Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023)

Sau 48 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện nhưng vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc cho đến giờ phút này vẫn còn mang tính thời sự.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Người đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và trước thế giới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta luôn gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc đã được hình thành và củng cố trong hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành một truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Đối với mỗi người dân Việt Nam, yêu nước, nhân nghĩa đã trở thành một tình cảm tự nhiên:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở lý luận là những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lê nin về đại đoàn kết: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sang tạo ra lịch sử. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định thành công của Cách mạng. Người đã nêu ra những luận điểm có tính chân lý:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”

Từ thời Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo đã viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”; “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”. Từ quan điểm: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân trọng sự kết nối với cộng đồng dân tộc, giai cấp với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Có dân là có tất cả, chính là phương pháp luận trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ngay từ khi đất nước còn chia cắt, Bác Hồ đã khẳng định: “Việt Nam là một dân tộc, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Tiếp theo đó, khi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm Vĩnh Linh, Quảng Trị thì có nói rằng, ngày toàn thắng đang tới gần, Bắc – Nam sẽ sớm đoàn tụ một nhà. Giang sơn gấm vóc của tổ tiên thu về một mối. Sau khi thống nhất đất nước thì điều đầu tiên chúng ta phải bàn, phải làm đó là hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Việt Nam đã trải nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Riêng cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm nên hậu quả của nó để lại rất nặng nề. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và có những cuộc chiến kéo dài như thế. Khi đất nước bị chia cắt thì tồn tại hai thực thể, hai chế độ. Sau ngày 30-4-1975, chúng ta có chính sách khoan hồng dành cho những người của phía bên kia đi cải tạo, cải tạo để trở thành người công dân chân chính và sau đó cho phép họ được đi các nước theo nguyện vọng, nếu có. Và đây cũng là một ví dụ cho sự khoan hồng, khoan dung của Đảng, Nhà nước ta, cũng như chính sách hòa hợp dân tộc ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tất cả đều bắt nguồn từ văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam; nhân hậu và bao dung của con người Việt Nam. Nhưng về phía bên kia cũng là một chế độ, khi thua cuộc thì họ mất hết. Chính vì vậy nó gây ra một tiềm thức ăn sâu không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi. Đấy là tôi chưa nói đến sự hy sinh, mất mát của cả hai phía, bởi chiến tranh nào cũng gây ra nhiều sự hy sinh, mất mát to lớn. Từ những hậu quả như vậy nên có rất nhiều tầng lớp có những nhận thức khác nhau, ngay cả về phía ta và phía bên kia. Tuy nhiên, đây chỉ là những con người thiểu số. Họ không đại diện cho một thế hệ hay cho dân tộc Việt Nam. Còn đại đa số người dân Việt Nam, kể cả trong nước và ngoài nước, họ đều nhận thức được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, cái nào là thật, cái nào giả. Trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay, người ta đủ thông tin đa chiều để nhận ra đâu là chân lý. Ngay cả trong nội bộ của chúng ta, cũng có những con người từng được đào tạo, nuôi dưỡng, trưởng thành trong môi trường cách mạng nhưng rồi cũng có những biểu hiện thoái hóa, biến chất, quay sang nói xấu chế độ, nói xấu chính những nơi đã từng đào tạo cưu mang mình. Hoặc ở đâu đó vẫn có những người bảo thủ, chỉ nhìn vào những vấn đề tiêu cực để phán xét, trong sâu thẳm trái tim họ không có chỗ cho hai từ bao dung và tha thứ. Một bộ phận nữa là những người thuộc chế độ cũ, họ cay cú vì đã bị mất hết mà không nghĩ đó là do quy luật tất yếu của chiến tranh nên vẫn còn hậm hực, muốn tìm mọi cách để phá hoại đất nước. Nhưng vượt lên tất cả, đây chỉ là những nhóm người thiều số. Họ không nằm trong khối đại đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam. Những con người như thế, hãy để lịch sử phán xét họ.

Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Hàng năm ở mỗi thôn, bản, làng, tổ dân phố, cụm dân cư… đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung, tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của Nhân dân trong cuộc sống. Từ đó góp phần giúp Đảng ngày càng hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân trên địa bàn như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; các hoạt động dân vũ, hoạt động dưỡng sinh ngoài trời. Chú trọng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi địa phương, vùng miền trong Ngày hội, cải thiện, lối sống lành mạnh hóa, niềm tự hào về quê hương, đất nước, về dân tộc của mình, vùng đất, con người và nhất là những truyền thống cha ông để lại, thiên nhiên ban tặng, luôn giữ bản làng bình yên, gắn với việc không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân.

Thông qua ngày hội, nhiều khu dân cư đã tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thăm hỏi động viên gia đình chính sách, người có công; cán bộ lãnh thành cách mạng; trợ giúp người khó khăn; thăm hỏi, trao tặng quà, Nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; khởi công, hoàn thành các công trình dân sinh… ; sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… Không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sau mỗi dịp như thế này, tinh thần đoàn kết, đồng lòng sẽ lan tỏa, để mỗi người dân, mỗi thôn, khu phố thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng phát triển, xây dựng một đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp phải luôn nêu gương, làm gương, sâu sát cụ thể, biết đưa những chủ trương, nghị quyết của Đảng thành hiện thực dựa trên sức mạnh đoàn kết của người dân. Luôn bám sát địa bàn, sâu sát với đời sống nhân dân; thấu cảm và kịp thời nắm bắt được nguyện vọng chính đáng của người dân, để từ đó tạo nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, để đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Để xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần thực hiện trong tám chữ: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC.

 

Thanh Hương – Văn phòng Viện sỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *