Sáng 28/5, trên mặt cầu Long Biên xuất hiện một hố sụt nhìn xuyên xuống cả mặt sông, khiến nhiều người di chuyển qua đây hãi hùng.
Sáng 28/5, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh kèm thông tin về một “lỗ thủng” xuất hiện trên cầu Long Biên, Hà Nội.
Theo hình ảnh ghi lại, hố sụt xuất hiện ngay trên mặt cầu Long Biên, hình chữ nhật. Xung quanh khu vực sụt cũng xuất hiện các vết nứt chằng chịt.
Sau khi hình ảnh này được đăng tải, nhiều người dân tỏ ra hoang mang và lo lắng về chất lượng của cây cầu, nhiều người cũng bày tỏ lo sợ khi di chuyển qua đây.
Liên quan tới vụ việc, sáng cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên) xác nhận thông tin trên và cho biết khu vực sụt lún tấm đan mặt cầu thuộc nhịp cầu số 6.
“Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã cho cán bộ nhân viên ra hiện trường để thay thế tấm đan này. Do cây cầu hiện đã khoảng 130 năm tuổi nên kết cấu đã rất yếu, hiện cũng đang có dự án sửa chữa dầm bộ hành của cầu”, vị lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải nói.
Trước đó, ngày 4/5, trên cầu Long Biên cũng xuất hiện một lỗ thủng to ở khu vực lối đi dành cho người đi bộ. Lỗ thủng này có độ rộng ước chừng một người lớn chui lọt, nhìn thấy cả các bộ phận, kết cấu cầu phía bên dưới. Với lỗ thủng này, chỉ cần người đi bộ không chú ý quan sát, nhất là ban đêm, nguy cơ sảy chân rơi xuống sông rất cao.
Lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, đơn vị sau đó cũng đã cho lắp ngay tấm đan mới “vá” lỗ thủng để đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên cầu. Nguyên nhân tấm đan bị khuyết là do nhiều người đi xe máy thường đi lên cả lối dành cho người đi bộ để xuống bãi bồi sông Hồng phía dưới, gây vỡ tấm đan.
Vị lãnh đạo cũng cho biết, hiện trên cầu Long Biên, tình trạng mặt cầu xuống cấp, bong tróc, lồi lõm, ổ gà nhiều. Một số hạng mục khác cũng đang xuống cấp. Trong khi đó, vốn bảo trì ngân sách Nhà nước cấp cho hạ tầng đường sắt nói chung, cầu Long Biên nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu tu sửa.
Cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ 1889 – 1902. Cầu dành cho đường sắt chạy ở giữa. Hai bên là đường ô tô (rộng 2,7m) và đường đi bộ (rộng 0,8m). Cầu dài gần 1.700m gồm 19 nhịp dầm thép.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần. Tổng cộng 4 đợt đánh phá năm 1972, cầu bị mất hẳn 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng.
Theo Dantri.com.vn