Hành trình tri ân – ĐỀN ĐÁP CẢ ĐỜI KHÔNG ĐỦ

​Dù đã không ít lần có dịp nhắc nhớ những ký ức chiến tranh, nhưng lần nào cũng vậy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn không kìm được xúc cảm dâng trào. Đã có nhiều khoảng lặng, và tôi thấy ông trầm lắng hẳn. Đó là những lúc ông nghĩ đến cội nguồn quê hương, đến ơn cha nghĩa mẹ, và nhất là, đến những đồng đội của ông đang nằm lại chiến trường mãi mãi không trở về, đến những nạn nhân của thời hậu chiến…Những tưởng, người đàn ông vùng biển Hải Hậu ăn sóng nói gió ấy, từng trải qua những ác liệt của chiến tranh, từng chỉ huy những trận đánh lừng danh cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội sẽ là một con người sắt đá, nhưng hình như ngược lại. Đè nặng con tim ông là niềm thương nỗi nhớ, lòng biết ơn mà ông nghĩ có đền đáp cả đời cũng không đủ.

I- Cội nguồn yêu thương

​Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh trong một gia đình thuần nông, gia giáo ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây là một vùng đất đạo, hoặc đạo Thiên Chúa, hoặc đạo Phật, có rất nhiều nhà thờ và chùa để người dân sống thuần hậu, chất phác đến đó tu nhân tích đức theo lễ giáo. Đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, phong cảnh hữu tình. Cha của ông vốn là một nhà nho, nhiều năm dạy chữ nôm, và ông cũng được cụ thân sinh cho học chữ nôm 3 năm. 17 tuổi chàng trai vùng biển Nguyễn Huy Hiệu viết đơn tình nguyện đi bộ đội, 18 tuổi được nhập ngũ, với một niềm tin son sắt vào cuộc chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Ngày đưa tiễn con lên đường, hai mẹ con ôm nhau khóc, bởi cứ nghĩ cái ảnh chụp kỷ niệm ngày nhập ngũ tại chợ Cồn năm 1964 ấy rất có thể sẽ là ảnh thờ. Còn người cha, khi chuẩn bị tạm biệt con ở Sân vận động Hải Hậu, chỉ nói với con một câu: Dòng họ ta tôn thờ chữ Tâm, dù sinh có hạn, tử bất kỳ nhưng con phải luôn nhớ sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó, phải giữ lấy truyền thống của dòng họ.

Tướng Hiệu tâm sự: “Lúc nghe cha nói thế, tôi chỉ nghĩ đến nghĩa đen, vì quê tôi là vùng biển. Sau này, từng trải trận mạc và cuộc sống, tôi mới hiểu những lời dặn của cha tôi sâu sắc biết chừng nào”.

​Suốt trên những chặng đường chiến dịch, hành trang ông luôn mang theo là tình yêu đối với quê hương, gia đình, niềm tự hào về dòng họ Nguyễn Bặc của mình và tình thương của cha mẹ anh em, chữ và nghĩa mà những người thầy truyền trao trong suốt những năm tháng học trò gian khó.

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

II- Máu thịt đời lính

​Vào bộ đội với cân nặng chỉ 40kg, vậy mà tân binh Nguyễn Huy Hiệu nhờ sự huấn luyện của đại đội phó Võ Tòng “trăm phát trăm trúng” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì thế, ông được đưa lên làm liên lạc cho tiểu đoàn phó tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Uông, được học nhiều về phương án tác chiến của thủ trưởng mình. Với hành trang ấy, Nguyễn Huy Hiệu vào chiến trường đã trở nên một vị chỉ huy trận mạc lừng danh. Nhưng sự ác liệt của cuộc chiến khi vào giai đoạn cuối, với kỹ thuật quân sự cực kỳ hiện đại của Mỹ trong các chiến dịch nổi tiếng như Cồn Tiên Dốc Miếu với hàng rào điện tử Mc Namara, chiến thuật Trâu rừng của Abraham ở Cam Lộ, hay trận đánh ở Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình trong trận chiến cuối cùng tiến vào Sài Gòn…đã làm cho người lính trận Nguyễn Huy Hiệu, bên cạnh những chiến công được ghi nhận thì cũng luôn luôn nặng lòng suy tư trăn trở.

Ông kể: “Năm 1968, khi đó tôi là trung đội trưởng. Sau một trận đánh, chúng tôi nhặt được một chiến lợi phẩm là tấm dù 18 múi. Lúc ấy chúng tôi có đúng 18 người. Chiếc dù được cắt ra chia cho mỗi người một múi, khâu tên vào. Tấm dù có 5 tác dụng: băng bó khi bị thương, làm ngụy trang, địch thả chất độc bịt tránh độc, nếu chết thì lấy tấm dù đó gói xác đem chôn. Vậy mà cuối cùng 17/18 người hi sinh, chỉ còn lại một mình tôi. Tấm dù ấy tôi vẫn giữ đến bây giờ như một báu vật để nhớ về đồng đội tôi, để sau khi tôi chết đi con cháu sẽ đưa lên ban thờ. Có người đã từng khuyên tôi nên đấu giá lấy 5 tỷ để  ủng hộ Quảng Trị, nhưng đây là vật kỷ niệm vô giá, tôi giữ để làm kỷ vật cho gia đình”.

Một trận đánh nữa ở chiến trường Quảng Trị mà tướng Nguyễn Huy Hiệu không bao giờ quên, đó là trận đánh đêm 5-4-1970 bên dòng sông Cam Lộ, góp phần đánh bại chiến dịch Trâu rừng của địch. Nhưng anh em ta hi sinh, không lẽ để thi hài đồng đội cho bom đạn cày nát, chỉ huy Nguyễn Huy Hiệu đã quyết định dùng dây dù buộc đá vào thi thể liệt sỹ thả xuống sông Cam Lộ cất giấu, đêm hôm sau vào lấy về mai táng cẩn thận tại khu vực Tân Kim. Những mất mát ấy thật là đau xót.

Đúng là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tôi từng được nghe tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại: “Hôm nhận danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới 26 tuổi (ngày 20-12-1973), tôi đã khóc, khóc rất nhiều. Tôi nhớ hình ảnh từng đồng đội của mình: đại đội trưởng Mai Xuân Tình, chính trị viên đại đội Đặng Quang Hồng, trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư, chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, trung đoàn trưởng Cao Uy và biết bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 27 – Mặt trận B5 thân yêu của tôi đã anh dũng ngã xuống. Nhờ họ mà tôi mới có được vinh quang này. Tôi có một cuốn sổ ghi chép các trận đánh, tôi ghi rõ tên từng người hi sinh, quê quán, thời điểm hi sinh, nơi mai táng…Chỉ tính riêng số liệt sĩ mà tôi trực tiếp chứng kiến, có người do chính tay tôi băng bó thi thể, cõng đi mai táng, cũng đã lên tới vài trăm người. Chính nhờ thế, khi đã tàn cuộc chiến, tôi có dịp cùng nhiều gia đình đồng đội tôi đi tìm hài cốt của họ và đưa về an táng tại quê nhà”.

Và trận đánh đập tan tuyến tử thủ cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn tháng 4-1975 cũng để lại những ký ức không phai mờ với tướng Nguyễn Huy Hiệu. Ông nhớ tới bà má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ thành Sài Gòn má trao cho vào đêm 29 rạng 30-4-1975, trước khi Trung đoàn 27 đêm trước trận đánh, nhờ cán bộ cơ sở cô Hai Mỹ và anh Sáu Châu dẫn đường, để cuộc tấn công thần tốc thành công và ít thương vong nhất.

Điểm lại những dấu ấn trên con đường binh nghiệp của một vị tướng trận mạc khi 26 tuổi đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, 27 tuổi là Trung đoàn trưởng mới càng hiểu sâu hơn những suy tư trăn trở của ông về máu thịt đồng đội đã đổ xuống ở chiến trường.

Không chỉ có đau thương mất mát trong cuộc chiến, mà những nỗi đau hậu chiến cũng nặng nề không kém. Trong hành trình trở lại chiến trường xưa, thăm lại các đồng đội cũ, Tướng Nguyễn Huy Hiệu còn chứng kiến nhiều cảnh rất thương tâm của các đồng chí bị di chứng chất độc da cam, rồi những người dân bị nạn do bom mìn còn sót lại. Đặc biệt hậu quả nặng nề nhất là trên mảnh đất Quảng Trị – nơi ông Nguyễn Huy Hiệu đã từng tham gia chiến đấu nhiều trận, nơi có 83% tổng diện tích tự nhiên bị ô nhiễm bom mìn với hơn 7000 nạn nhân. Có gia đình sinh 5 đứa con thì 4 đứa không lành lặn do ảnh hưởng dioxin, hay có gia đình tới 4 người chết do bom mìn sót lại sau chiến tranh phát nổ. Những vết thương chiến tranh vẫn còn rỉ máu, chưa lành. Máu thịt của dân mình, của anh em đồng đội mình đấy thôi.

III- Hành trình tri ân dọc dài đất nước

Chẳng ai muốn có chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, giành độc lập dân tộc của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, chúng ta buộc phải chiến đấu để cứu nước. Đầu rơi máu chảy cũng là không ai muốn, nhưng lại không thể tránh khỏi. Đó là điều làm Tướng Hiệu luôn day dứt trong cả cuộc đời trận mạc của mình cũng như suốt sau này.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, điều đầu tiên mà ông Nguyễn Huy Hiệu nghĩ đến là những đồng đội của mình mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Và cuộc hành quân đi tìm đồng đội chính là mở đầu cho hành trình tri ân không ngơi nghỉ của vị tướng trận mạc này. Ông kể: Hầu như năm nào tôi và vợ tôi là BS Lại Thị Xuân cũng vào lại chiến trường xưa, đặc biệt là Quảng Trị, ít nhất một lần. Tôi mua hương nhiều đến nỗi có năm người bán hương không lấy tiền mà nói gửi vào thắp hương cho các liệt sĩ. Trước mỗi chuyến tôi đi, có rất nhiều người nghe tin và cả những người gặp trên đường đều gửi theo quà, tiền; hoặc xin đi cùng…để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn do hậu quả chiến tranh, cả quân và dân. Thật là cảm động.

Có thể nói, những lần về thăm lại chiến trường xưa là những cuộc hành hương của Tướng Nguyễn Huy Hiệu để ông tưởng nhớ và tri ân đồng bào và chiến sĩ đã hi sinh cả cuộc sống của mình cho độc lập tự do, cho hòa bình thống nhất, và cho cả tương lai đất nước mai sau. Không chỉ là thăm viếng tại 2 nghĩa trang quốc gia và nhiều nghĩa trang khác trên mảnh đất Quảng Trị – nơi mà tính trên đầu người thì cứ 8 người dân có 1 mộ liệt sĩ, tướng Hiệu và đồng đội còn đến thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, các bà mẹ VNAH, các nạn nhân chất độc da cam, và cả những đồng đội của mình trở về sau cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn. Những địa danh như Cam Lộ, Gia Bình, Gio An, Cao điểm 82, Đồi 168, …đã được ông nhớ nằm lòng và cứ trở đi trở lại khôn nguôi nỗi niềm nhung nhớ. Đặc biệt nhất là Khu tưởng niệm 2352 liệt sĩ Trung đoàn 27 và Bia chiến tích khẩu đội 5 tại thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị do ông cùng Ban liên lạc CCB Đại đội 16 Trung đoàn 27 hoàn thành vào ngày 13-6-2016.

​Mang nặng ân tình với má Sáu Ngẫu trong trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cả tấm lòng mình, tướng Nguyễn Huy Hiệu có dịp về thăm viếng mộ của má và đã quyết định xây lại khu mộ này và trồng một cây bồ đề trong đó để mong linh hồn má sẽ an yên siêu thoát vĩnh hằng trên cõi Phật. Đó chỉ là một trong 367 cây đa cây bồ đề mà Tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tận tâm đem về trồng trên khắp dải đất chữ S này, để thể hiện tấm lòng mình, mong đời mãi xanh tươi, an hòa trong ân thủy bồ tát.

​Tình quê hương cũng là một dòng chảy tri ân không bao giờ vơi cạn mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã khơi nguồn. Không chỉ là với cha mẹ anh em dòng tộc, mà còn cho tất cả những người dân trên vùng đất biển đã được tổ tiên khai khẩn bao đời. Đầu tiên và trước hết, với vị tướng trận mạc này, luôn là nơi yên nghỉ của các đồng đội đồng hương của ông trên nghĩa trang liệt sĩ. Ông đã cùng địa phương kêu gọi nhà tài trợ xây dựng lại Nghĩa trang, Nhà thờ Liệt sỹ và Nhà truyền thống xã Hải Long, ủng hộ trang thiết bị dạy học cho trường tiểu học và trạm xá xã, ủng hộ xây dựng toàn bộ Khoa đông y của Bệnh viện huyện Hải Hậu…

​Rời trận mạc, rời các cương vị cao trong đời binh nghiệp, nhưng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn luôn tiếp tục cống hiến không mệt mỏi trên lĩnh vực khoa học quân sự, an ninh biển đảo, môi trường, tìm kiếm cứu nạn. Đó cũng là tiếp nối hành trình tri ân không ngừng nghỉ của ông. Ông bảo, hành trình ấy chỉ kết thúc khi nào ông “về với Bác Hồ, tướng Giáp”.

Từng tham gia 67 trận đánh trong suốt 4 chiến dịch lớn của cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu đã tỏ rõ là một nhà chỉ huy quân sự có tài, cùng đồng đội lập nên những chiến công hiển hách. Nhưng phía sau những quyết đoán sắc sảo đầy chiến lược chiến thuật ấy là một trái tim nặng ân tình. Được trò chuyện cùng Thượng tướng – Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu trong một ngày đầu đông ở Văn phòng của ông ở số 162 phố Trúc Bạch, Hà Nội, chúng tôi càng hiểu thêm những suy tư nặng lòng của ông với con người và cuộc sống mà ông chịu ơn rất nhiều. Và mới càng thấm câu ông nói về hành trình tri ân của mình dọc dài đất nước: “Ân tình ấy, tôi có đền đáp cả đời cũng không đủ”.

 

NGUYỄN THỊ TRÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *