Dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế đều nhận định bão Noru sẽ duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền Việt Nam. Khu vực dự báo bão đổ bộ là từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Sáng nay (26/9), tại cuộc họp giao ban công tác ứng phó với bão Noru và mưa lũ ở miền Trung của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết sáng sớm nay bão Noru đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Chiều tối và đêm qua (25/9), khi bão Noru đổ bộ vào đất liền Philippines cường độ có giảm xuống một chút. Rạng sáng nay, bão Noru vào Biển Đông lại có xu thế mạnh hơn.
“Tất cả các dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế cập nhật đến sáng nay đều nhận định cường độ cơn bão này là mạnh. Về dự báo quỹ đạo bão khá ổn định, nhưng về cường độ rất tiếc không có dự báo nào cho thấy bão giảm cường độ khi tiến gần đất liền Việt Nam”, ông Khiêm thông tin.
Cũng theo ông Khiêm, khi bão vào Biển Đông có các yếu tố tác động đến cơn bão, trong đó có yếu tố năng lượng là nhiệt lực và động lực. Nhiệt lực thì hiện nay bề mặt nước biển đang rất cao, độ ẩm lớn; động lực tạo ra xoáy, thì hiện nay có gió Tây Nam phía dưới và gió Đông Bắc phía trên. Các yếu tố này đã làm cho bão duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền Việt Nam.
“Hiện tại chúng tôi đánh giá, bão số 4 có cường độ lớn, đặc biệt khi bão đi qua khu vực Quần đảo Hoàng Sa sẽ đạt cấp 13-14. Cường độ bão này duy trì khi đi vào vùng biển Quảng Bình đến Ninh Thuận”, ông Khiêm nói.
Cơ quan khí tượng nhận định, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, đây là khu vực vùng biển thoáng, do đó, gió mạnh do bão trên đất liền ven biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 14-15.
“Chúng ta vẫn còn thời gian đến sáng mai cập nhật các số liệu dự báo để điều chỉnh đưa ra con số cảnh báo sát nhất. Thời điểm hiện tại, chúng tôi đưa ra con số cảnh báo như vậy là cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng của Mỹ, của Trung Quốc tính toán theo thang cấp độ gió 1 phút thì họ còn đánh giá, bão đang mạnh ở cấp 15-16, cao hơn số liệu của chúng ta 1-2 cấp”, ông Khiêm nói thêm.
Do ảnh hưởng của bão, từ nay đến ngày 27/9, bắt đầu có gió mạnh trên vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông và khu vực giữa Biển Đông. Đối với vùng biển ven bờ, dự báo chiều đến đêm 27/9, khu vực từ Đà Nẵng – Bình Định sẽ bắt đầu có gió mạnh.
Đến rạng sáng và trong sáng ngày 28/9, là thời điểm trên đất liền khu vực trên chịu tác động gió mạnh nhất.
Về nhận định mưa, ông Khiêm đưa ra dự báo, tổng lượng mưa cả đợt tương đối lớn, mưa trải dài từ Bắc Trung Bộ đến Trung Trung Bộ. Tuy nhiên, thời gian mưa khác nhau, cụ thể:
Từ chiều 27/9 đến hết 28/9, mưa tập trung tại khu vực bão đổ bộ là từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Phú Yên. Mưa cũng xuất hiện ở phía Bắc của Tây Nguyên là Kon Tum và Gia Lai.
Còn khu vực từ Quảng Trị trở ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, mưa sẽ xuất hiện từ khoảng ngày 28-30/9.
Tổng lượng mưa ở các khu vực trên dao động khoảng từ 150 – 300mm, cục bộ có nơi lượng mưa còn cao hơn.
“Bão số 4 đi nhanh, cuộn vào trong, mặc dù lượng mưa chỉ trên 100mm, nhưng do mưa tập trung trong thời gian ngắn nên có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất”, ông Khiêm lưu ý.
Với lượng mưa dồn dập như vậy, ông Khiêm cũng đưa ra cảnh báo lũ lớn trên các sông tại khu vực trên.
Cụ thể, nếu mưa lên tới 200-300mm, thì một số sông ở khu vực trên lũ có thể lên mức báo động 2; nếu mưa lên tới 400mm, thì lũ có thể lên tới báo động 2-3.
Từ các số liệu phân tích ở trên, ông Khiêm lưu lý, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định, cấp độ rủi ro thiên tai vẫn duy trì ở cấp 4; còn các khu vực khác cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn, ở cấp 3.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Đức Luận – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, yêu cầu các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng về ứng phó với bão số 4 và mưa lũ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục theo dõi sát các tàu thuyền hoạt động trên biển để nắm bắt tình hình, đôn đốc các tàu này vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Luận lưu ý Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho người dân tại các lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần phải sơ tán sớm trước khi bão đổ bộ, có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản.
Dự báo khu vực trên sẽ có mưa to đến rất to, ông Luận lưu ý Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần rà soát nhằm đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, hồ chứa thủy lợi và sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
“Đề nghị các đơn vị cử các đoàn công tác tham gia vào Đoàn công tác tiền phương do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban đặt tại Đà Nẵng. Dự kiến sáng 27/9, Phó Thủ tướng sẽ vào Đà Nẵng, các đơn vị như Biên phòng, Cục Cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Thủy sản… chủ động vào để tham gia cùng Đoàn của Phó Thủ tướng đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4”, ông Luận nói.
Theo Dantri.com.vn