(Dân trí) – Giá dầu thế giới đã đồng loạt tăng hơn 3% sau khi Nga tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các báo cáo về các vụ nổ ở Kiev.
Cụ thể, trưa nay giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, lần đầu kể từ năm 2014. Theo đó, lúc 11h30 (giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu Brent giao tương lai lên 101,93 USD/thùng, tăng 4,69% so với phiên trước đó. Giá dầu WTI giao tương lai của Mỹ cũng tăng 4,73%, lên mức 96,46 USD/thùng.
Giá khí đốt cũng tăng vọt 4,7% so với phiên hôm qua.
Vàng vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trước các biến động của thị trường, cũng tăng 1,82% lên mức 1.942,26 USD/ounce.
NBC News đưa tin, các vụ nổ đã được ghi nhận ở thủ đô Kiev của Ukraine.
Trong bài phát biểu trước công chúng sáng nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga muốn “phi quân sự hóa” Ukraine nhưng nhấn mạnh sẽ hành động ngay lập tức có sự can thiệp từ bên ngoài.
Thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ cũng ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Chỉ số Dow futures giảm 719 điểm, tương đương 2,2%, trong khi chỉ số S&P 500 futures giảm 2,1%. Nasdaq 100 futures giảm 2,5%.
Trước đó, trong phiên giao dịch chính, chỉ số Dow Jones đã giảm 464 điểm, tương đương 1%. Chỉ số S&P 500 giảm 1,8% và chốt phiên giảm 12%, mức đóng cửa giảm kỷ lục kể từ 3/1. Chỉ số Nasdaq Composite cũng “bốc hơi” 2,6%.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Sự biến động của thị trường là bình thường, nhưng sự thật là sự sụt giảm mà chúng tôi chứng kiến đến nay vẫn ít hơn nhiều so với dự kiến”, ông Brad McMillan, giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network nói.
Giới phân tích nhận định, nếu tình hình Ukraine tiếp tục “nóng” hơn sẽ kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Giới đầu tư sẽ đổ xô vào các tài sản an toàn như vàng. Giá dầu cũng sẽ tăng vọt, thậm chí lên mức 150 USD/thùng.
Xung đột vũ trang không chỉ gây rủi ro đến các cơ sở vật chất của ngành khai thác, lọc hóa dầu mà còn khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn nếu Nga đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách “khóa van” dầu.
Châu Âu nơi nhập 25% dầu mỏ và 40% khí đốt của Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu Kremlin cắt nguồn cung 3 triệu thùng dầu/ngày cho khu vực này.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại OANDA, cho rằng: “Nhìn chung, không có chuyện Mỹ và châu Âu đẩy Ukraine xuống và xoa dịu Putin nên dường như không thể tránh khỏi việc giá dầu Brent đạt ngưỡng 100 USD/thùng”.
Việc giá dầu tiếp tục tăng cao cũng sẽ giáng đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước châu Á, nơi chiếm khoảng 35% lượng tiêu thụ dầu trên toàn cầu nhưng chỉ cung cấp khoảng 8% sản lượng, theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế.