4 căn nhà ở thủ đô Kiev khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể cửa hàng và hàng hóa trị giá vài tỷ mới nhập về, chị Yến bỏ lại tất cả.
Đã hơn nửa tháng nay, kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, gần như chẳng đêm nào chị Vũ Hải Yến (31 tuổi) ngủ yên giấc. Suốt một tuần đầu, trên hành trình tị nạn, hai vợ chồng chị thay nhau lái xe xuyên ngày đêm. Thi thoảng, họ dừng lại chợp mắt dọc đường hoặc tá túc ở nhà đồng hương người Việt.
Khi đã an toàn trên nước Đức, được sắp xếp nơi ở, ổn định sinh hoạt, đêm nào chị Yến cũng khắc khoải nhớ về nơi mình đã sinh sống, lập nghiệp gần 20 năm qua – thủ đô Kiev.
Chia sẻ với Dân trí, chị Yến bùi ngùi kể, năm 14 tuổi, chị theo mẹ sang Ukraine sinh sống. Chị Yến học trung học phổ thông, sau đó thi vào khoa kinh tế của một trường đại học. Tốt nghiệp ra trường, chị quyết định ở lại Ukraine định cư, áp dụng các kiến thức đã học vào nối nghiệp mẹ kinh doanh, buôn bán quần áo.
Trải qua nhiều năm bươn chải, từ một sạp quần áo nhỏ, đến đầu năm 2022, chị Yến đã có trong tay chuỗi 9 cửa hàng quần áo ở thủ đô Kiev. Nữ Việt kiều cũng tậu được ô tô và 4 căn nhà ở thành phố này. Tiền của bao năm dành dụm từ việc kinh doanh, chị đầu tư hết vào bất động sản, mua nhà cho thuê.
“Có được khối tài sản ấy là mồ hôi nước mắt của tôi bao nhiêu năm qua. Thời gian đầu chưa có nhiều vốn, để tiết kiệm tiền thuê nhân công, tôi tự tay làm tất cả, từ bốc vác hàng hóa, thức đêm soạn quần áo, đến quảng bá hình ảnh cửa hàng…
Sau này, khi nguồn thu ngày một lớn, tôi mới mở thêm nhiều cửa hàng, thuê thêm nhiều nhân viên”, chị Yến nghẹn ngào nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp gian nan.
Cuộc sống yên bình trôi qua nhiều năm và chị Yến đặc biệt yêu quý những người dân Ukraine. “Họ rất thân thiện, hiền hậu, tốt bụng và đặc biệt không bao giờ tỏ ra phân biệt chủng tộc với những người nước ngoài đến lao động, định cư trên đất nước họ. Con cái tôi đi học được các cô giáo yêu quý, chăm sóc như chính những đứa con của họ”, chị Yến chia sẻ.
Tiếc rằng, khi cuộc sống ổn định và có trong tay tất cả thì chiến sự nổ ra, chị Yến hoảng loạn rời đi trong vô vàn tiếc nuối.
Chị kể, rạng sáng ngày 24/2, khi nghe tin các sân bay ở Kiev bị tấn công, chị vội vã đi đổ xăng và mua được ít đồ ăn dự trữ. Cả ngày 24/2, gia đình chị liên tục phải xuống hầm trú ẩn. Căn hầm ẩm thấp, lạnh lẽo khiến con chị sợ hãi và lúc nào cũng run lên.
Sau 2 đêm thức trắng nghe tiếng bom nổ sát bên tai, chị Yến quyết định bỏ lại hết tất cả tài sản dành dụm bấy lâu, đưa gia đình đi di tản. Trên chặng đường đi kẹt cứng, nhiều đoạn chỉ có thể nhích từng chút một, chị thầm cầu nguyện cho chiếc xe không trúng bom đạn, cả nhà được an toàn thoát khỏi vùng chiến sự.
Sau 3 ngày 3 đêm lái xe không ngủ, chị Yến mới đến được đất Ba Lan và được gia đình một đồng hương người Việt giúp đỡ cho ăn nghỉ tạm thời.
Chị Yến tâm sự, trên chặng đường tị nạn, chị không nhớ nổi bao lần mình đã rơi nước mắt. Chị khóc vì thương gia đình mình bỗng chốc loạn lạc trong chiến tranh, khóc vì chứng kiến cuộc chia ly đẫm nước mắt và nụ hôn tạm biệt dưới mưa của những người đàn ông Ukraine với vợ con nơi biên giới.
Chia sẻ với Dân trí, chị Yến cũng kể thêm, vì chuẩn bị vào mùa xuân hè tháng 3, tháng 4, nên chị đã đổ ra số tiền vài tỷ đồng để nhập hàng hóa. Chị hoàn toàn không biết, có ngày, đất nước Ukraine yên bình lại bị bom đạn bắn phá ác liệt như vậy.
“Chiến tranh nổ ra, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là phải đưa gia đình tháo chạy để bảo toàn tính mạng. 4 căn nhà khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể cửa hàng và hàng hóa mới nhập về, tôi bỏ lại tất cả, chẳng mang theo được gì.
Tôi thật sự rất buồn, gần đây đọc tin tức, tôi thấy con phố nơi một căn nhà của tôi ở đó bị bắn phá, nhiều nhà dân đổ sập, tan nát, không biết ngôi nhà của tôi có trong số đó không. Nhiều khu chợ cũng bị bắn phá tan hoang. Hàng hóa của tôi có lẽ cũng chẳng còn gì”, chị Yến nói với giọng nghẹn ngào.
Ra đi trong vội vã, chị Yến chỉ kịp mang theo mấy bộ quần áo, chút đồ ăn và một ít tiền mặt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, đồng tiền Ukraine mất giá. Mấy ngày đầu, chị Yến chỉ đổi được một ít sang tiền Đức với giá trị rất thấp và tới hiện giờ thì không ở đâu chấp nhận đổi tiền của đất nước đang có chiến sự này nữa.
“Tiền của bao năm dành dụm, tôi đầu tư hết vào bất động sản bên Ukraine, ở Việt Nam cũng chẳng có gì. Bây giờ có lẽ tôi còn nghèo hơn những người nghèo ở Đức nữa”, nữ Việt kiều ngậm ngùi nói.
Hiện tại, vợ chồng chị Yến đã được nước Đức cho nhập trại tị nạn, bố trí chỗ ăn ở. Cả hai đã lên sở ngoại kiều nộp hồ sơ.
“Chúng tôi đang chờ cấp giấy tờ đi học nghề, đi làm. Tôi dự định sẽ đi học làm nail hoặc nấu ăn. Tôi uớc tính sẽ mất khoảng 1 năm học nghề, không lương. Nhưng bây giờ mất hết, tay trắng. Từ một người chủ, giờ tôi lại thành người đi làm thuê. Tất cả cũng chỉ vì chiến sự khốc liệt này. Nhưng dù sao ngẫm lại, chúng tôi cũng đã bảo toàn được tính mạng và sơ tán an toàn. Còn người là còn của, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm lại từ đầu”, chị Yến nói.
Chị Vũ Hải Yến là một trong số gần 7.000 người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine rơi vào cảnh loạn lạc khi chiến sự nổ ra.
Theo thống kê, người Việt tại Ukraine tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev (khoảng 800 người), Kharkov (khoảng 3.000 người), Odessa (khoảng 3.000 người) và một số thành phố nhỏ khác như Kherson, Donetsk, Lviv… Họ sinh sống chủ yếu bằng các nghề buôn bán quần áo, mở hàng ăn, làm công nhân…
Cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine diễn ra, hàng nghìn người Việt đã sơ tán sang các nước Ba Lan, Rumani, Hungary, Slovakia. Nhiều người sau đó về nước theo các chuyến bay cứu trợ, một số thì ở lại di tản sang các quốc gia như Đức, Séc… để tiếp tục tìm việc làm, gây dựng cuộc sống mới.
Theo Dân Trí