Lấn chiếm đất chùa cổ Linh Thông, phường Đại Mỗ xử lý sao?

UBND phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa có báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trước thông tin vi phạm đất đai kéo dài của một số hộ dân xung quanh chùa Linh Thông.

Ngày 5/7, ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho PV Tri thức và Cuộc sống biết, phường vừa gửi báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cùng các Sở ngành và UBND quận Nam Từ Liêm liên quan đến kiến nghị, phản ánh xung quanh khu vực chùa Linh Thông.

Lan chiem dat chua co Linh Thong, phuong Dai Mo xu ly sao?

Chùa Linh Thông là một ngôi chùa cổ, nằm trên đường Quang Tiến, tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Phường Đại Mỗ báo cáo gì?

Văn bản báo cáo của UBND phường Đại Mỗ nêu, nguồn gốc sử đất chùa Linh Thông thể hiện qua bản đồ của nhiều năm (1960, 1986, 1992). Trong đó, bản đồ năm 1992 kèm sổ dã ngoại thể hiện thửa đất số 123, tờ bản đồ số 15, diện tích 4.063m2 chủ sử dụng là chùa Linh Thông.

Năm 2006, nhà chùa, Ban đại diện thôn An Thái có chủ trương xây dựng Tam quan và tường bao xung quanh chùa. Các bên đề nghị UBND xã Đại Mỗ (nay là UBND phường Đại Mỗ) giải phóng mặt bằng, trong đó có phần diện tích nhà bà Đỗ Thị Hiền đang sử dụng. Suốt nhiều năm, việc thoả thuận giữa chùa Linh Thông, gia đình bà Đỗ Thị Hiền và UBND xã Đại Mỗ không đạt kết quả.

Năm 2000, con gái bà Hiền lập gia đình và sinh sống tại đó. Đến nay, “hiện trạng là nhà cấp bốn khoảng 25m2, xây dựng từ năm 2007. Theo quy hoạch phân khu đô thị, vị trí đất nhà bà Đỗ Thị Hiền đang sử dụng thuộc vào dự án mở đường kênh ngòi Tùng Khê”.

Lan chiem dat chua co Linh Thong, phuong Dai Mo xu ly sao?-Hinh-2

Căn nhà của hộ gia đình bà Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông.

Nội dung báo cáo, UBND phường Đại Mỗ khẳng định, UBND xã Đại Mỗ trước đây và UBND phường Đại Mỗ hiện nay không xác nhận bất cứ hồ sơ liên quan đến việc sử dụng đất của các hộ tại khu vực này. Đặc biệt là phần đất của gia đình bà Hiền sử dụng.

Vì vậy, chính quyền phường Đại Mỗ đã kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền cho gia đình bà Hiền sử dụng và giữ nguyên hiện trạng đến khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

Điểm chú ý, trong báo cáo, UBND phường Đại Mỗ không đề cập đến thông tin thửa đất 360m2 trước cổng chùa Linh Thông được phân lô, mua bán trao tay qua nhiều đời chủ (riêng căn nhà số 4 của gia đình bà Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông và chưa được cấp sổ đỏ). Về nội dung này, Phó Chủ tịch phường Đại Mỗ chỉ nói rằng, thời điểm đó ông chưa về địa phương nhận công tác.

Vi phạm không giải quyết triệt để

Vi phạm đất đai xung quanh khu vực chùa cổ Linh Thông được nhiều người dân địa phương phản ánh rằng, nhiều năm qua, hai bên Tam quan nhà chùa phát sinh tình trạng một số hộ dựng nhà ở, lều lán, kinh doanh trái phép. Sau nhiều lần UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) vào cuộc, xử lý, đa số các công trình đã bị giải tỏa.

Tuy nhiên, một số căn nhà vẫn tồn tại, thậm chí những căn nhà này còn được “hợp thức hóa” cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mua đi bán lại và sử dụng ổn định cho đến nay.

Lan chiem dat chua co Linh Thong, phuong Dai Mo xu ly sao?-Hinh-3

Một số căn nhà phía trước Tam quan chùa Linh Thông đã được xây cao lên 4-5 tầng.

Trụ trì nhà chùa sư thầy Thích Diệu Phúc cho biết: Năm 2006, trước khi khởi công xây dựng Tam quan chùa, có 5 hộ dân đã lấn chiếm và sử dụng đất chùa. Trụ trì chùa, Ban lễ hội, vãi chưởng của tất cả các thôn, các cụ 2 giới cùng xây dựng đã làm đơn kiến nghị với tất cả các cơ quan chức năng. Sau đó, các hộ dân lấn chiếm đất chùa đã bị cưỡng chế phá dỡ, riêng có hộ gia đình bà Đỗ Thị Hiền cố tình tái lấn chiếm.

Trước những vi phạm đất đai xung quanh chùa Linh Thông, ngày 12/8/1993, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã ban hành Kết luận thanh tra 97/KL-TT, trong đó xác định thửa đất có diện tích 360m2 trước cổng chùa Linh Thông đã được đổi cho một cá nhân để thu về hiện vật là vật liệu xây dựng để tu bổ các công trình trong khuôn viên chùa. Việc này được xác định là vi phạm Điều 5 Luật Đất đai lúc bấy giờ. Do đó, UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) phải thu hồi lại diện tích đất nêu trên.

Lan chiem dat chua co Linh Thong, phuong Dai Mo xu ly sao?-Hinh-4

Kết luận thanh tra 97/KL-TT.

Thực tế, UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) không thực hiện yêu cầu tại Kết luận 97/KL-TT dẫn đến việc thửa đất 360m2 được phân lô, mua bán trao tay qua nhiều đời chủ. Riêng trường hợp căn nhà của gia đình bà Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo các phật tử chùa Linh Thông, gia đình bà Hiền thuộc diện khá giả, nhiều bất động sản. Việc bà Hiền tái lấn chiếm, làm ảnh hưởng tới địa chỉ tâm linh chung của người dân địa phương, khiến nhà chùa không thể hoàn thiện Tam quan, khép kín tường bao dẫn đến nhiều vụ trộm cắp.

Hơn nữa, từ năm 2007, chính quyền địa phương đã có văn bản “xem xét đề nghị các cấp giao đất giãn dân cho gia đình bà Đỗ Thị Hiền theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, người dân đang không hiểu lý do gì mà sau nhiều đợt giao đất giãn dân, trường hợp của gia đình bà Hiền vẫn không được xử lý triệt để?

Chùa Linh Thông là một ngôi chùa đẹp, cổ kính và nổi tiếng linh thiêng tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Ngôi chùa này có bề dày lịch sử khoảng thế kỷ 17, do Tể tướng Nguyễn Quý Đức hiệu là Đường Hiên, tự Bản Nhân, người xã Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Nam (nay thuộc phường Đại Mỗ), cũng là vị có công dựng bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phát tâm xây dựng.

Chùa Linh Thông là di tích đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý trình UBND TP Hà Nội ra quyết định xếp hạng. Tuy nhiên, nhiều năm đã qua, do là vi phạm đất đai kéo dài của một số hộ dân xung quanh nhà chùa nên việc công nhận chùa Linh Thông là di tích vẫn chưa thực hiện được.

 

Mạnh Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *