KÝ ỨC THÁNG 4 NĂM 1970

Tháng 3 năm 1970, cha Tùng được điều động về làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận B5 (Mặt trận Trị Thiên). Tư lệnh mặt trận lúc đó là đồng chí Lê Trọng Tấn, Chính ủy là đồng chí Lê Quang Đạo. Năm 1970 là năm thứ hai đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên chiến trường Bắc Quảng Trị, ta và địch giành giật nhau từng vuông đất. Đế quốc Mỹ đẩy quân ngụy ra làm tiền đồn còn chúng đóng trong một số cứ điểm, chủ yếu dùng bộ binh cơ giới để chi viện khi cần thiết.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 chủ trương một mặt tiếp tục đánh nhỏ lẻ để giữ địa bàn, mặt khác cho bộ đội ta tập luyện, chuẩn bị sẵn lực lượng đánh tập trung, đánh điểm, phá tan âm mưu mới của kẻ địch. Thời điểm này, tướng A-bờ-ram (Creighton Abrams) – Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam áp dụng chiến thuật “Trâu rừng”. Ban ngày, chúng dùng xe tăng càn quét kết hợp với hoả lực cả ở trên không, trên biển, trên mặt đất hòng tiêu diệt quân Giải phóng. Tối đến, chúng quay lại khu vực phòng ngự để bảo vệ toàn bộ lực lượng, mỗi đại đội sẽ tạo thành một cụm với khoảng 16 đến 17 xe tăng nom như đàn trâu rừng khiến ta rất khó đánh. Nhất là ở phía trước mỗi cụm, quân Mỹ ủi đất, giăng hàng rào lưới để ngăn hỏa lực của ta. Để đối phó với chiến thuật này, với kinh nghiệm trực tiếp đối đầu với quân Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, cha Tùng đã có những buổi truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm đánh bộ binh cơ giới địch cho cán bộ khung của mặt trận.

Mới đầu hè thôi mà bầu trời Quảng Trị đã nắng ong ong. Chạm vào đất đá bỏng rát như bị ai ném vào cái chảo rang. Vậy mà quanh núi Thị Ve, bộ đội ta vẫn đang tích cực tập luyện quên cả nắng nóng. Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 đã dựng hẳn một thao trường có đủ mô hình xe tăng đơn, xe tăng cụm, cứ điểm địch để bộ đội ta tập luyện đánh tập kích, phục kích rồi đánh vây, lấn, tấn phá.

Hôm nay, cha trực tiếp đến Thị Ve để theo dõi anh em tập luyện. Thao trường Thị Ve được bố trí như chiến trường thật với không gian rừng lúp xúp, có khe suối, bãi đất trống xen lẫn bụi lau lách, dứa dại, những vạt sim hoa nở tím ngăn ngắt. Bộ đội ta đang chia thành từng tốp nhỏ ba người, luyện tập đánh phục kích xe tăng địch theo đúng khoa mục huấn luyện. Những khuôn mặt sạm đen vì nắng, tấm lưng đã nhuộm mồ hôi ướt đẫm lớp vải Tô Châu nhưng gương mặt ai cũng sáng lên vì tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ.

Những anh em đang luyện tập đều là cán bộ khung của đơn vị. Rồi đây, họ sẽ trở về đơn vị, tiếp tục huấn luyện cho chiến sĩ mới những khoa mục đã học. Vì vậy, phải làm sao cho họ có được những phương án đánh địch sát và hiệu quả nhất. Cũng chính vì vậy, cha đã cố gắng truyền đạt và phổ biến những kinh nghiệm sát với thực tiễn. Đồng thời, đặt ra những điều kiện thực tiễn chiến đấu để anh em cùng trao đổi phương án chỉ huy cho đơn vị. Sau khi trao đổi xong, cha quay sang hỏi các cán bộ, chiến sĩ:

  • Các đồng chí đánh phục kích tốt rồi, tiêu diệt được từng chiếc xe tăng rồi. Nhưng đến tối, giặc lại kéo xe về cụm để sửa chữa, khắc phục thì phải làm thế nào?

Một bầu không khí im lặng lan ra, mọi người nhìn nhau. Bỗng một đồng chí có gương mặt rất trẻ, nụ cười tươi rói cất tiếng:

  • Thưa thủ trưởng, theo tôi, chúng ta phải táo bạo hơn, quyết liệt hơn, phải tìm cụm bộ binh cơ giới địch mà diệt. Đánh được những trận như vậy mới phá được ý đồ của địch.

Cha Tùng nhìn lại người cán bộ trẻ tuổi, đó là Trung úy Nguyễn Huy Hiệu[1] – Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27. Cha Tùng hỏi lại đồng chí Hiệu:

  • Vậy để phát hiện ra cụm bộ binh cơ giới địch mà đảm bảo bí mật thì phải làm thế nào?
  • Tôi thấy ở đâu có tiếng cối cá nhân của địch bắn ra là ở đó có bộ binh cơ giới. Vì vậy, ta phải lấy tiếng súng của địch để tìm địch.

Cha gật đầu đồng ý tỏ vẻ khen ngợi người cán bộ trẻ. Cha mừng vì đơn vị có những người cán bộ trẻ nhưng đã có kinh nghiệm, thực tiễn chiến trường tốt. Chỉ có vậy, những cán bộ của ta mới chỉ huy được chiến sĩ nơi đạn lửa khó khăn, nơi thử thách lòng dũng cảm, mưu trí một cách thực tế nhất.

Từ câu trả lời của đồng chí Hiệu, cha Tùng nói về kinh nghiệm đánh tập kích cụm bộ binh cơ giới của địch. Không chỉ vậy, cha còn chú trọng nhắc nhở giáo viên huấn luyện làm sao để người lính có thể sử dụng thuần thục tất cả các loại vũ khí, đặc biệt là việc dùng vũ khí của địch để đánh địch. Vậy là, những buổi tập sau đó, bộ đội được học cách sử dụng cả súng phóng lựu M-79, lựu đạn, mìn định hướng clay-mo của giặc Mỹ.

Thao trường Thị Ve sau một ngày huấn luyện, trời về chiều. Những cánh hoa sim sau một ngày hong gió, hong nắng vẫn bời bời sắc tím. Từng cánh hoa rung rinh theo làn gió nhẹ như khích lệ tinh thần người lính. Lính ta kháo nhau, ông Tùng rèn quân nghiêm nên mới vỡ ra bao điều. Ai cũng rộn lên tâm trạng háo hức, tự tin cho cuộc đối đầu với cụm bộ binh cơ giới Mỹ sắp tới…

Ngày 1 tháng 4 năm 1970, Đại đội 2 của Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu được Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 giao nhiệm vụ đánh và tiêu diệt một cụm cấp đại đội của lữ đoàn 1, sư đoàn 5 bộ binh cơ giới của Mỹ. Theo đúng nội dung huấn luyện của cha Tùng, đồng chí Hiệu chọn những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, can trường, có thể sử dụng nhiều loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí địch. Để bảo đảm bí mật, đại đội chọn đường tiến quân dọc theo sông Cam Lộ. Mỗi khi vượt đường, đơn vị lại tổ chức trải vải dù bước lên và chiến sĩ đi sau cùng vừa đi giật lùi, vừa dùng cành cây nhiều lá quét xóa dấu chân.

Qua bốn đêm trinh sát, đến ngày 4 tháng 4, đại đội của đồng chí Hiệu bám địch đến bãi Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thì phát hiện ba cụm bộ binh cơ giới Mỹ. Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu quyết định lựa chọn cụm phía trong cùng ở Sáp Đá Mài bởi rất có thể là nơi đóng quân của chỉ huy cụm.

Ngay sau đó, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng hai trung đội trưởng và bốn chiến sĩ trinh sát cơ động xâm nhập nghiên cứu tình hình địch. Đúng như nhận định, cụm địch ở Sáp Đá Mài có 16 xe tăng bố trí thành hình vòng cung và có nhiều nhà bạt, cần ăng ten. Xác định rõ, đây là cụm xe chỉ huy, sau khi trinh sát, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy đơn vị chia thành ba mũi tiến công. Các xạ thủ B-40, B-41 được dẫn đường vòng phía sau tránh hướng chính diện, bố trí áp sát xe tăng địch.

3 giờ 15 phút sáng ngày 5 tháng 4, các mũi đã áp sát đội hình địch theo kế hoạch. Địch khá chủ quan vì ban ngày đã đi càn quét một vùng rộng lớn cùng hỗ trợ của hỏa lực nên canh phòng có phần lỏng lẻo. Quá trình vận động của bộ đội ta đảm bảo bí mật nên thành công áp sát đội hình địch. Những chiếc xe tăng địch chỉ còn cách khoảng ba mươi mét nằm lặng im trong đêm tối tĩnh mịch.

Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu trực tiếp đưa tổ luồn sâu tiếp cận sở chỉ huy địch. Khi cách địch không xa, đồng chí Hiệu ra lệnh bắn liên tiếp hai quả B-41 vào xe chỉ huy để phát lệnh tấn công. Tiếp đó là những tiếng nổ vang dậy. Tám chiếc xe tăng bị tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu. Các chiến sĩ B-40, B-41 bắn xe tăng, các chiến sĩ xung kích tiêu diệt bộ binh địch. Trận đánh diễn ra ác liệt, đến gần sáng, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên Dy cho đơn vị lui quân để đảm bảo an toàn. Đơn vị chia thành tổ ba người, dựa vào sườn núi, ẩn mình trong các lùm cây lúp xúp đợi trời tối sẽ trở về đơn vị. Kết thúc trận đánh, sau 45 phút, Đại đội 2 đã bắn cháy 16 xe tăng, tiêu diệt đại đội bộ binh cơ giới Mỹ. Trận tập kích Sáp Đá Mài đã làm lính Mỹ vô cùng hoảng sợ, góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng”.

Sau này, khi báo cáo kết quả trận đánh với Bộ Tư lệnh Mặt trận B5, cha Tùng đã trực tiếp biểu dương đồng chí Hiệu. Cha Tùng đặc biệt nhấn mạnh: “Đồng chí Hiệu đã vận dụng sáng tạo nội dung huấn luyện vào thực tiễn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới địch. Đây chính là tấm gương điển hình trong toàn mặt trận”. Với thành tích trên, Đại đội 2 và cá nhân Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đồng chí Hiệu sau đó được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27. Nhìn cán bộ, chiến sĩ của mình báo cáo kết quả thắng lợi trong chiến đấu, lòng cha rộn lên những niềm vui khó tả. Những người lính đã thực sự trưởng thành một cách vững chắc nơi chiến trường B5 khốc liệt. Cha thầm nghĩ, cứ giữ vững tinh thần ấy hỡi những người lính trẻ, cuộc chiến của chúng ta còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cái đích thắng lợi đang ở ngay trước mắt kia rồi.

 

[1] Sau này là Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu –  nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *