Đất nước đã hoàn toàn giải phóng, thống nhất 48 năm nhưng ký ức một thời binh lửa và những ngẫm suy về câu chuyện hòa hợp dân tộc sau ngày đại thắng vẫn đượm nguyên trong chia sẻ của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…
Phóng viên (PV): Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi biết ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 nằm trong đội hình một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trên đường tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông có những kỷ niệm đặc biệt nào?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong mùa xuân lịch sử ấy. Ở đây, tôi xin kể 2 câu chuyện: Chuyện thứ nhất là cuộc hành quân thần tốc. Thời điểm khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra thì Quân đoàn 1- Binh đoàn Quyết Thắng chúng tôi vẫn đang huấn luyện ở miền Bắc và chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu. Lúc này, tôi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 – Triệu Hải anh hùng của Sư đoàn 320B, Chính ủy Trung đoàn là đồng chí Trịnh Văn Thư. Theo phân công của cấp trên, đơn vị vẫn làm nhiệm vụ đắp đê ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) để nghi binh địch.
Ngày 18-3-1975, Trung đoàn 27 nhận lệnh lên tàu và xe ô tô, hành quân vào Nam. Đơn vị đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc vào Đông Hà – Quảng Trị làm lực lượng dự bị cho đơn vị bạn đánh vào Huế và Đà Nẵng. Ngày 26-3-1975, các đơn vị bạn đã đánh cho địch ở Huế tan rã, phải bỏ chạy. Chúng tôi lại nhận được lệnh tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc đèo Hải Vân để cùng với các lực lượng sư đoàn mạnh của Bộ đánh vào bán đảo Sơn Trà, tham gia giải phóng Đà Nẵng.
Tình hình chiến trường diễn biến quá nhanh. Cho đến thời điểm ngày 29-3, các đơn vị bạn lại đánh mạnh thì địch tại bán đảo Sơn Trà tiếp tục tan rã nhanh. Lúc này, đơn vị của chúng tôi hành quân qua chợ Cồn để vào bán đảo Sơn Trà thì tôi gặp đồng chí Nguyễn Hữu An – Tư lệnh Quân đoàn 2. Đúng lúc đó, qua đài 15 oát, chúng tôi nhận được lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài – Phó Tổng tham mưu trưởng là phải đưa toàn trung đoàn hành quân thần tốc cả ngày và đêm cùng với các lực lượng được tăng cường vào tập kết ở Đồng Xoài (Đông Nam Bộ).
Khi đơn vị của tôi và các đơn vị bạn hành quân đến đèo Ăng-Bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15 oát với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Sau khi nghe xong mệnh lệnh đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cán bộ, chiến sĩ như quên hết mệt mỏi, tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến về tiền tuyến.
Câu chuyện thứ 2 xảy ra ở Lái Thiêu. Đó là, tối 29-4 chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới ấp Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, trong làng có một ngôi nhà lợp lá, bên trong hãy còn le lói ánh đèn. Chúng tôi quyết định đi qua nghĩa địa vào làng. Tại đây, tôi đã được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu). Má đã cung cấp cho chúng tôi tấm bản đồ quý hơn vàng, vẽ chi tiết toàn tuyến phòng thủ của địch từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn. Má còn cập nhật tình hình địch đến thời điểm hiện tại và lưu ý nhiều thông tin quan trọng khi tiến vào Sài Gòn.
Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thắng vào Bộ tư lệnh Thiết Giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4.
PV: Trong những thời khắc đầu tiên khi Sài Gòn giải phóng, ông làm gì và cảm xúc lúc đó như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nhiệm vụ của chúng tôi sau khi đánh chiếm là phải giữ các mục tiêu. Đồng thời, tổ chức đăng ký, phân loại các tù binh là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, phổ biến các chính sách của quân giải phóng với nhân dân và tù binh.
Trưa hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui, hạnh phúc được tích tụ, kìm nén bấy lâu như được vỡ òa. Phút chốc rừng cờ hoa và dòng người hân hoan đổ xô ra đường. Trong giờ phút lịch sử ấy, một cảm xúc khó diễn tả ngập tràn trong tôi. Tôi nhớ đến Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc vừa mới hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn; nhớ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, biểu tượng của các bà má Nam Bộ sẵn sàng hy sinh để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng…
Sáng hôm sau, giữ lời hứa với má Sáu Ngẫu, tôi cùng một số anh em của trung đoàn trở lại ấp Búng thăm má. Cũng trên con đường mới đi hôm qua mà nay khác quá. Dọc đường đi, bà con ùa ra chào đón và mang theo nhiều hoa trái tặng đoàn. Má Sáu thấy chúng tôi về thì vui mừng lắm và nói rằng, ước mơ được thấy ngày đất nước thống nhất của má đã thành hiện thực rồi. Tôi thay mặt đơn vị cảm ơn má và hứa sẽ thường xuyên liên lạc với má. Tôi cũng nói chuyện với anh Sáu Châu, huyện đội phó và chị Hai Mỹ, Bí thư huyện đoàn Lái Thiêu cũng đang có mặt ở đó quan tâm để 2 con của má là em Phước 16 tuổi và em Đức 14 tuổi được học hành, để sau này xây dựng quê hương đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của ba và tấm lòng của má với cách mạng…
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hoàng Tiến