Chuyện về cuộc hành quân “thần tốc”

“Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi vinh dự được trực tiếp tham gia 4 sự kiện quan trọng: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971); Chiến dịch Trị Thiên (1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc…”-Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 cho biết.

Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu

Chặng đường hơn 1.700km và bức điện lịch sử

Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga ở Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mở đầu câu chuyện: “Theo đề nghị của các đồng chí, tôi sẽ kể kỹ hơn về cuộc hành quân “thần tốc” của Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390), Quân đoàn 1 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đêm 18-3-1975, trên cương vị Trung đoàn trưởng, tôi cùng đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính ủy Trung đoàn 27 nhận lệnh của trên, chỉ huy đơn vị xuất phát hành quân ‘’thần tốc’’ bằng cơ giới và tàu hỏa từ ga Ghềnh (Tam Điệp, Ninh Bình) vào tập kết ở Đông Hà (Quảng Trị); sẵn sàng phối thuộc với các đơn vị để chuẩn bị cho Chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Do tính khẩn cấp của chiến dịch nên Ban chỉ huy Trung đoàn được tăng cường Tổ vô tuyến điện 15W (gọi tắt là Đài 15W) để nhận chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Tổng Tham mưu và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1.

Ngày 26-3-1975, tôi chỉ huy đơn vị xuất phát hành quân từ Đông Hà, theo Quốc lộ 1 vào Huế. Trong ngày hôm đó, Huế giải phóng. Theo lệnh của trên, qua Đài 15W, tôi chỉ huy đơn vị hành quân vượt qua đèo Hải Vân để phối thuộc với Quân đoàn 2 đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, giải phóng Đà Nẵng. Khoảng 10 giờ ngày 29-3, tôi báo cáo cấp trên qua Đài 15W về kết quả, tình hình chiến sự. Cấp trên lệnh cho tôi khẩn trương tới sân bay Đà Nẵng để báo cáo trực tiếp đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2. Sau đó, tôi nhận lệnh của cấp trên chỉ huy đơn vị hành quân quay trở lại Đông Hà…

Đầu tháng 4-1975, trên lệnh cho Trung đoàn tổ chức hành quân từ Đông Hà, theo tuyến đường Tây Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài (nay là TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Trên đường hành quân, tôi nhận được bức điện đề ngày 7-4-1975, nội dung: “… Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó ký tên Văn. Tôi lập tức thông báo thông điệp bức điện tới cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mọi người như được truyền thêm sức mạnh, vững niềm tin chiến thắng trong suốt quá trình hành quân… Sau 12 ngày đêm hành quân liên tục, đơn vị đã đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định của mặt trận.

Ở Đồng Xoài, chỉ có con đường duy nhất để xe cơ giới đi qua. Nhưng chiếc cầu sắt nối con đường này đã bị địch phá hủy. Trước tình thế đó, tôi lệnh cho một trung đội công binh khẩn trương khắc phục, nhưng địch tập trung bắn pháo, rocket, khiến hầu hết trung đội công binh bị thương vong. Tôi lại tiếp tục điều thêm một trung đội công binh quyết tâm sửa cầu để đơn vị hành quân theo kế hoạch…”.

Tối 25-4-1975, đơn vị hành quân tới Bàu Cá Trê, cách phía Bắc TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay khoảng 6-7km. Sáng hôm sau, theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, các đơn vị đồng loạt tiến công. Gần một giờ chiến đấu với quân địch, các đơn vị đã giải phóng Tân Uyên và tiếp tục đánh chiếm Đường 16 (Bình Cơ-Bình Mỹ)… Sau đó, đơn vị được lệnh tiến công mở đường, đánh vào Búng, cách Lái Thiêu (nay là TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) gần 10km. Theo hiệp đồng của mặt trận, ký hiệu các xe đều viết BK-19, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu mang mật danh là Phong, còn Chính ủy Trịnh Văn Thư có mật danh là Hàm; quy định tín hiệu (mật khẩu) của Quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hỏi: “Hồ Chí Minh”, đáp: “Muôn năm”…

 

Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu

Khi đơn vị tới Lái Thiêu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu nhanh chóng bắt liên lạc với cơ sở hoạt động bí mật ở đây. Đón, dẫn đường cho đơn vị là anh Sáu Châu và chị Hai Mỹ. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: “Tối 29-4-1975, chúng tôi đi qua một khu nghĩa địa, thấy một căn nhà lá đơn sơ bên trong có ánh đèn dầu le lói. Tôi nhận định, đây có thể là cơ sở cách mạng của ta nên cho trinh sát bò vào sát ngôi nhà, phát tín hiệu “Hồ Chí Minh”, trong nhà có tiếng vọng ra “Muôn năm”. Một lúc sau, có bà má mở cửa, đưa chúng tôi vào nhà. Đó là nhà má Sáu Ngẫu. Trong nhà, chúng tôi thấy trên chiếc bàn đơn sơ có một chiếc đèn dầu hỏa. Tôi và Chính ủy Trịnh Văn Thư mở tấm bản đồ chỉ huy và nói: “Thưa má! Chúng con là cán bộ chỉ huy Quân giải phóng. Ngày mai, đơn vị chúng con có nhiệm vụ tấn công theo trục Đường 13, từ đây đánh chiếm Lái Thiêu, tiếp đến cầu Vĩnh Bình, Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy, Lục quân công xưởng Gò Vấp, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa…”. Má đeo kính lão nhìn tôi giây lát, rồi nói: “Má không rành tấm bản đồ này”. Rồi má vào trong buồng lấy ra một tấm bản đồ. Tôi thấy, trên bản đồ nét chữ viết rất đẹp, đánh dấu ký hiệu những vị trí quan trọng. Má vừa chỉ tay vào tấm bản đồ vừa nói: “Cách đây 5km, theo trục Đường 13 vào Lái Thiêu. Ở đây có Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương với gần 2.000 hạ sĩ quan ngụy. Hiện nay, bọn chúng rất hoang mang, các con nên kêu gọi ra hàng. Ở cầu Vĩnh Bình có nhiều thùng phuy, dây thép gai, gài mìn các loại để ở hai đầu cầu, nhất là đầu cầu phía Bắc. Nếu các con không chiếm được cầu này thì không thể vào cửa ngõ Sài Gòn…”.

Sau khi nhận tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu, tôi chỉ huy đơn vị nhanh chóng làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công. Sau hai giờ chiến đấu, đơn vị đã làm chủ Lái Thiêu và tiếp tục tấn công Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Nhớ lời má Sáu Ngẫu dặn, chúng tôi kêu gọi địch ra hàng. Ngay sau đó, tên Đại tá Nguyễn Văn Hinh, Chỉ huy trưởng, cùng toàn bộ lực lượng quân địch ở đây xin đầu hàng. Sáng sớm hôm ấy, đơn vị được cấp trên tăng cường Đại đội Xe tăng 3 thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Binh chủng Tăng thiết giáp), do Thiếu úy Hoàng Thọ Mạc, Đại đội trưởng chỉ huy. Gần 9 giờ, một số đơn vị phối thuộc của Quân đoàn 1 tiến công đến cầu Vĩnh Bình. Cuộc chiến đấu diễn ra ở đây ác liệt, tuy nhiều lần bị thương nhưng đồng chí Hoàng Thọ Mạc vẫn chỉ huy đơn vị và anh dũng hy sinh. Lúc ấy khoảng hơn 9 giờ, tôi quyết định chuyển đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe tăng K63 do tôi chỉ huy tiếp tục tiến công vào trung tâm quận lỵ Gò Vấp…

Từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ ngày 30-4-1975, Trung đoàn 27 đã phát triển tiến công, đánh chiếm được Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy, 13 căn cứ Lục quân công xưởng Gò Vấp, bắt sống tên Đại tá Chiêu, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa… Tôi nói với viên Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y của quân đội ngụy: “Các ông thua trận, phải đầu hàng vô điều kiện. Các ông phải giữ nguyên hiện trạng trang thiết bị y tế và toàn bộ thầy thuốc để điều trị cho những người bị thương”. Đúng 11 giờ 30 phút hôm đó, chúng tôi nghe tin cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng”.

Chiều 1-5-1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số cán bộ, chiến sĩ của đơn vị về Lái Thiêu thăm gia đình má Sáu Ngẫu. Lúc ấy, má kể với Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu về hoàn cảnh gia đình. Má tên thật là Huỳnh Thị Sáu; chồng má là Tư Ca bị địch bắt năm Mậu Thân 1968 rồi đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đó. Má có hai con, con gái là Huỳnh Thị Kim Ngân, 16 tuổi, con trai là Huỳnh Văn Đức, 14 tuổi. Má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn. Sau khi chồng mất, má mới đưa các con về ở Lái Thiêu để dạy học và hoạt động cách mạng. Hằng ngày, má vẫn theo dõi tình hình chiến sự để cập nhật thông tin ghi trên tấm bản đồ…

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, khi nghe ông kể câu chuyện về tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu, nhạc sĩ Văn Thành Nho đã sáng tác ca khúc “Tấm bản đồ má trao”. Sau đó, nhiều tờ báo, trong đó có Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài viết về má. Má Sáu Ngẫu mất năm 1989. Má được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 tại TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ cùng gia đình đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với má Sáu Ngẫu (Huỳnh Thị Sáu). “Cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, với thành tích đặc biệt xuất sắc của má, chúng tôi hy vọng Đảng, Nhà nước quan tâm, xem xét, truy tặng má Sáu Ngẫu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói trước khi chia tay chúng tôi.

THÁI KIÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *