Bà Nguyễn Phương Hằng thường được đề cập là “CEO” của Công ty Cổ phần Đại Nam, tuy nhiên trên giấy tờ (đăng ký với cơ quan chức năng), ông Huỳnh Uy Dũng vẫn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền) bị khởi tố, tạm giam ngày 24/3. Bà Hằng được biết đến là “bà chủ” của Công ty Cổ phần Đại Nam. Chính vì vậy, giới quan sát cũng bày tỏ mối quan tâm liệu doanh nghiệp này bị ảnh hưởng ra sao khi lãnh đạo bị bắt?
Được biết, vào đầu tháng 5/2020, ông Huỳnh Uy Dũng (thường được gọi là ông Dũng “lò vôi”) cho biết đã chính thức rời khỏi thương trường và bàn giao lại chức vụ Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Đại Nam cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng. Trên nhiều video do bà Hằng và trường đua Đại Nam phát trực tiếp trên nền tảng Youtube, Facebook cũng ghi nhận chức vụ của bà Hằng là “CEO Nguyễn Phương Hằng”.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, thông tin mới nhất mà Đại Nam cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp vẫn chưa cho thấy doanh nghiệp này có dấu hiệu “đổi chủ”.
Cụ thể, tại ngày cấp đăng ký thay đổi lần gần nhất vào ngày 9/2/2021, thông tin của Đại Nam vẫn thể hiện ông Huỳnh Uy Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Bên cạnh đó, tra cứu thông tin theo mã số thuế của doanh nghiệp này cũng cho thấy ông Huỳnh Uy Dũng là người đại diện duy nhất của Công ty Cổ phần Đại Nam.
Tuy nhiên, trong dữ liệu được Tổng cục Thuế công bố, theo tra cứu, chủ sở hữu/người đại diện pháp luật của Đại Nam là ông Huỳnh Uy Dũng nhưng tên giám đốc được ghi nhận là bà Nguyễn Phương Hằng.
Chính vì vậy, đang có “độ vênh” nhất định trong thông tin về vị trí Tổng Giám đốc của Đại Nam tại hồ sơ lưu trữ công khai tại Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tổng cục Thuế.
Ngoài ra, ông Dũng còn đại diện cho một loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty Cổ phần Glove Hằng Hữu, Công ty TNHH MTV Tân Khai, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định.
Công ty Cổ phần Đại Nam tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ được thành lập tại Quyết định số 003853/GP/TLDN-03 do UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) cấp ngày 21/3/1996.
Tháng 1/1999, Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ được đổi tên là Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần. Đến tháng 4/2007, Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần tiếp tục đổi tên thành Công ty Cổ phần Đại Nam.
Theo hồ sơ đăng ký, công ty này có địa chỉ chính tại số 1765A Đại lộ Bình Dương, khu phố 1, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (hầu hết các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Đại Nam đều chung địa chỉ này).
Công ty cổ phần Đại Nam hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Trong đó, chức năng chính là xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch…
Về bất động sản, doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư của các dự án trọng điểm tại Bình Dương như Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam – Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2. Đây được xem là những dự án bất động sản góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị tại tỉnh Bình Dương.
Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng là chủ sở hữu Khu du lịch Đại Nam với tổng diện tích 450 ha, được đánh giá là một trong những khu du lịch lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đại Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thí điểm đầu tư, xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Bình Dương.
Doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư của 2 KCN trọng điểm là KCN Sóng Thần 2 và KCN Sóng Thần 3, xếp vào hàng những khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Dương. Những khu công nghiệp này cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và thu hút đông đảo lao động ở các tỉnh thành khác trên cả nước về Bình Dương lập nghiệp.
Năm 2016, vợ chồng bà Phương Hằng đầu tư vào Trường đua Đại Nam. Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, trong đó có khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa từ 50.000 – 60.000 khán giả. Đại Nam ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.
Trường đua này có các hạng mục như đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1.500 m.
Công ty Cổ phần Đại Nam của vợ chồng ông Dũng – bà Hằng được biết có đóng góp đáng kể cho ngân sách và kinh tế tỉnh Bình Dương. Chỉ riêng tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp này nộp cho ngân sách năm 2020 đã lên tới 1.234 tỷ đồng.
Năm 2021, vợ chồng ông Dũng – bà Hằng còn gây chú ý khi có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị hiến tặng 4 ha đất (trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng) trong khu dân cư Đại Nam thuộc KCN Sóng Thần 3 (phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một) cho công tác phòng chống dịch.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản phúc đáp ghi nhận nghĩa cử của vợ chồng ông Dũng. Tuy nhiên, tại văn bản này, UBND tỉnh Bình Dương chỉ ghi nhận ý nguyện hiến tặng đất của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, đồng thời giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thủ tục pháp lý, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định có nhận hay không nhận phần hỗ trợ của Công ty Cổ phần Đại Nam. Đến nay, chưa có thông tin chính thức về việc tỉnh đã tiếp nhận hay chưa.
Theo Dân Trí