Skip to content
Ukraine đã công bố các hình ảnh cho thấy chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225 đã bị phá hủy hoàn toàn, sau khi Kiev giành lại quyền kiểm soát sân bay Antonov từ phía Nga.
Theo Washington Post, các quân nhân Ukraine cuối tuần qua đã tới sân bay Antonov ở Hostomel – nằm cách thủ đô Kiev khoảng 10 km. Sân bay này là một trong những nơi đầu tiên Nga giành được quyền kiểm soát sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự hôm 24/2. (Ảnh: Reuters).
Sau hơn một tháng, Nga đã quyết định rút quân khỏi khu vực này, sau khi tuyên bố sẽ tập trung chiến dịch đặc biệt nhằm vào khu vực Donbass, ở Đông Ukraine. (Ảnh: Reuters).
Những hình ảnh ghi lại sân bay Antonov sau hơn một tháng cho thấy khung cảnh đổ nát ở đây và đặc biệt là hình ảnh chiếc máy bay AN-225 bị phá hủy. (Ảnh: Reuters).
AN-225 là máy bay vận tải lớn nhất thế giới. Theo Washington Post, vào năm 2019, nó cũng được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là máy bay có trọng tải lớn nhất thế giới khi nâng được một máy phát điện nặng 187,6 tấn và có thể mang tối đa 250 tấn hàng hóa. (Ảnh: Reuters).
AN-225 hay còn có tên gọi khác là Mriya (giấc mơ), nặng 705 tấn và có sải cánh 88 m. Nó được cho bị phá hủy trong cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2. Vào thời điểm đó, Nga đã giành được quyền kiểm soát sân bay Antonov sau những trận đánh giằng co quyết liệt giữa 2 bên. Đây là sân bay có vị thế chiến lược khi nằm rất gần Kiev. (Ảnh: Reuters).
Theo Washington Post, các máy bay khác đã rời sân bay Antonov khi chiến sự diễn ra, nhưng Mriya được bảo trì ở đây và không thể bay đi. Công ty Ukroboronprom, bên quản lý chiếc AN-225, ước tính sẽ phải mất 5 năm và 3 tỷ USD để khôi phục chiếc máy bay này. (Ảnh: Reuters).
Antonov AN-225 Mriya được chế tạo từ thời Liên Xô. Được trang bị 6 động cơ phản lực với sải cánh dài gần bằng một sân bóng đá, AN-225 Mriya có thể vận chuyển hàng hóa với tải trọng lên tới 250 tấn, lớn hơn bất kì loại máy bay nào. (Ảnh: Reuters).
AN-225 hiếm khi cất cánh do chi phí vận hành tốn kém. Ước tính, mỗi giờ bay của AN-22A tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương với 6.700 USD. (Ảnh: Reuters).
Do vậy, nó chỉ được sử dụng để thực hiện những sứ mệnh đòi hỏi khắt khe nhất. Từng có thời gian AN-225 phải “đắp chiếu” trong nhà chứa máy bay suốt 7 năm khiến nhiều phần bị rỉ sét, trước khi được đại tu vào năm 2001. (Ảnh: Reuters).
Theo Dân Trí
Điều hướng bài viết