổ hàng năm…
Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng sẽ kiểm tra việc tuân thủ quy định về cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu; sở hữu, đồng sở hữu hệ thống hạ tầng kinh doanh xăng dầu (kho, bể chứa, tàu vận chuyển…); hệ thống phân phối (tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trực thuộc) và quy định về dự trữ lưu thông.
Cũng theo quyết định thanh tra, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải cung cấp cho đoàn kiểm tra các hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán và chứng từ nội bộ việc mua – bán, xuất nhập khẩu hàng hoá…
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đoàn thanh tra làm việc khách quan, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình thanh tra, nếu thấy cần mở rộng phạm vi thanh tra, đối tượng thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Việc thanh tra lần này, theo Bộ trưởng Công Thương, nhằm chấn chỉnh, lành mạnh thị trường xăng dầu. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế, tính từ ngày công bố quyết định.
Liên quan tới điều hành, ổn định thị trường xăng dầu, ngày 18/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính chủ động điều hành giá, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành mặt hàng này, cũng như việc kiểm tra xử lý nghiêm, không để xảy ra hành vi trục lợi, đầu cơ xăng dầu.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ vẫn xảy ra dù giá bán lẻ trong nước đã có đợt tăng gần 1.000 đồng mỗi lít vào ngày 11/2, lên mức cao nhất 8 năm. Tuy vậy đến nay tình trạng cây xăng bán hàng nhỏ giọt do thiếu nguồn hàng vẫn diễn ra tại một số địa phương, nhất là phía Nam.
Dựa trên báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối về kế hoạch nhập khẩu hàng bù đắp thiếu hụt từ nguồn cung của Lọc dầu Nghi Sơn, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo “phải 10 ngày nữa cung – cầu thực trên thị trường mới cân bằng”.