Tân Cảng Sài Gòn, thành lập vào ngày 15 tháng 3 năm 1989, với ba trụ cột kinh doanh chính: khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và dịch vụ biển. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Tân Cảng Sài Gòn đã luôn giữ vững vị trí số một tại Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics.
Kỉ niệm 35 năm thành lập hay còn được gọi là ngày Truyền thống, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức kết hợp cùng với lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vào ngày 15 tháng 3 năm 2024 vừa qua. Đây cũng là lần thứ hai Tân Cảng Sài Gòn vinh dự được trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động (lần đầu vào năm 2004).
Tại buổi lễ, đơn vị vinh dự đón tiếp những đại biểu: ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Thượng tướng Lê Huy Vịnh – Uỷ Viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phạm Trường Sơn – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo khác.
Buổi lễ diễn ra thành công rực rỡ, thu hút sự chú ý của nhiều trang báo với những bài viết ca ngợi thành tựu, sự cống hiến và phát triển của Tân Cảng Sài Gòn. Tuy nhiên, đối với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, từng đó vẫn chưa đủ, vì chưa có bài báo hay tài liệu nào nhắc đến Tân Cảng của 35 năm về trước.
Theo lời chia sẻ của Tướng Hiệu, 35 năm trước khi ông còn là Trung tướng, Tân Cảng Sài Gòn do đồng chí Đại tá Vũ Trí Viễn – quản lý và điều hành với vai trò Giám đốc. Thời điểm đó, Tân Cảng chỉ là một cảng nhỏ, tập trung phục vụ trong phạm vi quân đội và Sài Gòn, chưa có điểm gì nổi bật.
Trong một lần Tướng Hiệu cùng Đại tướng Đoàn Khuê – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đào Đình Luyện – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, và các cán bộ lãnh đạo tham gia cuộc họp báo cáo về tình hình và kế hoạch phát triển của Tân Cảng trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi thời bao cấp đầy khó khăn và thách thức. Lúc đó, Việt Nam phải đối mặt với hạ tầng công nghệ lạc hậu, cùng với sự khó khăn về tài chính và nhân lực. Dù vậy, những thử thách này không thể làm chùn bước các vị lãnh đạo tài giỏi của nước ta.
Trong cuộc họp, Tướng Hiệu được Đại tướng Đoàn Khuê và đồng chí Đào Đình Luyện giao nhiệm vụ khảo sát Cát Lái cùng với đồng chí Đạo – Phó Giám đốc Tân Cảng. Theo chỉ đạo của Đại tướng Đoàn Khuê, phải xuống tận Cát Lái để thực hiện khảo sát, nhằm phát triển và mở rộng Tân Cảng, mở ra con đường biển với mực nước đủ sâu, đáp ứng các điều kiện phát triển trong khu vực và trên thế giới. Sau này, việc mở rộng không chỉ dừng lại ở Cát Lái mà còn được triển khai ra cả Cái Mép (Vũng Tàu) và Vùng 4 Hải quân ở Nha Trang, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của Tân Cảng Sài Gòn.
Sau khi hoàn thành cuộc khảo sát, Bộ Tham mưu đã xây dựng kế hoạch chi tiết và trình báo cáo tổng thể lên Bộ Quốc phòng. Các đồng chí lãnh đạo cũng tham gia trực tiếp từng giai đoạn của kế hoạch này. Tuy nhiên, do trình độ tiếp cận khoa học công nghệ của nước ta khi đó còn hạn chế, Bộ Tham mưu phải tính đến việc mua công nghệ từ nước ngoài, bao gồm các cẩu lớn.
Khi cảng được xây dựng xong, các tàu lớn và tàu quốc tế mới có thể cập cảng, từ cảng 1 đến cảng 5. Sau đó, các hoạt động bốc dỡ hàng hóa, từ việc chuyền hàng xuống và nhập hàng lên, bắt đầu được triển khai. Quá trình này liên tục phát triển, tăng số lượng bến lên đơn vị hàng chục, từng bước mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng. Toàn bộ quá trình này mất khoảng 5 năm để hình thành và đưa vào triển khai thực tế.
Tân Cảng Sài Gòn hiện tại đóng góp hơn 90% tổng sản lượng container của TP.HCM và chiếm gần 50% tổng sản lượng container của cả nước. Hệ thống cảng này không chỉ là cảng biển lớn nhất tại Việt Nam mà còn là một trong những cảng biển chủ chốt trong khu vực Đông Nam Á.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Tân Cảng Sài Gòn, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã không chỉ tìm lại những ký ức quý giá, chia sẻ góc nhìn của mình chứng kiến về quá trình phát triển của cảng. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược xuất sắc của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng khi đó, cùng sự tư duy sâu sắc đã giúp Tân Cảng Sài Gòn phát triển mạnh mẽ và thành công vươn ra thế giới.
KH