Là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế trong đầu tư, khai thác các loại năng lượng tái tạo, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với tận dụng nguồn năng lượng sạch, an toàn.
Theo dự kiến, năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm trong hai thập niên tới, sau đó thay thế than đá để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040.
Điện “sạch” nhiều tiềm năng
Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và có 3.260 km đường bờ biển bao quanh, Việt Nam được ban tặng một nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển điện gió.
Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn hơn các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan.
Hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất khoảng 512.000 MW. Việt Nam cũng sở hữu khoảng 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho phát triển các trang trại điện gió.
Với năng lượng mặt trời, theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có nhiều khu vực có bức xạ mặt trời cao, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Những năm gần đây, nhiều dự án năng lượng mặt trời đã được triển khai.
Lượng bức xạ mặt trời trung bình hàng năm ở Việt Nam khoảng 4-5 kWh/m2/ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn.
Không những vậy, Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn trong tận dụng nguồn năng lượng sinh khối với tổng tiềm năng lên đến 50 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, gỗ là nguồn sinh khối chính ở Việt Nam, chiếm khoảng 40% tổng tiềm năng, tương đương với 20 triệu TOE…
Trong khi đó với điện khí, Việt Nam có nguồn khí tự nhiên khá lớn, và có đủ năng lực tài chính để làm chủ công nghệ điện khí.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, trữ lượng khí thiên nhiên công nhận tại Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 15,6 tỷ m3. Các khu vực tiềm năng khai thác khí thiên nhiên bao gồm vùng biển Đông, vùng biển Tây Nam Bộ, vùng biển Trung Nam Bộ và vùng biển Trung Bộ.
Đặc biệt, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đều rất quan tâm đến việc phát triển điện khí, đặc biệt là điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Trong vòng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt khoảng 20%, mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đang tích cực, mở rộng tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều chính sách hỗ trợ và các giải pháp được triển khai nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo quốc gia.
Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể triển khai thực hiện nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, bảo đảm thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ 67,5-71,5% năng lượng tái tạo đến năm 2050 được đề ra trong Quy hoạch Điện VIII.
Việt Nam cần làm gì để phát huy lợi thế?
Để tận dụng hết tiềm năng vốn có, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ cần những chính sách để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả lĩnh vực quan trọng.
Theo TS. Mai Duy Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.
“Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…”, ông nhìn nhận.
Đặc biệt, điện khí và điện gió ngoài khơi là hai nguồn điện rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Việc phải tăng nhanh về quy mô cũng như đáp ứng tiến độ đưa các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi vào vận hành trước năm 2030 là yêu cầu cấp thiết.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng từng nhấn mạnh những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đều cần phải được xem xét, giải quyết khẩn trương, đồng bộ từ chủ trương đến cơ chế chính sách.
“Muốn giải quyết được những vấn đề này, cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Riêng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt”, ông nhấn mạnh.
Riêng với điện khí hóa lỏng (LNG), doanh nghiệp đầu ngành là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết sẽ chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền và tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế chính sách cần thiết cho việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh LNG, đặc biệt đối với việc kinh doanh LNG cho phát điện.
“PV GAS sẽ triển khai chiến lược phát triển thị trường khí theo đúng định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong đó xây dựng các cơ chế nhằm ưu tiên nguồn khí nội địa cho chế biến. Đồng thời, chuyển đổi mô hình kinh doanh khí của PV GAS theo mô hình kinh doanh tích hợp nhằm tạo lợi thế và cơ chế cho phát triển kinh doanh LNG đối với các khách hàng công nghiệp”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.