Ai cũng có những người thầy, có người học được từ người thầy trong cuộc sống, có những người học được từ những người thầy ở lớp học, mà người ta vẫn nói là trường lớp và trường đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài học ở những nhà chính trị lỗi lạc, thì cũng có những người thầy là người quét tuyết ở Pháp, người đánh giày ngoài phố, những người ở kiếp sống lầm than. Có đôi khi người thầy không phải ở trường lớp, không phải người dạy cho chúng ta kiến thức, mà là những người thầy ở trường đời, người dạy cho chúng ta kinh nghiệm, người cho chúng ta những hiểu biết đơn thuần về cuộc sống.
Tướng Hiệu được biết đến là một vị tướng trưởng thành nơi trận mạc, là một người phấn đấu không mệt mỏi công tác tại Bộ Quốc phòng, trong hoạt động đối ngoại, khoa học công nghệ, đào tạo… Và mỗi khi được hỏi về những người thầy, Tướng Hiệu luôn kể về những người mà ông coi trọng nhất trong hành trình của mình. Nhiều người nói rằng một cuốn sổ tồi sẽ hơn một trí nhớ tốt, nhưng không hiểu vì lý do gì, chỉ cần hỏi ấn tượng về những người thầy trong cuộc sống, Tướng Hiệu sẽ nhắc đến rất nhiều người thầy, nhưng có 7 người thầy đặc biệt. Những câu chuyện về 7 người thầy trong cuộc đời Tướng Hiệu dường như đã hằn sâu vào trí óc của ông, để khi được hỏi, ông như kể lại một hành trình, một chặng đường đã đi qua.
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một thiên tài về nghệ thuật quân sự của Việt Nam, ông được cả thế giới ghi nhận vì những đóng góp và tài năng quân sự của mình. Nhưng ở Đại tướng, đó là một sự gần gũi, đó là một người anh cả. Ông không chỉ là người nhà võ, mà cũng đã từng là một thầy giáo, một trí thức, một người đã có những công trình nghiên cứu đồ sộ.
Nhiều người có cơ hội tiếp xúc với Đại tướng, đều nhớ đến ông là một người nhiệt huyết, say mê công việc, yêu thương mọi người, và đặc biệt là rất uyên bác. Không chỉ người dân trong nước, mà cả những người bạn quốc tế, khi tiếp xúc với Đại tướng, đều thấy đây là một người đặc biệt. Một người Việt Nam kiệt xuất, nổi tiếng trong những trận đánh quan trọng, một người Việt Nam thân thiện và tài năng khi ngoại giao bằng tiếng Pháp, tiếng Trung.
Có lẽ để nói về người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
thì đã rất nhiều tài liệu, nhiều sách báo, nhiều công trình nói, nhưng trong tâm niệm và ký ức của Tướng Hiệu thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người thầy đặc biệt, một người có nhiều ảnh hưởng tới chặng đường đi của Tướng Hiệu cả trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Tướng Hiệu hơi trầm ngâm
Tướng Hiệu hơi đau đáu
Và cũng có khi là nụ cười thật sự mãn nguyện
Khi nhắc tới kỷ niệm gắn bó với người thầy đặc biệt – Đại tướng
Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”
Biết đến Đại tướng qua sử sách
Thời còn đi học, Tướng Hiệu đã có một đam mê riêng với hoạt động quân sự, với những trận đánh, trước những biến động của đất nước, nên Tướng Hiệu ghi dấu trong sâu thẳm tâm khảm của mình với một sự ngưỡng mộ về một vị đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lẽ không chỉ mình Tướng Hiệu, mà rất nhiều người dân Việt Nam thời kỳ đó đều được nghe danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có đôi khi là cả câu chuyện đặc biệt về Đại tướng, như khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo chí nước ngoài về việc phong hàm đại tướng. Vì ở Việt Nam đang trong giai đoạn chiến tranh, nên không có điều kiện để các chiến sĩ học tập nâng hàm, mà chúng tôi quan niệm, đánh thắng tá sẽ được phong tá, đánh thắng tướng được phong tướng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh thắng đại tướng nên sẽ được phong Đại tướng. Thực ra chỉ một câu chuyện nhỏ cũng đủ để nói lên khả năng của Đại tướng ở mặt trận, không kể đến việc Đại tướng cùng với các thành viên đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng trưởng thành từ vùng quê của tỉnh Cao Bằng, để sau này toàn dân gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nên dễ hiểu vì sao thời kỳ đó, Tướng Hiệu có ấn tượng đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng để gặp gỡ cùng Đại tướng thì chưa.
Tướng Hiệu vẫn say sưa kể về những thành tích mà Tướng Hiệu biết được về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi Tướng Hiệu còn là một thanh niên của xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, từ khi còn đang đi học, ngồi trên ghế nhà trường đến khi ông viết đơn xin đi bộ đội với ước mơ trở thành anh giải phóng quân, chứ nhất thiết Tướng Hiệu không vào hải quân. Có lẽ đó cũng chính là một cơ duyên để
Tướng Hiệu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp như mong muốn của mình, nhưng đó là câu chuyện ở chiến trường, ở nơi bom đạn, khói lửa khốc liệt. Lần đầu tiên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp Có đôi khi, cũng phải thắc mắc vì sao cả đến ngày, giờ mà Tướng Hiệu nhớ đến vậy, Tướng Hiệu cứ ngồi kể lại câu chuyện của hơn 40 năm trước mà như câu chuyện của ngày hôm qua, của ngày hôm trước, một ngày nào đó rất gần. Thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu trầm ngâm khi nói về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ khi Tướng Hiệu còn ở mặt trận Quảng Trị, đến khi về công tác tại Bộ Quốc phòng và cả khi sau này, những ngày tháng gần như cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả những kỷ niệm đó Tướng Hiệu đều nhớ như in, như những việc vừa xảy ra hôm qua.
Khi còn là học sinh, Tướng Hiệu biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng, một thiên tài quân sự mà còn là một nhà giáo, điều đó đã ảnh hưởng đến ông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến cả sau này khi vào quân giải phóng miền Nam Việt Nam, khi nhận nhật lệnh của Đại tướng cho lực lượng vũ trang bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Năm 1965 khi vào bộ đội, ông chỉ mang theo ấn tượng về Đại tướng là một thiên tài quân sự qua chiến thắng Điện Biên Phủ, lúc đó ông chỉ có suy nghĩ như thế. Sau khi vào bộ đội, được học về quân sự, được học về cách đánh, cũng như tài thao lược của các thế hệ trước truyền dạy lại, khi đó ông mới bắt đầu có hình dung về quân sự. Về tư tưởng quyết đánh, quyết thắng, biết đánh và biết thắng. Từ năm 1965, cách đây hơn 50 năm, tư duy và cách đánh quân sự là đánh giáp lá cà, quần nhau với địch, mọi người phổ biến kinh nghiệm, sau đó nghĩ đến những cách đánh tập kích, đánh nhỏ, rồi đánh lớn, nhất là trận Núi Thành ở Quảng Nam. Từ đó Trung đoàn 27 mặt trận B5 đánh ở Quảng Trị những năm 1968. Trung đoàn 812 – 324 đánh ở Gio An – Quảng Trị năm 1967. Khi đó, tất cả đơn vị sừng sỏ nhất của Mỹ đều được đưa ra Quảng Trị. Lúc đó mới có cách đánh cài răng lược, da báo, tức là quân mình xen kẽ với quân địch, để địch không thể ném bom tiêu diệt lực lượng của ta được. Chúng ta phát huy khả năng đánh đêm. Quân ta đánh đêm rất giỏi. Đánh da báo, cài răng lược là cách để hạn chế hỏa lực của địch. Điểm độc đáo nhất của chúng ta là chiến tranh nhân dân. Ban ngày là người dân đi cày, cuốc và trinh sát, đêm đến sẽ mặc quần áo anh giải phóng quân, tập kích và đánh địch. Đây là ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nó được coi là đỉnh cao trong tư duy quân sự, chúng ta thắng địch chính là ở mưu trí, và nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Thắng địch bằng thế thời, biết tập trung lực lượng để tiêu diệt địch, nhưng cũng biết phân tán lực lượng địch để làm tiêu hao sinh lực của chúng. Mỹ đánh đến mức độ tàn bạo, không còn ngọn cỏ, nhành cây, nhưng chúng ta vẫn chiến đấu. Những năm tháng kháng chiến ác liệt đó
Tướng Hiệu vẫn chưa được gặp Đại tướng. Sau này khi về mặt trận B5, do đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, Tướng Hiệu và các dũng sĩ diệt Mỹ mới được có dịp gặp Đại tướng. Mặc dù là một người kiên trung, quyết liệt ngoài trận mạc, nhưng cảm xúc khó tả dâng trào khi lần đầu tiên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn còn nguyên vẹn trong trái tim Tướng Hiệu. Lúc đó có lẽ không phải là sự hồi hộp, lại càng không phải là sự lo lắng hay sợ hãi mà đó là một cảm xúc đặc biệt, một cảm xúc khó đặt tên. Bởi lúc đó ai cũng phấn khởi, nhưng có một cuộc nói chuyện mà đến bây giờ Tướng Hiệu vẫn không thể nào quên.
Đại tướng hỏi các dũng sĩ:
– Các đồng chí đã được bồi dưỡng chưa? (Bồi dưỡng ở đây nghĩa là bồi dưỡng về cách nói chuyện, cách kể chuyện, cách trao với Đại tướng, người bồi dưỡng là tuyên huấn, là những người đã
có nhiều kinh nghiệm ở trong đơn vị)
Các dũng sĩ đồng thanh trả lời:
– Thưa Đại tướng, có ạ!
Nhưng Đại tướng nói:
– Thế thì như thế này, các đồng chí đánh như thế nào thì kể lại cho đại tướng nghe, cứ kể thoải mái, như khi các đồng chí đi đánh nhau.
Ai cũng kể cho Đại tướng nghe, họ đã đánh cơ giới như thế nào, đánh bộ binh như thế nào. Đại tướng đã được nghe những câu chuyện đánh địch của những dũng sĩ diệt Mỹ.
Điều này để lại ấn tượng sâu đậm trong trái tim Tướng Hiệu, ông cảm thấy Đại tướng thật gần gũi, thân mật, đúng như câu hịch, “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Có lẽ trong suy nghĩ của Tướng Hiệu một vị đại tướng mà tên tuổi đã đi vào các chiến thắng lẫy lừng thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì sẽ mang đầy nét cương nghị, nghiêm túc, có thể vẫn gần gũi, nhưng không bình dị như thế này, vì thế mà Tướng Hiệu cảm thấy dấu ấn này thật đặc biệt và điều đó càng làm cho những khát khao cống hiến, khát khao chiến đấu của Tướng Hiệu dâng cao. Tướng Hiệu muốn học tập những thế hệ đi trước, những người đã có kinh nghiệm để trau dồi thêm khả năng binh nghiệp của mình, bởi khi đó Tướng Hiệu mới hơn 20 tuổi, và ông mới tham gia vào chiến đấu. Dù đã có những đóng góp không nhỏ, nhưng Tướng Hiệu vẫn luôn là một người khiêm tốn, quyết đoán và đúng với phẩm chất của người bộ đội Cụ Hồ. Có lẽ chính vì thế, mà dấu ấn về người thầy đặc biệt, người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam với Tướng Hiệu mới sâu sắc đến thế. Khi đó Đại tướng tặng cho mỗi dũng sĩ một huy hiệu nhỏ có hình bác Hồ nằm trong bông sen. Và đến nay, sau khi băng núi vượt đèo, khi trải qua những gian khổ của cuộc chiến, Tướng Hiệu vẫn giữ chiếc huy hiệu này như một kỷ vật đẹp cho những tháng ngày gian khó.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu gặp Đại tướng Võ
Nguyên Giáp Năm 1970, khi Đại tướng về thăm mặt trận B5, đồng chí Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Chính ủy Lê Quang Đạo đã yêu cầu bộ đội ta kể lại cho Đại tướng về trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới ở Sáp Đá Mài. Khi đó Tướng Hiệu đã được bổ nhiệm lên tiểu đoàn trưởng. Các đồng chí Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thi, Lê Tự Đồng cùng có mặt trong buổi gặp gỡ đó. Do đã được gặp Đại tướng từ trước, nên Tướng Hiệu biết Đại tướng chỉ muốn nghe đúng những gì đã diễn ra ở chiến trường. Đó là việc quân địch đã phòng thủ ra sao, hỏa lực của chúng mạnh như nào, và những suy tính của chúng ta trên mặt trận. Đại tướng say sưa nghe vị Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu kể về trận đánh góp phần đánh bại chiến thuật Trâu rừng của tướng Abrams và gật gù tán thưởng. Có những cách đánh chỉ có thể được lóe lên trong suy nghĩ của những vị chỉ huy khi vào tình huống cụ thể, và có những trận đánh khi bắt đầu sẽ khác hoàn toàn với những gì chuẩn bị. Đó mới là chiến tranh, đó mới là nhịp điệu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần kỳ. Và Tướng Hiệu khi đó đã cung cấp cho Đại tướng về một hiện thực, một sự thực ở chính mặt trận chúng ta đang chiến đấu. Chúng ta đã tập kích gian khó như thế nào, đánh bằng hỏa lực B41 ra sao, thực hiện phương châm đánh tiêu diệt, hạn chế tối đa thương vong bởi theo như những gì Tướng Hiệu vẫn nhớ lại: “Đại tướng thích nhất là đánh thắng nhưng giảm thương vong, Đại tướng dặn là đánh giỏi, đánh thắng nhưng quan trọng là phải thương đồng đội, chiến sỹ, không để thương vong”. Chính vì thế mà ngay khi bước chân vào chiến dịch, thì điều đầu tiên Tướng Hiệu nghĩ đến khi đưa ra bất cứ chiến thuật nào cũng là bảo vệ đồng đội, giảm thương vong như lời Đại tướng đã dặn.
Lần thứ hai gặp mặt Đại tướng cũng diễn ra trong một không gian đầm ấm, quan trọng hơn là do thời kỳ chiến tranh, nên không có nhiều thời gian để Tướng Hiệu và Đại tướng có thể báo cáo nhiều hơn.
Cuộc gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với ông như thế đã là quá đủ. Có lẽ chỉ cần như thế là Tướng Hiệu cảm nhận được tấm lòng Đại tướng Có lẽ chỉ cần như thế mà người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhìn thấy năng lực, sự chân thành của một vị Tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi.
Lần đầu được về Hà Nội trong chiến tranh
Năm 1971, khi đó Tướng Hiệu là tiểu đoàn trưởng và đã đánh tiêu diệt đoàn xe cơ giới của địch trên đường 9 Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế lên Bản Đông góp phần vào chiến thắng Đường 9 – Nam Lào. Sau chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Tướng Hiệu được đi cùng trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm về Hà Nội báo cáo. Đây là lần đầu tiên được về Hà Nội, đi bằng xe của quân giải phóng, đi từ mặt trận B5 ra. Lần đầu tiên từ ngày nhập ngũ ông được trở về.
Lần đầu tiên Tướng Hiệu được biết đến Nhà con rồng. Cũng là lần đầu tiên được ghé qua thăm mẹ, để mẹ biết rằng chàng trai năm nào là lính tham gia chiến trường nay đã là tiểu đoàn trưởng. Và quan trọng hơn sau bao trận chiến ác liệt thì người con ấy vẫn sống.1 “Nhà con rồng”: Tức nhà D67 thuộc khu A thành cổ Hà Nội. Tòa nhà này được gọi là “nhà con rồng” vì phía trước có những con rồng đá chầu (thềm rồng của điện Kính Thiên). Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, đưa ra nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đi đến thắng lợi. Tướng Hiệu trầm ngâm kể về kỷ niệm này, bởi năm 1971 ở Hà Nội có trận lụt kinh khủng khiếp. Nhưng trong chuyến đi lần này, Tướng Hiệu đã hình dung ra được tổng hành dinh của quân đội, nơi Đại tướng đang làm việc, đang chỉ huy. Dù lần thăm Hà Nội quá gấp rút, không được gặp trực tiếp Đại tướng, nhưng lại đánh dấu một sự trở lại, một con đường mới cho Tướng Hiệu. Và con đường đó bắt đầu từ mảnh đất Thủ đô.
Năm 1972 mở màn chiến dịch, đánh ở 322, 288 trận đánh nổ súng trước giờ G mở màn chiến dịch sau đó đánh vu hồi cánh Đông giải phóng Hải Lăng, Triệu Phong. Khi đó đồng chí Lê Quang Đạo, và phó chính ủy Lê Tự Đồng, và đồng chí Tư lệnh Lê Trọng Tấn nói là nếu cứ để đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chiến đấu như thế này thì đồng chí sẽ hy sinh mất, nên phải cho đồng chí đi học để phát triển sau này. Sau đó Tướng Hiệu được cử về học 6 tháng ở Hà Nội, do có thành tích xuất sắc ông được trở thành thầy giáo, dạy 3 lớp bổ túc quân sự học viện trung cao. Khi kể mình đã là thầy giáo, Tướng Hiệu vui lắm, vì ước mơ của ông nếu không làm khoa học thì sẽ là nhà giáo. Chỉ một thời gian ngắn đứng trên bục giảng nhưng đã phần nào giúp Tướng Hiệu thực hiện được ước mơ của mình. Thế hệ bây giờ cũng thế, ai cũng có ước mơ, càng trẻ càng có nhiều ước mơ, nhưng làm cách nào để mỗi chúng ta học hỏi được những người đi trước và kiên định, thực hiện được ước mơ của mình mới là điều quan trọng. Và đó cũng là lời nhắn nhủ mà những người đi trước gửi gắm vào thế hệ sau, đó là một lời nhắn hãy kiên định, hãy biết ước mơ và biết cách thực hiện nó.
Trong lúc kể chuyện, Tướng Hiệu vẫn nhớ tới việc trau dồi kiến thức cho giới trẻ, và giáo dục luôn là tiền đề. Tướng Hiệu vẫn luôn khẳng định, học ở trường lớp là cơ bản, cần phải học ở trường đời để có những sáng tạo, nhưng có lẽ sự nỗ lực ở chính bản thân là điều vô cùng quan trọng. Hành trình là một người thầy giáo của Tướng Hiệu có lẽ sẽ vẫn tiếp tục và kéo dài, nhưng đến ngày 24 tháng 10 năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Quân đoàn 1, Tư lệnh Lê Trọng Tấn về là tư lệnh quân đoàn, nên đồng chí quyết định đưa cả Trung đoàn 27 về Sư đoàn 320B Quân đoàn 1. Quân đoàn 1 được thành lập đã tạo thành quả đấm thép để hướng tới trận quyết chiến giải phóng miền Nam. Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, binh đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là binh đoàn quyết thắng, binh đoàn 1. Trong hình dung của Tướng Hiệu thì sẽ có một trận quyết chiến để giải phóng miền Nam. Về sau Tướng Hiệu được biết kế hoạch, Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Tướng Hiệu về làm trung đoàn trưởng để huấn luyện quân. Những ngày huấn luyện tại Quân đoàn 1 dường như chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí Tướng Hiệu, bởi đó là một sự nỗ lực hết mình. Tướng Hiệu có một niềm tin, một sự tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên của mình, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Lê Trọng Tấn. Đó không chỉ là những người thủ trưởng, mà còn là những người thầy đặc biệt của ông.
Tháng 3 năm 1975, thực hiện cuộc hành quân thần tốc để giải phóng miền Nam. Đại tướng về dự buổi thành lập quân đoàn. Đại tướng căn dặn, là quả đấm thép khi ra quân sẽ chiến thắng. Tấm ảnh giờ Tướng Hiệu vẫn còn giữ. Nhìn tấm ảnh thì mọi người đều nghĩ là Đại tướng đang giao nhiệm vụ nhưng thực tế là đang nói chuyện vui. Và dần dần Tướng Hiệu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần gũi thân mật như những người thân trong một đại gia đình. Từ đó Tướng Hiệu có thể thoải mái trò chuyện, có thể tự tin nói lên những suy tư của mình.Và tiếng nói của Đại tướng đã ăn hằn vào tâm trí Tướng Hiệu từ lúc nào không hay, ngay cả trong những cuộc hành quân gian khổ nhất.
Khi đoàn xe của Tướng Hiệu bắt đầu cho cuộc hành quân thần tốc hướng tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trên chuyến hành quân trên xe có đài 15 watt, nên Tướng Hiệu nhớ nhất mật lệnh của Đại tướng, thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, xốc tới miền Nam giải phóng đất nước. Nghe được mật lệnh này dù vất vả thế nào cũng hướng về phía trước. Tướng Hiệu nhớ lại những kỷ niệm có khi làm cay mắt nhiều người: Đó là những cuộc hành quân ngập trong cát bụi. Đó là những cuộc hành quân có khi lương thực không còn nhiều. Đó là những cuộc hành quân mọi người nhìn nhau chỉ thấy hai con mắt, bởi tất cả dường như đã bị bụi phủ. Đó là những cuộc hành quân trong những cơn gió cản. Nhưng dường như ý chí của người lính Cụ Hồ, của người giải phóng quân và tiếng nói phát nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là động lực cho tất cả. Để đến giờ không chỉ Tướng Hiệu mà nhiều người thế hệ đó vẫn khắc ghi trong tim mình.
Gian khó nhưng mạnh mẽ là như thế.
Gian khó nhưng quyết liệt là như thế.
Có lẽ phải sống trong những ngày tháng đó, mới hiểu hết được nguyên nhân vì sao một dân tộc nhỏ bé như dân tộc Việt Nam lại đánh đuổi được hai người khổng lồ, hai đế quốc xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước chúng ta. Và Tướng Hiệu đã đồng hành cùng bước chân của dân tộc đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Chú thích ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trong Hội thảo quốc tế “50 năm giải phóng Điện Biên Phủ” năm 2004. {Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng chụp)
Thời bình
Trở về với thời bình, là thời điểm Tướng Hiệu có nhiều dịp gặp Đại tướng hơn trước, có nhiều thời gian hơn trước và dường như lúc này, Tướng Hiệu đã hiểu rất nhiều về người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khi Tướng Hiệu về làm đại đoàn trưởng đại đoàn đồng bằng năm 1980, Đại tướng cũng thường xuyên về thăm quân đoàn và động viên tinh thần. Vào những dịp kỷ niệm hay nhưng khi có thời gian, Đại tướng lại về thăm quân đoàn, và thời điểm này là thời điểm Tướng Hiệu được nghe Đại tướng nói chuyện nhiều hơn, đưa ra nhiều kinh nghiệm hơn, kinh nghiệm có khi không phải là trong chiến đấu nữa, mà trong tác chiến, trong quản lý, trong hoạt động của đơn vị.
Lúc này tư duy về học thuật, đánh binh chủng hợp thành, cả hải lục không quân bắt đầu được xây dựng, và ngoài kiến thức sau này Tướng Hiệu học ở nước bạn Nga, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người chia sẻ nhiều kinh nghiệm với Tướng Hiệu. Sau này khi Tướng Hiệu làm Tư lệnh Quân đoàn 1 cũng có nhiều điều đặc biệt với ông. Năm 1987, Tướng Hiệu được bổ nhiệm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1. Chỉ đạo đơn vị của Quân đoàn đánh địch ở đồi Đài, 1100, bốn hầm, Thanh Thủy, Vị Xuyên… Lịch sử Quân đoàn chưa có Phó tư lệnh thứ nhất, nhưng sau đó thì Tướng Hiệu được bổ nhiệm lên thành Tư lệnh Quân đoàn 1. Trong thời gian làm Tư lệnh Quân đoàn 1, Đại tướng đã nghỉ hưu, nhưng cứ vào những đợt kỷ niệm, Đại tướng lại vào thăm Quân đoàn truyền thụ lại kinh nghiệm chiến đấu. Đại tướng nói, bây giờ đồng chí đã là Tư lệnh rồi, cần phải có tầm chiến dịch, trước sau gì đồng chí cũng về “Nhà con rồng”, và Đại tướng đã truyền thụ lại mọi kinh nghiệm cho ông.
Tướng Hiệu đang kể về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông chia sẻ “Ở Đại tướng có một điều đặc biệt, trong mọi câu chuyện, Đại tướng nói nhiều đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Từ thời xưa đến nay, Đại tướng nói: “Quả đấm thép là sức mạnh để đánh thắng kẻ thù; phải giáo dục lòng trung thành của quân đội với Đảng, với Tổ quốc, với đất nước, với nhân dân”. Tướng Hiệu thấy phục vì Đại tướng rất ít khi nói về mình. Có lẽ đó là điều Tướng Hiệu rất trân trọng Đại tướng
Võ Nguyên Giáp, Đại tướng rất bình dị, gần gũi và đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích tập thể lên trên lợi ích bản thân, cá nhân mình. Tướng Hiệu có một bức ảnh chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đến bây giờ sau rất nhiều năm bức ảnh đó vẫn được Tướng Hiệu giữ gìn cẩn thận, như sự trân trọng của ông dành cho Đại tướng.
Công tác ở Bộ Quốc phòng cứ từng bước, từng bước, ở nhiệm vụ nào Tướng Hiệu cũng nỗ lực để hoàn thành công việc của mình, và những lời khuyên chân thành của Đại tướng đã giúp Tướng Hiệu rất nhiều trong hành trình công tác của mình. Tất nhiên mỗi người đều có một thế mạnh, nhưng với Tướng Hiệu, ông luôn coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người thầy thật đặc biệt của mình.
Tháng 10 năm 1994, Tướng Hiệu được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và được chuyển về ở đúng căn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở, căn phòng đó rất giản đơn, chỉ có bàn làm việc, giường xếp, tủ, trưa vẫn đi ăn tập thể với mọi người, cuộc sống rất giản dị. Những năm tháng ở đây lại là nơi tiếp cận được rất nhiều kinh nghiệm, tìm hiểu rất nhiều thông tin lịch sử ở trong “Nhà con rồng”. Những cuộc họp của Bộ Chính trị, lúc này Tướng Hiệu mới được tìm hiểu, được khám phá một kho lịch sử khổng lồ, ký ức khổng lồ. Thời kỳ này cứ vào 29 tết, Tướng Hiệu ra chúc tết Đại tướng với hai tư cách: thứ nhất là, đại diện cho Bộ Tổng Tham mưu; thứ hai là, với tư cách con cháu. Tướng Hiệu đến thăm Đại tướng để được kể chuyện cho Đại tướng nghe, sau đó để nghe Đại tướng căn dặn. Nhưng các đoàn vào thăm Đại tướng rất đông. Về sau Đại tướng dặn, cứ chiều 29 tết, ông đến lúc khoảng 3 giờ chiều để có nhiều thời gian ngồi trò chuyện với Đại tướng. Tướng Hiệu thường báo cáo cho Đại tướng nghe tình hình trong Bộ Quốc phòng, tình hình đất nước, sau đó nghe Đại tướng dặn dò. Đây là thời điểm mà dường như Tướng Hiệu cảm thấy mình là người nhà của Đại tướng và Đại tướng cũng coi như vậy. Dường như những lần gặp gỡ, thăm hỏi Đại tướng, là những dịp để chia sẻ, để Tướng Hiệu có thể kể cho Đại tướng nghe hoạt động của cả một năm, cả một thời kỳ dài, còn Đại tướng thì cùng ngẫm, cùng suy và đưa ra những ý kiến của mình. Hai vị tướng bình lặng trước thời cuộc, hai vị tướng đồng hành trong thời cuộc, và hai vị tướng có chung một mong ước, hướng tới đất nước, hướng tới nhân dân.
Khi Tướng Hiệu là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và phụ trách về ngoại giao, đoàn nào tới thăm cũng mong muốn vào thăm Đại tướng. Khi có các đoàn vào, Đại tướng có thể nói tiếng Trung, tiếng Pháp mà không cần phiên dịch. Và những lần đưa đoàn vào thăm Đại tướng, Tướng Hiệu đã học hỏi được rất nhiều, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác-na-ma-ra một thời tham chiến ở Việt Nam, khi vào thăm lại Đại tướng, cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị. Tướng Hiệu đã học được ở Đại tướng rất nhiều điều trong đối ngoại. Chính thời điểm này là thời điểm Tướng Hiệu cảm thấy thật sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở lĩnh vực nào cũng có những hiểu biết và có thể chia sẻ được với thế hệ sau. Về sau khi được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách về ngoại giao, phụ trách về khoa học công nghệ và khối nhà trường thì Đại tướng cũng là người rất am hiểu về lĩnh vực này nên Tướng Hiệu cũng thường xuyên trao đổi, thông tin và xin ý kiến của Đại tướng để hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Hay ở chỗ là ông được tiếp cận với khoa học quân sự do Đại tướng truyền thụ lại. Cái giỏi nhất của Đại tướng là thiên tài quân sự, nhưng Đại tướng cũng là một nhà giáo và một nhà khoa học, nên được tiếp cận và trao đổi với Đại tướng có ý nghĩa quan trọng với Tướng Hiệu. Các cuốn sách của Tướng Hiệu viết và hoàn thành, người đầu tiên Tướng Hiệu gửi chính là Đại tướng. Đại tướng đã dặn ông, khi làm gì cũng nên tổng kết và ghi lại vào sách, nhưng phải viết trung thực, để thế hệ sau kế thừa và phát huy. Và hành trình của Tướng Hiệu với những công trình nghiên cứu, với những cuốn sách cũng bắt đầu từ mong muốn và lời khuyên chân thành của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những kỷ niệm với Đại tướng có lẽ còn rất nhiều, bởi rất nhiều thời gian, nhiều tháng, nhiều năm hai vị tướng này đã gắn bó với nhau. Nhưng khi nghĩ đến một kỷ niệm, Tướng Hiệu vẫn đầy trăn trở, bởi đó là những ngày Đại tướng cũng đã rất già.
Năm 2008, Tướng Hiệu với tư cách là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đại diện cho Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đến chúc tết Đại tướng. Vì đến bất ngờ, lúc đó Đại tướng đang mặc thường phục. Đại tướng bảo chờ chút, để Đại tướng vào thay quân phục. Khi Đại tướng ra, Tướng Hiệu thay mặt đoàn chúc Đại tướng sống trăm tuổi. Đại tướng giơ tay không đồng ý. Vì tiếp xúc nhiều với Đại tướng đã lâu nên Tướng Hiệu hiểu, và xin phép chúc lại. Đại tướng đồng ý. Tướng Hiệu khi đó đã chúc Đại tướng sống trên một trăm tuổi. Đại tướng rất vui, cả đoàn vỗ tay rầm rầm. Khi vào ngồi trong nhà, Đại tướng ghé tai nói với Tướng Hiệu, có người nói Đại tướng sẽ sống đến 103 tuổi. Về sau mọi người cứ thắc mắc là Đại tướng đã nói gì với Tướng Hiệu lúc đó. Thông tin này Tướng Hiệu cũng chia sẻ với nhiều người. Thật kỳ lạ, Đại tướng mất đúng là khi Đại tướng 103 tuổi. Tướng Hiệu nhận được tin Đại tướng mất khi đang trên đường từ Nam Định về Hà Nội. Bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – thiên tài quân sự” đã được ấp ủ trên đường về, và được viết ngay trong đêm, để sáng hôm sau bài đã được đăng trên trang nhất của báo Quân đội nhân dân. Bởi với Tướng Hiệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một người đặc biệt, một người gần gũi, bình dị và hết lòng vì quân đội, vì nhân dân, vì đất nước.
Trong ngày lễ tang của Đại tướng, mặc dù rất muốn đưa Đại tướng về Quảng Bình, nhưng do có một yêu cầu đặc biệt, Tướng Hiệu và Giáo sư Vũ Khiêu đến Truyền hình Công an nhân dân để trả lời trực tiếp cho đồng bào từ khi bắt đầu lễ tang đến khi kết thúc. Thời điểm đó thật sự xúc động, dù Tướng Hiệu không được đưa Đại tướng về Quảng Bình, nhưng ông vẫn làm những công việc phụng sự đất nước, và vì Đại tướng. Và một công việc Tướng Hiệu đang thực hiện dang dở. Trước khi Đại tướng mất một tháng, có một Ban chỉ đạo làm tượng đài cho bốn vị tướng được thành lập. Ban chỉ đạo bao gồm: Giáo sư Vũ Khiêu, Tướng Hiệu, Giáo sư Phan Huy Lê, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Lê Văn Lan tham gia. Bốn vị tướng đó bao gồm: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều ý kiến khác nhau cho rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn sống thì chưa nên làm. Nhưng khi lấy ý kiến, thì mọi người đều đồng ý. Nhưng chỉ một tháng sau thì Đại tướng mất.
Hình ảnh chọn cho Đại tướng rất khó, nhưng Tướng Hiệu nhớ tới hình ảnh Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hình ảnh Đại tướng giơ tay lên khi chiến dịch bắt đầu.
Đến nay, khi có điều kiện Tướng Hiệu và gia đình lại vào viếng Đại tướng ở Quảng Bình. Hiện nay Tướng Hiệu đang ươm một cây sa la để mang vào Quảng Bình trồng ở mộ Đại tướng.
Ước mong còn rất nhiều, Ký ức còn rất nhiều. Nhưng những gì đọng lại trong tâm khảm của Tướng Hiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người cha, như một người thầy. Tướng Hiệu vẫn luôn nhớ về Đại tướng, nhớ về ngày Đại tướng ra đi. Tướng Hiệu dừng kể, nhấp một hớp nước chè, nhưng dường như sống mũi cay cay, bởi dường như những câu chuyện kể làm cho ông nhớ về Đại tướng, nhớ về hành trình đã cùng Đại tướng đi qua. Và người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam đã để lại trong trái tim Tướng Hiệu một ký ức không giống ai, và không ai có.
Đó là điều thật đặc biệt!
Lục Hường