Cội nguồn cho sức sống vĩnh cửu

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bước sang tuổi 77, nhưng có một điều khác biệt ở ông, đó là thời gian hình như không mấy tác động đến ông, mà chỉ cộng thêm cho ông kinh nghiệm sống, sự trẻ trung và tình yêu con người.

Bí ẩn từ dòng dõi
Khá tò mò về một vị tướng cứ tự nhiên vượt thời gian như vậy, tôi đã tìm hiểu kỹ về ông, và nhận ra một trong những bí ẩn khiến ông luôn giàu sức sống như thế, đó là một chữ “Trung” nằm lòng. Chữ Trung ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, mà cốt lõi là trung thành với bản thể của mình, sống, làm việc, chiến đấu, thương yêu con người một cách tự nhiên mà không phải nỗ lực. Với một chữ “Trung” suốt đời như thế, Tướng Hiệu cứ tự nhiên yêu cuộc sống, yêu đất nước, cụ thể hóa hàng ngày bằng việc yêu hoa lá cỏ cây vườn nhà, đi trồng cây khắp các vùng thôn dã vào mùa xuân khi ông đã nghỉ hưu. Và khi còn là người chiến sĩ, sĩ quan, là vị tướng quân đội, ông yêu dân yêu nước bằng cách chiến đấu quả cảm, chỉ huy thông minh để ít tổn hao nhất qua mỗi trận chiến.

Đi ngược dòng thời gian, tôi được biết, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ra ở xã Hải Long (Hải Hậu, Nam Định), nhưng cũng là một hậu duệ của cụ Nguyễn Bặc, một vị danh tướng mưu kế thao lược của nhà Đinh, một “quân sư” thông thái giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn thành công mười hai xứ quân, trấn hưng xã tắc. Cũng vì lòng Trung mà tướng Nguyễn Bặc sớm bị hại, tuy thân thể ông có thể bị chia lìa bêu riếu, nhưng tinh thần Trung quân của ông lại sống mãi, trở nên vĩnh cửu trong những lời ngợi ca, và duy trì truyền thống của muôn đời sau.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ra trong gia tộc họ Nguyễn, là một nhánh của dòng Nguyễn Bặc, nên từ nhỏ, tướng Hiệu đã theo người thân trong gia đình về đền thờ ở xã Gia Phương (Gia Viễn, Ninh Bình) hương khói cụ tổ Nguyễn Bặc. Tướng Hiệu cũng thường xuyên được mẹ cha kể cho nghe câu chuyện về cụ tổ Nguyễn Bặc, về dòng dõi học cao họ Nguyễn, cho nên trong tiềm thức của Nguyễn Huy Hiệu, đã âm thầm khắc ghi hình ảnh và, nhân cách Trung quân ái Quốc của cụ tổ, góp phần làm nên một binh nghiệp rạng rỡ, một tính cách chỉ huy quyết đoán của Nguyễn Huy Hiệu sau này. Chữ Trung này là kết tinh từ tình yêu thương, một lòng đi theo chính nghĩa. Và từ thành công đó, tướng Hiệu khi nghỉ hưu còn được vinh danh làm Chủ tịch danh dự dòng họ Nguyễn Bặc toàn quốc*.

Chữ Trung là bản thể, là cốt lõi, nhưng để chữ Trung phát huy tác dụng, thì cần một tâm trí được bồi bổ thường xuyên qua việc học. Như được thừa hưởng gen học từ cha ông nơi đất học Nam Định và dòng họ Nguyễn, quy trình “Học ->chiến đấu->học->chiến đấu” đã trở thành một vòng xoáy ốc xây những bước đi thành công ngày một cao hơn cho tướng Hiệu. Với ông, việc học là không thể ngừng, học qua thực tiễn cuộc sống, làm việc, chiến đấu, nghiên cứu khoa học, qua trường lớp, và việc học ấy cơ bản là để phục vụ cho công việc, cho sự cống hiến của mình. Chính sự học không ngừng đã tạo nên một vị tướng giỏi về nghệ thuật quân sự của Việt Nam.

Do thời thanh niên của tướng Hiệu gặp phải thời chiến tranh của đất nước, nên khi chưa học hết bậc phổ thông thì ông làm đơn tình nguyện đi bộ đội năm 1964, và đến tháng 2/1965 ông nhập ngũ. Ngay khi nhập ngũ, Nguyễn Huy Hiệu đã xác định, để xứng với dòng dõi học cao, anh sẽ phấn đấu làm người chỉ huy trong đội quân giải phóng. Anh lính mới Nguyễn Huy Hiệu luôn gắng học hỏi, áp dụng kiến thức vào chiến đấu để đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ đó mà anh được thăng chức khá nhanh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Kiến thức chỉ hữu ích khi được áp dụng ngay

Điều lạ là trong ba lô của anh lính trẻ Nguyễn Huy Hiệu luôn chứa sách toán, lý. Bởi với anh khi đó, sách toán, lý rất hữu hiệu ở chiến trường, trong chiến đấu cần dùng đến súng B40, B41 và ĐKZ, cần thông tin điện đàm… anh vẫn mở sách toán, lý ra học tiếp, kiến thức nào thiết thực, phục vụ chiến đấu là chộp luôn để áp dụng, làm chủ vũ khí, đạn dược. Toán học
cũng rất cần thiết để tính toán tọa độ chính xác mà chiến đấu. Anh nhớ, ngay trước trận đánh, tấm bảng đen, hay nòng pháo đều chi chít những phép tính anh làm để tính toán tọa độ. Như vậy, kiến thức trong sách đã ngay lập tức hữu dụng trong chiến đấu.

Do đạt được những thành tích trong chiến đấu, năm 1972, Nguyễn Huy Hiệu khi ấy giữ cương vị Trung đoàn Phó, được điều về Hà Nội học một lớp bổ túc cao cấp về chiến thuật. Lớp học khi ấy quy tụ 60 học viên từ khắp các chiến trường Bắc-Trung-Nam về học. Ấn tượng nhất với Nguyễn Huy Hiệu khi ấy, đó là ngoài khối kiến thức mà những người thầy nổi tiếng như tướng Lê Trọng Tấn, tướng Lê Quang Đạo, Cao Văn Khánh, Lê Tử Đồng, Hoàng Minh Thi… truyền đạt ở mặt trận B5, anh còn được học hỏi kinh nghiệm của đồng đội từ khắp các chiến trường, ở các loại địa hình chiến đấu… Những kinh nghiệm thực tế phong phú và quý giá đó giúp anh có được kỹ năng tư duy tổng hợp, tầm nhìn bao quát về chiến thuật, chiến dịch trong chiến tranh. Nhờ đó, anh có kết quả học tập xuất sắc, và được giữ lại nhà trường làm giảng viên chiến thuật. Dù trong thâm tâm, Nguyễn Huy Hiệu vẫn thích ra chiến trường chiến đấu trực tiếp hơn, nhưng anh vẫn ở lại nhà trường giảng dạy được ba lớp.

Đến tháng 10/1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn I, quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nguyễn Huy Hiệu được tổ chức điều về làmTrung đoàn trưởng Trung đoàn 27/Sư đoàn 320B Quân đoàn I hành quân thần tốc giải phóng miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Như cá gặp nước, hơn nữa, lúc này Nguyễn Huy Hiệu đã được đào tạo kỹ về chiến thuật, lại thu thập kinh nghiệm chiến đấu từ tất cả các chiến trường dồn về, có kiến thức tổng hợp, có tầm nhìn về chiến thuật, chiến
dịch xuất sắc, nên tháng 3/1975 anh đã được vinh dự trao nhiệm vụ chỉ huy đội quân thần tốc, giải phóng miền Nam.

Nghĩ về sự học của mình, tướng Hiệu vẫn chỉ tâm đắc, rằng qua bất cứ trường lớp, hay thực tiễn việc làm, và từ bất cứ người thầy, người bạn nào, dù giỏi, uyên bác hay có những kinh nghiệm quý, thì tự mình vẫn phải rút ra được điều gì áp dụng cho chính mình, thực hành vào chính công việc của mình được ngay, thì mới thành công.


Nét khác biệt của nhà quân sự

Sau chiến tranh, cùng với con đường tiến lên trở thành một vị tướng trong quân đội, thì song song với đó là con đường mà Nguyễn Huy Hiệu phấn đấu trở thành một nhà khoa học quân sự đặc biệt, một chuyên gia về nghệ thuật quân sự.

