Thấy quá nhiều người muốn rời thành phố, chồng chị H. (là người Ukraine) đã cùng bạn bè lập ra một nhóm tình nguyện đưa đón người ra ga tàu đi Lviv và từ ga Lviv đi ra biên giới.
“Mẹ ơi con chuẩn bị đi!”
Trong hầm trú tối tăm, chật chội và ồn ào, chị H. H (sống ở Dnipropetrovsk, Ukraine) cố tìm khoảng trống có chút ánh sáng để quay đoạn video dài 5 giây gửi cho bạn bè và đặc biệt là người mẹ đang nóng lòng ngóng tin con. Trong đoạn clip ngắn ngủi, chị nói thật to: “Nhóm của mình đang ở dưới hầm để chuẩn bị đi. Mẹ ơi con chuẩn bị đi…”.
Giống như bao người dân sống tại Ukraine, khi chiến sự xảy ra, điều đầu tiên chị H. nghĩ đến là làm thế nào để bảo toàn được mạng sống cho bản thân và gia đình.
Chia sẻ với Dân trí, chị H. kể, trước khi cuộc chiến khai hỏa, giống như nhiều người Việt khác đang sinh sống tại Ukraine, gia đình chị H. đã chuẩn bị tinh thần, lương thực, thực phẩm để bám trụ ở lại. Tuy nhiên, khi thấy diễn biến chiến sự ngày một khốc liệt, gia đình chị quyết định tìm cách rời khỏi thành phố, lên đường đi tị nạn ngay lập tức.
Trước khi rời đi, chị H. mang đồ tích trữ bao gồm thuốc sát trùng, gạo, mỳ gói, nước uống, chè, cà phê… đến khu tập trung để quyên góp. Đến điểm tập kết đồ quyên góp, chị H. lặng đi vì xúc động. Rất đông người dân trong thành phố vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân và quân đội.
Những loại thực phẩm trữ đông không thể mang đi được, chị H. chia cho những người hàng xóm xung quanh. Về phần mình, biết chặng đường phía trước còn rất gian nan, chị H. gói ghém đồ đạc giản tiện nhất có thể.
Đi cùng gia đình chị H. hôm ấy còn một gia đình nữa. Cả nhóm gồm 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi. “Vì có trẻ con nên tôi cẩn thận chuẩn bị các loại thuốc cho trẻ, đồ ăn và quần áo ấm”, chị H. chia sẻ.
15h ngày 28/2, cả nhóm của chị H. có mặt tại nhà ga. Dòng người từ khắp mọi nơi trong thành phố nườm nượp đổ về. Gương mặt ai cũng đầy sự lo lắng. Những người đến sân ga hôm ấy, phần nhiều là người già, phụ nữ, trẻ em… Trước mắt chị H. là khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong đời.
Không khí xung quanh càng thêm căng thẳng khi nhà ga thông báo chuyến tàu 16h30 bị hủy. “Giờ giấc của các chuyến tàu không cố định như trước, mà phụ thuộc vào các chuyến trước đó có thông hay không. Thời loạn lạc thật không thể biết trước được điều gì”, chị H. nhớ lại.
Khoảng thời gian chờ đợi, trong đầu chị H. hiện lên vô số câu hỏi. Bởi chị nghĩ, mới đầu đã khó khăn thế này, đường tới biên giới Ba Lan còn quá xa xôi, liệu cả nhà có đến được nơi an toàn? Sẽ có những chuyện gì xảy ra trên hành trình tị nạn đầy rủi ro này? Nhìn các con chờ đợi vạ vật, lòng người mẹ trẻ càng thêm xót xa. Chị gần như đã khóc.
Cuối cùng, sau 3 tiếng chờ đợi, gia đình chị H. cũng chen chân lên được chuyến tàu lúc 18h30 di chuyển đến thành phố Lviv. Chuyến tàu hôm ấy thực sự là một trải nghiệm khó quên với cả gia đình.
