Việt Nam sẽ tăng tỉ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (năng lượng sạch) lên 30,9 – 39,2% vào năm 2030. Không chỉ vậy, ngoài điện sạch còn có các dạng năng lượng mới như hydro, amoniac xanh để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Vấn đề lúc này là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư cùng những cơ chế khuyến khích phù hợp để điện sạch có giá phù hợp với người dân và có thêm sản lượng để xuất khẩu.
Hàng tỉ USD cho các thỏa thuận cam kết
Dự án Hydro xanh tại Trà Vinh là 1 trong 10 dự án đã ký biên bản ghi nhớ về cung cấp vốn, tín dụng tại sự kiện huy động “vốn xanh” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại COP28.
Với cam kết này, Ngân hàng Standard Chartered sẽ thu xếp và huy động tới 600 triệu USD cho khoản vay lên tới 20 năm để triển khai xây dựng nhà máy này.
Theo quy hoạch, điện tái tạo sẽ tăng lên mức 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và 44% vào năm 2045 với điều kiện thực hiện cam kết JETP, do đó nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện là vô cùng lớn, lên tới hàng trăm tỉ USD.
Bởi vậy, cùng với dự án Hydro xanh tại Trà Vinh, nhiều khoản vay đã được Việt Nam ký kết với các ngân hàng, đối tác lớn trong chuỗi sự kiện tại COP28 vừa qua có ý nghĩa rất lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Thế Cường, cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhìn nhận nhiều hoạt động gần đây đã cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác nhằm thực hiện cam kết cắt giảm khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero).
Điều đáng chú ý, tổng số tiền huy động được từ các thỏa thuận tài chính này lên tới hàng tỉ USD và phần lớn trong số các bản ghi nhớ này là việc nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận về tài chính để triển khai hàng loạt dự án năng lượng sạch.
Giải quyết nhiều thách thức để hút vốn xanh
Đánh giá về những kết quả đạt được tại COP28 có ý nghĩa lớn, song theo ông Đào Xuân Lai – trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) – cho hay để thực hiện Quy hoạch điện 8 và đạt mức phát thải ròng bằng 0, việc đầu tư cho các nguồn điện của Việt Nam đến năm 2030 là 134,5 tỉ USD.
Khoản tài chính 15,5 tỉ USD trong các hoạt động vừa qua có ý nghĩa bước đầu để huy động các nguồn lực tài chính lớn hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Thực tế, không phải chỉ riêng các thỏa thuận đã được ký kết, nhiều công ty năng lượng có quy mô hàng đầu thế giới tỏ ra rất quan tâm tới quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Đang đầu tư phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận, ông Ian Hatton, chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh), cho biết việc đầu tư không chỉ dừng lại ở dự án điện gió ngoài khơi có công suất 3.400MW với tổng mức đầu tư 11,9 tỉ USD mà còn triển khai nhà máy để sản xuất, xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD.
Vì vậy, ông Ian Hatton mong muốn cùng thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là các chính sách giá điện.
Trong khi đó, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners – CIP (Đan Mạch), doanh nghiệp năng lượng xanh lớn nhất thế giới, đã thành lập công ty liên doanh và hai văn phòng đại diện tại Việt Nam để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5GW với tổng vốn dự kiến là 10,5 tỉ USD.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP28, ông Stuart Livesey, CEO của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn và đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam, cho rằng với những định hướng đưa ra của Chính phủ, cùng với việc ban hành Quy hoạch điện 8, là bước quan trọng đầu tiên mở ra cánh cửa đầu tư vào các dự án và cơ sở hạ tầng ngành năng lượng, gửi thông điệp đến thị trường về sự hấp dẫn trong việc đầu tư trực tiếp vào các dự án và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Stuart Livesey cho rằng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 cần phải được đưa ra trong thời gian sớm nhất, với thông tin rõ ràng về các tỉnh/địa điểm được ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu cùng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để từ đó thiết lập ngành.
Lý do là dù Quy hoạch điện 8 đã được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cách thức một nhà đầu tư có thể triển khai một dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các bộ ngành và một cơ quan duy nhất điều hành tất cả các vấn đề liên quan, nhằm đảm bảo những dự án này có thể được đầu tư và bàn giao đúng tiến độ.
“Việt Nam cần phải tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đảm bảo triển khai dự án hiệu quả, tránh các thủ tục và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư.
Chính phủ cần thiết lập cơ chế, tiêu chí để chỉ lựa chọn nhà đầu tư nghiêm túc, có năng lực nhất, đồng thời giám sát chặt chẽ việc triển khai, vận hành dự án, bảo đảm dự án mang lại những đóng góp tích cực như đã cam kết, tránh tác động tiêu cực đến môi trường biển.
Nói một cách đơn giản, việc giảm rủi ro và sự thiếu chắc chắn bằng cách tăng tính minh bạch, rõ ràng có thể giúp các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư quy mô lớn như vậy”, ông Stuart Livesey nói.