Năm 1977, tướng Hiệu lại có điều kiện đi thăm và cảm ơn 15 nước trong khối XHCN và Ấn Độ, từng giúp Việt Nam trong chiến tranh. Với ông đây là một dịp may hiếm có bởi ông được tận mắt chứng kiến và học hỏi nước bạn, mở ra cho ông một tầm nhìn mới về phát triển cuộc sống, sự nghiệp và đất nước, đặc biệt là quân sự. Từ năm 1978-1980 tốt nghiệp học viện cao cấp đầu tiên ở Việt Nam, năm 1980 nhận chức sư đoàn trưởng, đến 1983 tiếp tục sang học tại Học viện Frunze (học viện quân sự nổi tiếng, thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga). Tại Học viện Frunze, những kinh nghiệm đánh Mỹ được ông chia sẻ với các bạn Nga, ngược lại, tất cả kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga cũng được bạn chân tình chia sẻ. Nhờ đó mà tướng Hiệu lại mở ra được một kênh tiếp cận với một nền quân sự Nga và thế giới, một kho kiến thức về nghệ thuật quân sự. Những kiến thức này giúp ông tiếp tục học hỏi vận dụng vào phát triển cách đánh của Việt Nam, là cơ sở phương pháp luận trong quãng thời gian nghiên cứu sinh và bảo vệ luận văn tiến sỹ về nghệ thuật quân sự. Ông cũng tập hợp những kiến thức, công trình nghiên cứu của mình trong cuốn sách “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc”, cuốn quan trọng nhất trong 7 cuốn sách ông đã viết. Trong đó, ngoài nghệ thuật chiến tranh trong quá khứ, những vấn đề của hiện tại, còn khai mở vấn đề để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh trong tương lai, tìm ra những giải pháp tối ưu để bảo vệ tổ quốc. Tháng 4/2010, Tướng Nguyễn Huy Hiệu vinh dự được Viện Hàn Lâm khoa học quân sự Nga bầu làm viện sỹ chính thức về nghệ thuật chiến tranh. Bên cạnh đó, với nội dung nghiên cứu khoa học, qua thực tiễn, tướng Hiệu còn đề xuất phương châm “Bốn tại chỗ”
trong phòng chống thiên tai, được áp dụng rộng rãi và hiệu quả.

Giới quân sự từng ngợi ca những chiến công của ông là những bước đi không mỏi của người anh hùng. Tướng Hiệu kể từ thời đi học, chưa bao giờ ngừng học, cũng như chưa bao giờ nghỉ ngơi. Ông tiếp tục đi để học, để từ thực tiễn nâng lên thành lý luận khoa học,cống hiến cho nền khoa học quân sự nước nhà.

Box:
*Ông Nguyễn Văn Sở (Nguyên Trưởng khoa ngoại ngữ Học viện Quốc tế) – Chủ tịch dòng họ Nguyễn toàn quốc chia sẻ về Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một vị tướng tài mang lại vinh quang cho dòng họ Nguyễn, là truyền nhân xứng đáng của tướng Nguyễn Bặc. Ông là người có tâm, có tầm, lại luôn hướng về tổ tiên, chăm
sóc tâm linh cho dòng tộc, và hơn hết là luôn truyền kinh nghiệm sống, chiến đấu, những bài học quý giá cho thế hệ sau. Việc tướng Hiệu được vinh danh là Chủ tịch danh dự dòng họ Nguyễn Bặc toàn quốc không chỉ khiến các bậc tổ tông dòng họ được thỏa tâm, mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thế hệ trẻ của dòng họ Nguyễn tiếp tục sống, cống hiến theo truyền thống quý báu của tổ tiên với đại diện là cụ Nguyễn Bặc, sau này là Nguyễn Trãi.”

Kiều Bích Hậu

One thought on “Cội nguồn cho sức sống vĩnh cửu

  1. Cám ơn tác giả đã có bài viết sâu sắc, chân thực, giúp chúng tôi hiểu và kính trọng hơn về một vị Tướng, anh hùng tài ba, nhân hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *