VHO- Đã thành thông lệ, hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30.4 và kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27.7 là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại thực hiện chuyến hành trình tri ân đồng đội. Chuyến đi thường kéo dài một đến hai tuần, từ Hà Nội vào đến Quảng Trị, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, với biết bao kỷ niệm, ký ức sinh tử cùng đồng đội của ông được ôn lại. Khi vào Lái Thiêu (Bình Dương), ông thường ghé thăm Bà má miền Nam, người đã tặng ông tấm bản đồ năm ấy, giúp ông hành quân kịp thời vào giải phóng Sài Gòn…
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trước Tượng đài Hoài niệm (Quảng Trị) nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị
Trở lại vùng “đất lửa”
Hành trình tri ân đồng đội năm 2023 của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu có những ấn tượng hết sức đặc biệt. Như thường lệ, chị Đỗ Thị Hoa, một nữ doanh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc tài trợ 300 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000đ) tặng các gia đình chính sách tại Quảng Trị. Bộ Quốc phòng với công tác đảm bảo đã chuẩn bị một xe ô tô quân đội, cùng một vị đại tá và một lái xe tham gia hành trình tri ân đầy ý nghĩa này với ông.
Nghệ An là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn. Tướng Hiệu cùng phu nhân đến thăm các gia đình, đối tượng chính sách thuộc Quân đoàn 1 và một số cán bộ đã nghỉ hưu ở Nghệ An. Tại đây, ông gặp lại một số đồng đội xưa, tặng quà và cùng ôn lại ký ức thời chiến tranh ác liệt. Họ, những chiến sĩ trẻ măng tuổi mười tám, đôi mươi ôm súng lao vào lửa đạn, chiến đấu để giành lại mảnh đất quê hương, giành lại nền độc lập, tự do, hòa bình cho nhân dân. Và nay, họ đã lên bậc ông bà, thì câu chuyện họ sẻ chia ấy là những bài học quý giá cho thế hệ trẻ trong thời hòa bình, phấn đấu dựng xây kinh tế đất nước, phát triển đời sống nhân dân. Những ký ức vàng của các vị tướng lĩnh, chiến sĩ thời ấy đã trở thành tấm gương, thành động lực cho thế hệ sau tiếp nối.
Sau hai ngày dừng chân tại Nghệ An, đoàn của tướng Hiệu tiếp tục hành trình vào đến quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Lệ Thủy (Quảng Bình). Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tặng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cuốn sách ảnh Những khoảnh khắc của thời gian với một số tấm ảnh chụp cùng Đại tướng trong thời kỳ những năm 1980-2010. Ôn lại kỷ niệm với Đại tướng cũng là bài học thực tế về kinh nghiệm xương máu nơi chiến trường, là những chiêm nghiệm sâu sắc trong ứng phó với thách thức thời bình khi xây dựng kinh tế. Tại đây, tướng Hiệu đã đi thăm một số đối tượng chính sách thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.
Rời Quảng Bình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đi vào đất lửa Quảng Trị, thăm Đông Trường Sơn và tri ân đồng đội. Từ nơi này, đoàn lại xuyên sang đất Lào, viếng các liệt sĩ trong Nghĩa trang Việt – Lào, và đến Bản Đông tặng sách ảnh cho các cựu chiến binh và Bảo tàng Bản Đông. Cuốn sách ảnh Những khoảnh khắc của thời gian dày hơn 300 trang, trong đó có những bức ảnh chụp tướng Hiệu cầm quân chiến đấu thời kỳ ông tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào. Cho nên, Bảo tàng đã đón nhận cuốn sách với tấm lòng trân trọng, bởi đây chính là nguồn tư liệu vô cùng cần thiết cho cán bộ, nhân dân và các nhà nghiên cứu tham khảo.
Ngày 26.7, đoàn trở lại Quảng Trị, tiếp tục hành trình tri ân theo lịch trình của tỉnh Quảng Trị sắp xếp. Sáng ngày 27.7, đoàn đi thăm Trung đoàn 27 anh hùng, gặp gỡ 150 cựu chiến binh đại diện cho chiến binh cả nước và làm Lễ tri ân 2.500 liệt sĩ tại Khu lưu niệm của Trung đoàn, nơi ông từng là Trung đoàn trưởng. Trong Khu lưu niệm có một đền thờ, một đài tưởng niệm với 14 văn bia khắc đủ tên 2.500 liệt sĩ. Lần này, tướng Hiệu được đại diện trao danh hiệu Kỷ lục quốc gia cho một khu lưu niệm cấp trung đoàn tới Ban quản lý Khu lưu niệm Trung đoàn 27. Được biết, tướng Hiệu đã cùng với Ban liên lạc Trung đoàn 27 B5, Quảng Trị kêu gọi được 15 tỉ đồng trong 3 năm (từ 2016-2018) để xây dựng Khu lưu niệm này. Hiện công trình đang mở rộng xây dựng với tháp chuông và một số hạng mục khác. Trong buổi lễ tri ân, tướng Hiệu đã tặng 300 suất quà tới các gia đình chính sách nơi đây.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng cây sala tại chùa Gio An năm 2013
Động viên bà con vượt khó
Tới huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Trị là Đakrông, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tới thăm các gia đình Vân Kiều, động viên và tặng quà lưu niệm cho bà con. Đây là lần đầu tiên ông đến được với người dân Vân Kiều ở Đakrông, trải nghiệm thực tế, thông cảm với hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn của người dân một trong bảy huyện nghèo nhất cả nước. Sau khi thăm bà con Vân Kiều, đoàn đi tiếp tới làng Gia Bình (thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị), thăm và tặng 50 suất quà tới các gia đình nghèo nơi đây. Những gia đình nghèo thuộc hộ chính sách Gia Bình rất cảm kích trước ân tình của một vị tướng, trong chiến tranh đã xả thân chiến đấu, nay trong thời bình lại không quản ngại tuổi cao, trong người có bệnh do ảnh hưởng chất độc thời chiến tranh, vẫn dấn thân đi tới những nơi xa xôi, khó khăn để tặng quà, động viên bà con vượt khó.
Tới Điểm cao 31 tại Gio Mỹ, nơi tướng Hiệu từng vận động quyên góp xây đền thờ đồng đội đã hy sinh, ông cũng tặng thêm 50 suất quà tới các gia đình chính sách. Từ nơi đây, ông cùng phu nhân và các cựu chiến binh đã tới chùa Gio An – ngôi chùa cũng do tướng Hiệu đứng ra kêu gọi quyên góp được 6 tỉ đồng để xây dựng. Các vị sư tại chùa đã cùng đoàn tri ân làm lễ cầu an cho các liệt sĩ Gio An.
Một điều bất ngờ đã xảy ra vào đêm 27.7. Các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tổ chức sinh nhật Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu ngay tại vùng đất lửa. Ông thường chẳng bao giờ tổ chức sinh nhật cho chính mình, bởi dịp này ông thường vắng nhà đi tri ân đồng đội. Ông thực sự cảm động khi giây phút trên màn hình hiện lên ngày sinh của mình, ngày 27.7, và lời chúc mừng sinh nhật. Ông lại vui vẻ tặng sách cho mọi người, trong lúc tất cả các cựu binh, cán bộ, sĩ quan và đồng đội hát vang những bài ca ý nghĩa để tặng ông vào ngày đặc biệt.
Ngày hôm sau 28.7, tướng Hiệu cùng đoàn lại lên đường vào Huế thăm các gia đình chính sách và thăm Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh. Ông lưu lại tại Duy Tân ba ngày, sau đó vào Đà Nẵng dâng hương Trung tướng Phạm Minh Tâm, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27. Tướng Hiệu vui mừng được gặp lại những vị tướng lĩnh cấp cao, đã từng là đồng đội cùng nhau trải qua biết bao ký ức lẫy lừng và cả những mất mát đau đớn. Dẫu sao thì thời thanh xuân ấy vẫn đẹp lắm, mưa bom lửa đạn đã tôi rèn nên một thế hệ vàng, không chỉ anh dũng chiến đấu và chiến thắng, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, mà còn góp công sức bền bỉ xây dựng một Việt Nam tươi đẹp hôm nay…
Trước đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng đã tới tặng sách Những khoảnh khắc của thời gian cho gia đình các vị tướng lĩnh tại Hà Nội, trong đó có: Gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Lê Trọng Tấn… Sách ảnh tư liệu này cũng được ông mang đến tặng nhiều thư viện quân đội thuộc các quân khu, quân binh chủng, quân đoàn, tổng cục, học viện, các nhà trường, thư viện tại Hà Nội, TP.HCM và các cựu chiến binh… Đặc biệt, cuốn sách còn được tướng Hiệu trân trọng gửi tặng lính đảo Trường Sa và Vùng 4 Hải quân.
Hành trình tri ân thường niên của tướng Hiệu đã trở thành một biểu tượng, một hành động nhân văn để lớp trẻ hướng theo, học tập và rèn luyện thói quen biết ơn trước mỗi điều mà cha ông đã dựng xây, trước mỗi thành quả của hòa bình đem lại. Mỗi hành trình ông đi qua đã để lại nguồn sáng lấp lánh, soi rọi tâm ý của chúng ta.
KIỀU BÍCH HẬU; ảnh: Nhân vật cung cấp