Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có công văn yêu cầu các bên trong đó chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm làm rõ thông tin “Cần xử lý dứt điểm việc tái lấn chiếm chùa cổ Linh Thông”.
Trong loạt bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã nêu thông tin phản ánh, nhiều năm qua, hai bên Tam quan chùa Linh Thông(phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phát sinh tình trạng lấn chiếm đất đai, nhưng không được chính quyền sở tại xử lý triệt để, gây bức xúc.
Tại đây, có những căn nhà đã được “hợp thức hóa” cấp GCNQSDĐ, mua đi bán lại và sử dụng ổn định cho đến nay.
Theo trụ trì chùa Linh Thông sư thầy Thích Diệu Phúc, năm 2006, trước khi khởi công xây dựng Tam quan chùa, có 5 hộ dân đã lấn chiếm và sử dụng đất chùa. Trụ trì chùa, Ban lễ hội, vãi chưởng của tất cả các thôn, các cụ 2 giới cùng Ban xây dựng đã làm đơn kiến nghị với tất cả các cơ quan chức năng. Sau đó, các hộ dân lấn chiếm đất chùa đã bị cưỡng chế phá dỡ, riêng có hộ gia đình bà Đỗ Thị Hiền cố tình tái lấn chiếm.
Hơn nữa, từ năm 2007 – 2009 và đến nay, chính quyền Đại Mỗ tổ chức giao đất giãn dân, đấu thầu nhiều lần nhưng lại không xem xét giao đất giãn dân cho hộ gia đình bà Hiền theo đúng quy định.
Liên quan đến sự việc, ngày 29/6/2023, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về các vấn đề, vụ việc bức xúc trên địa bàn thành phố do báo chí phản ánh. Về việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Giám đốc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin và xử lý các vấn đề báo chí phản ánh theo quy định pháp luật. Trong đó, UBND quận Nam Từ Liêm làm rõ thông tin “Cần xử lý dứt điểm việc tái lấn chiếm chùa cổ Linh Thông”. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 15/7/2023, thực hiện thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Tuy nhiên ghi nhận của PV sáng ngày 14/7 cho thấy, phần đất phát sinh lấn chiếm của gia đình bà Đỗ Thị Hiền vẫn chưa được xử lý. Căn nhà này vẫn đang “ngăn chặn” khiến nhà chùa không thể hoàn thiện Tam quan và tường bao.
Tam quan chùa Linh Thông vẫn chưa được khép kín.
Thông tin với PV, trụ trì chùa Linh Thông sư thầy Thích Diệu Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại (ngày 14/7), sự việc lấn chiếm đất đai trước Tam quan nhà chùa vẫn chưa được quận và phường giải quyết. “Chỉ có cách đây mấy hôm, cán bộ Công an quận và phường xuống để hỏi về tình hình an ninh, trật tự nhà chùa như nào”.
Dù vậy, ngày 30/6 vừa qua, rất nhanh Phó Chủ tịch UNND phường Đại Mỗ ông Nguyễn Viết Hùng đã có báo cáo số 317/BC-UBND gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; UBND quận Nam Từ Liêm liên quan đến sự việc này.
Tuy nhiên, báo cáo của Phó Chủ tịch phường Đại Mỗ lại không đề cập đến thông tin thửa đất 360m2 trước cổng chùa Linh Thông được phân lô, mua bán trao tay qua nhiều đời chủ (riêng căn nhà số 4 của gia đình bà Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông và chưa được cấp sổ đỏ).
Thực tế, thửa đất có diện tích 360m2 trước cổng chùa Linh Thông đã được nêu rõ trong Kết luận thanh tra 97/KL-TT, ngày 12/8/1993 của UBND huyện Từ Liêm (cũ) ban hành. Trong đó xác định, thửa đất này đã được đổi cho một cá nhân để thu về hiện vật là vật liệu xây dựng để tu bổ các công trình trong khuôn viên chùa. Việc này là vi phạm Điều 5 Luật Đất đai lúc bấy giờ. Do đó, UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) phải thu hồi lại diện tích đất này.
Tuy nhiên, UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) không thực hiện yêu cầu tại Kết luận 97/KL-TT dẫn đến việc thửa đất 360m2 được phân lô, mua bán trao tay qua nhiều đời chủ.
Một căn nhà nằm trong thửa đất 360m2, liền kề hộ gia đình bà Hiền đã xây bậc tam cấp lấn ra đường đi.
Căn nhà 2 tầng khác thì xây dựng tường sau lấn chiếm khoảng không, “vươn” về phía đất nhà chùa.
Nhìn từ trên cao có thể thấy rõ, các căn nhà nằm trong diện tích 360m2 đất đã xây cao tầng, che chắn hết chùa Linh Thông, nhưng lại không có trong báo cáo của UBND phường Đại Mỗ.
Theo các phật tử, nhiều năm qua, chùa Linh Thông được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng do không thể khép kín tường bao, Tam quan bao quanh đã buộc nhà chùa cùng nhân dân phải quây tạm tôn cổng phụ, dựng hàng rào ngăn cách như một “lô cốt”.
PV.