Tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhiều lần, thấy ông hay nhắc đến việc tôn tạo hai bên bờ sông Hồng cho xứng đáng với lịch sử, địa thế, tiềm năng của con sông chảy qua Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và vào những ngày cuối thu 2023, khi kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV đang họp, tôi thấy tướng Hiệu có vẻ suy tư nhiều hơn. Ông nói: “Qua mấy nhiệm kỳ lãnh đạo Hà Nội gần đây, thấy nói nhiều mà chưa ai làm nổi việc này. Tôi cũng như nhân dân cả nước mong mỏi sông Hồng của chúng ta cần được tôn tạo, xứng đáng sánh ngang với dòng Volga của Nga, sông Seine của Pháp, hay Thames của Anh, sông Nile của Ai Cập, sông Danube của Hungary…”
Trong cuộc trò chuyện mới đây giữa chúng tôi, tướng Hiệu chia sẻ kỹ càng hơn về những băn khoăn và ý tưởng của ông trong việc tôn tạo sông Hồng.
Ông cho biết, Hà Nội thủ đô của Việt Nam có lịch sử ngàn năm văn hiến, là thành phố hòa bình, nơi được nhiều người biết đến và khách du lịch muôn phương đổ về thăm, tìm hiểu, thưởng ngoạn, nhất là sau sự kiện Hà Nội – ngàn năm Thăng Long. Biết bao triều đại trong quá khứ đã làm nên lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Thì nay, trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, các vị lãnh đạo Hà Nội, cùng người dân thủ đô cần có chiến lược, kế hoạch, dự án và hành động để kè hai bên bờ sông Hồng, xây dựng các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử, du lịch xứng với Hà Nội, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử, tâm linh cả nước.
Khi còn làm công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam, tướng Hiệu từng đi tới nhiều nước trong các chuyến công du. Ông đặc biệt thích thú khi đi thăm những con sông chảy qua thủ đô của các nước bằng du thuyền, hoặc tàu thủy. Đó là các con sông Nile của Ai Cập, sông Volga (Nga), sông Vltava (Czech), sông Danube (Hungary), sông Thames (Anh), sông Hằng (Ấn Độ)… Ông xiết bao kinh ngạc khi thấy các nước tiên tiến này đã quy hoạch và xây dựng các công trình hai bên sông rất kỳ vĩ, đặc biệt nếu có bãi bồi giữa sông, họ cũng xây thành những khách sạn sang trọng, quyến rũ. Như dòng Volga của Nga chẳng hạn, nhiều thế hệ đã ghi dấu ấn lịch sử bằng những tòa nhà khách sạn, bảo tàng, nhà hát, khu văn hóa công cộng,… công trình cũ đan xen công trình mới rất hợp lý và vô cùng giàu có về chứng tích cùng các di sản, khách du lịch có đi thăm quan cả năm dọc hai bên sông cũng không hết các công trình ấy. Các công trình du lịch, xen lẫn dân sinh rất tuyệt vời, hài hòa và đảm bảo môi sinh bền vững, mọi người dân luôn ý thức bảo vệ dòng sông xanh, như bảo vệ nguồn sống, mạch máu của chính mình vậy. Tới dòng sông Seine tại Paris (Pháp), tướng Hiệu thấy mỗi cây cầu bắc qua sông đều mang dấu ấn văn hóa, nghệ thuật rất riêng, rất ấn tượng. Như vậy, cây cầu không chỉ là hạ tầng giao thông, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật nhân sinh, xứng cho bao đời hưởng thụ và tụng ca. Ở một khách sạn ven sông này, mỗi sáng, khi mở cửa sổ ra, có thể mơ mộng ngắm dòng sông chảy miên man mà thấy cuộc sống thật đẹp đẽ biết bao nhiêu, hoặc cũng có thể ngồi uống cà phê trên bong du thuyền, trôi nhẹ theo dòng mà thả ánh mắt thán phục biết bao công trình diễm lệ soi bóng xuống mặt nước long lanh. Mỗi công trình ven sông được xây dựng kỳ công, dồn biết bao trí tuệ và tình yêu đất nước, đều xứng là niềm tự hào của người dân thủ đô cũng như cả nước.
Tướng Hiệu nhắc lại lời Bác Hồ: “Đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng danh với các cường quốc năm châu”. Chúng ta giải phóng đất nước đã hơn bốn mươi năm rồi, vậy mà dòng sông Hồng chảy qua thủ đô Hà Nội vẫn chưa được tôn tạo cho xứng tầm vóc, xứng với địa thế và lịch sử con sông. Lời Bác Hồ dặn dò vẫn còn đây, còn trong tâm khảm của bao người Việt. Nếu không thực hiện được việc tôn tạo sông Hồng, thì việc thực hiện lời Bác dặn còn chưa trọn vẹn. Nếu các vị lãnh đạo Hà Nội thời kỳ hội nhập và đổi mới mà còn chưa làm được điều đó, thì phải có trách nhiệm với nhân dân, đất nước, với lịch sử. “Mục tiêu tôn tạo dòng sông Hồng đã đưa ra, Nghị quyết cũng đã có, nhiều hội thảo khoa học đề tài này cũng được tổ chức rồi, trong các sự kiện Ngàn năm văn hiến cũng đã nêu, nhưng cho đến bây giờ, thì dường như việc vẫn chưa được chạm đến.” – Tướng Hiệu nhận định.
Ông nói thêm: “Thời Chủ tịch Hà Nội – Bác sĩ Trần Duy Hưng đã từng làm rạng danh cho Hà Nội. Qua các thời Chủ tịch Hà Nội, ai thực hiện được việc tốt nào, lịch sử sẽ phán quyết. Cần phải có người có trách nhiệm, đứng mũi chịu sào, báo cáo Quốc hội, Chính Phủ, Trung ương Đảng, tập trung lực lượng để thực hiện mơ ước của nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta, đó là tôn tạo hai bên bờ sông Hồng, xây dựng những công trình văn hóa, lịch sử, du lịch, giải trí đậm đà truyền thống Việt Nam, giàu chất trí tuệ và sáng tạo Việt Nam. Dẫu cho vấn đề quy hoạch, giải tỏa rất khó, nhưng vẫn phải làm, nhiệm kỳ này chưa làm xong thì nhiệm kỳ sau tiếp nối, không thể cứ để nguyên hiện trạng như bây giờ, chẳng có nổi một bước tiến nào. Hãy phân khúc ra để làm, ví dụ nhiệm kỳ này sẽ thực hiện giai đoạn 1, nhiệm kỳ tiếp theo thực hiện giai đoạn 2,… Có thể phải qua 3 nhiệm kỳ mới giải quyết xong. Và công trình này có thể do Nhà nước đầu tư, hoặc xã hội hóa, thậm chí để các tổ chức quốc tế cùng bắt tay xây dựng…”
Quả vậy, các nước tiên tiến đã đi trước chúng ta, tạo nên cảnh quan đẹp hai bên dòng sông chảy qua thủ đô đất nước họ, biến dòng sông thành một kỳ quan du lịch, văn hóa thu được lợi ích lớn, có ảnh hưởng lớn. Tướng Hiệu hy vọng rằng người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam chúng ta nói chung, vốn giàu ý chí, bền gan, và cũng biết tiếp thu một cách sáng tạo, sẽ bằng trí tuệ Việt Nam để chung tay xây dựng, đưa dòng sông Hồng chuyển mình lên một tầm vóc mới, xứng là kho báu vô tận, là niềm tự hào của người Việt Nam.
Kiều Bích Hậu