Nhà máy năng lượng sạch lớn nhất thế giới
Theo hãng CNN, những vùng sa mạc muối cằn cỗi ở rìa phía tây Ấn Độ sẽ trở thành một trong những nhà máy cung cấp nguồn năng lượng sạch quan trọng nhất trong vài năm tới.
Ông Sagar Adani là Giám đốc điều hành của công ty năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới AGEL. Ông cũng là cháu trai của Gautam Adani, người giàu thứ hai châu Á với khối tài sản trị giá 100 tỷ USD đến từ Tập đoàn Adani, là nhà nhập khẩu than lớn nhất Ấn Độ. Được thành lập vào năm 1988, tập đoàn này kinh doanh trong các lĩnh vực từ cảng, nhà máy nhiệt điện đến truyền thông và xi măng.
Công ty AGEL hiện đang xây dựng nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời rộng lớn ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ với chi phí khoảng 20 tỷ USD. Đây sẽ là công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành trong khoảng 5 năm tới và sẽ tạo ra đủ điện sạch để cung cấp cho 16 triệu ngôi nhà ở Ấn Độ.
Thành công của công viên năng lượng tái tạo Khavda có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm ô nhiễm và đạt được các mục tiêu về khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất. Than vẫn chiếm 70% lượng điện mà Ấn Độ tạo ra.
Công AGEL cho biết, công viên năng lượng tái tạo Khavda có diện tích hơn 200 dặm vuông và sẽ là nhà máy điện lớn nhất hành tinh.
“Một khu vực rộng lớn, không bị cản trở, không có động vật hoang dã, không có thảm thực vật, không có người sinh sống. Sẽ không có kế hoạch nào sử dụng tốt hơn đối với vùng đất đó ngoài việc triển khai nhà máy năng lượng tái tạo,” ông Adani nói.
Sự cần thiết cho khoảng 1,4 tỷ người
Trọng tâm năng lượng tái tạo của Tập đoàn Adani diễn ra vào thời điểm Ấn Độ đã đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu. Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra cam kết các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vào cuối thập kỷ này.
Vào năm 2021, ông Modi cũng đã cam kết Ấn Độ sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, tức là vẫn muộn hơn vài thập kỷ so với các nền kinh tế phát triển.
Chính phủ nước này lập mục tiêu đạt 500 gigawatt (GW) công suất phát điện từ nhiên liệu không hóa thạch vào năm 2030. Trong đó, công ty năng lượng tái tạo lớn nhất đất nước AGEL đã đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 9%, ước tính rơi vào khoảng 30 GW được tạo ra từ công viên năng lượng tái tạo Khavda.
Theo ông Adani, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một lựa chọn cần thiết bởi nhu cầu năng lượng sẽ bùng nổ trong những năm tới.
“Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu lập kế hoạch mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo chưa từng có trước đây”, ông Adani nhấn mạnh.
Thêm vào đó, dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris cũng cho thấy Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới. Bởi thu nhập tăng, sản lượng năng lượng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, với 80% trong số đó vẫn được đáp ứng bởi than, dầu và sinh khối rắn. IEA cho biết trong ba thập kỷ tới, nền kinh tế Ấn Độ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Các nhà phân tích nhận định Ấn Độ có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hàng năm ít nhất 6% trong vài năm tới và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước cuối thập kỷ này.
Khi Ấn Độ phát triển và hiện đại hóa, dân số đô thị sẽ tăng lên, dẫn đến sự gia tăng lớn trong việc xây dựng nhà ở, văn phòng, cửa hàng và các tòa nhà khác. Theo các nhà phân tích, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng thêm dân số đô thị trong 30 năm tới.
Vì vậy, nhu cầu điện dự kiến cũng sẽ tăng mạnh trong tương lai do các yếu tố từ mức sống được cải thiện đến biến đổi khí hậu. Những đợt nắng nóng chết người trên khắp Ấn Độ, và kết quả là số lượng người sở hữu máy điều hòa không khí sẽ tăng đột biến trong những năm tới.
IEA khẳng định đến năm 2050, tổng nhu cầu điện từ nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng mức tiêu thụ năng lượng ở cả châu Phi hiện nay. Ấn Độ không thể dựa vào nhiên liệu hóa thạch cho nhu cầu ngày càng tăng mà không gây ra hậu quả tai hại cho những nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu.
“Nếu bạn tưởng tượng việc bổ sung thêm 800 GW công suất nhiệt điện đốt than thì điều này sẽ tự giết chết tất cả các sáng kiến năng lượng bền vững khác đang diễn ra trên toàn thế giới, xét về mặt phát thải carbon”, ông Adani nói./.