Những chiếc giường đơn thường ngày dành cho 1 người nằm giờ đây được sắp xếp cho 2 -3 người lớn và 1 trẻ nhỏ ngồi. Tuy đông đúc trong cảnh ai ai cũng muốn chạy trốn khỏi bom đạn nhưng chị H. cảm nhận rõ được tinh thần đồng cam cộng khổ giữa thời buổi chiến tranh. Không ai tranh giành chỗ ngồi của ai, họ giúp nhau xách đồ đạc, chia sẻ với nhau chút đồ ăn thức uống…
Thót tim 1 tiếng dừng tàu
Chuyến tàu đang bon bon trên đường di chuyển đến thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine, gần Ba Lan thì đột nhiên có tiếng còi báo động. Lúc ấy là khoảng 12h đêm. Tất cả các thiết bị điện trên tàu buộc phải tắt kể cả điện thoại cá nhân của hành khách. Khoảng tối trong khoang tàu và bóng đêm hòa làm một. Cảm giác như muốn ngộp thở.
Lúc này, ai nấy đều cảm nhận rõ hơn nguy hiểm đang cận kề. Nhiều người đoán già đoán non phải chăng sắp có cuộc tấn công nào đó xảy ra. Chị H. im lặng lắng nghe, cố giấu nỗi sợ hãi vào trong, ôm con thật chặt rồi tỉ tê trò chuyện để các con quên đi nỗi sợ hãi.
May mắn 1 tiếng sau không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra. Tàu lại tiếp tục hành trình đưa người dân tị nạn di chuyển. Cuối cùng, chị H. cũng đến được nhà ga thành phố Lviv lúc 16h ngày 1/3.
Tại đây, gia đình chị H. đã gặp các tình nguyện viên. Họ giúp chị vận chuyển hành lý, hỏi han kỹ lưỡng về lộ trình di chuyển tiếp theo.
Chị H. kể: “Vừa thấy những hành khách như chúng tôi xuống tàu, họ đã lao đến giúp đỡ. Trải qua một hành trình mệt mỏi và sợ hãi, ai cũng thấy ấm lòng khi được tiếp đón nồng hậu như thế ở một thành phố xa lạ. Chỉ cần đưa cho họ địa chỉ hoặc nói muốn đi đâu là được họ đưa đi. Tất cả hoàn toàn miễn phí”, người phụ nữ gốc Việt cho hay.
Trong suốt hành trình đi tị nạn của mình, chị H. đã nhiều lần rưng rưng vì những nghĩa cử thấm đẫm nghĩa tình như thế. “Trong thời buổi mưa bom bão đạn, được giúp đỡ nhiệt tình như thế, chúng tôi và rất nhiều người Việt, người Ukraine khác biết mình không hề đơn độc dù đến bất cứ nơi đâu”, chị H. cảm kích nói thêm.
Ngay trong đêm 1/3, chị và gia đình đã hoàn tất thủ tục giấy tờ ở cửa khẩu và tiến vào biên giới Ba Lan. Thời điểm đó, dòng người chưa quá đông đúc nên chị H. chỉ mất khoảng 1 tiếng để sang được bên kia biên giới.
Chị cùng gia đình được đưa về trại tị nạn đêm đầu tiên. Sau đó, chị đã đến lưu trú ở một gia đình đồng hương sinh sống tại Ba Lan.
Chị H. chia sẻ, vì thấy quá nhiều người muốn rời thành phố nơi chị sinh sống trước đây nên chồng chị H. (là người Ukraine) đã tham gia kết nối, cùng bạn bè lập ra một nhóm tình nguyện đưa đón người ra ga tàu đi Lviv và từ ga Lviv đi ra biên giới. Chị mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm mình đã trải qua để mọi người có một hành trình di chuyển an toàn.
Lo lắng, hỗn loạn, phải rời bỏ nơi mình sinh sống, gắn bó hàng chục năm qua trong nuối tiếc là tình cảnh của nhiều người Việt nói riêng và người Ukraine lúc này. Họ bỏ lại nhà cửa, ra đi vội vã để bảo toàn mạng sống. Dẫu vậy, giữa lúc hoạn nạn khó khăn, họ sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong điều kiện mình có thể nhất.
Kết thúc cuộc trò chuyện ngắn với PV Dân trí qua điện thoại, chị H. lại tất bật chuẩn bị đồ đạc, cùng các đồng hương tiếp đón những người Việt từ Ukraine sang. “Còn rất nhiều người cần được giúp đỡ. Số người tháo chạy sang đây ngày một đông. Chiến tranh xảy ra, ai cũng khổ sở. Mong sao cuộc sống sớm trở về bình yên như trước đây”, chị H. chia sẻ.
Theo Dân Trí