Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ Khoa học Quân sự Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng nhiều lần được tiếp xúc và được nghe cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp phân tích về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nên vẫn luôn ghi nhớ những bài học, lời dặn cùng những kỷ niệm về người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khi nhận được tin Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp đã ra đi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có những hồi tưởng về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Dù biết trước điều này sẽ đến, nhưng tôi vẫn rất xúc động đến sững sờ.
Đại tướng là Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng là người Anh cả của quân đội ta, một nhân vật vĩ đại của thời đại.
Tôi thuộc thế hệ sau, được chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam nên tôi có nhiều lần vinh dự tiếp kiến Đại tướng và có những kỷ niệm với Đại tướng – một nhà chiến lược tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam, một kiến trúc sư về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhớ lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mùa xuân 1973, khi đang là giáo viên chiến thuật Trường Bồi dưỡng Trung cao (nay là Học viện Lục quân (Đà Lạt)) tôi nhận lệnh của Nhà trường và Văn phòng Bộ Quốc phòng lên báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trận đánh thắng chiến thuật “trâu rừng” của tướng Mỹ Williams Abrams. Đây là một trong những chiến công vang dội của Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) tiêu diệt một cụm cấp đại đội của lữ đoàn 1, sư đoàn 5 bộ binh cơ giới của Mỹ vào đêm mùng 4, rạng sáng ngày 5-4-1970, ở bãi Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Lúc đó, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội 2, trực tiếp chỉ huy Đại đội bám sát, luồn sâu vào trong đội hình “trâu rừng”; đánh và tiêu diệt gọn cụm cơ giới chỉ huy của chiến thuật của địch… Để báo cáo với Đại tướng, tôi đã ghi chép lại tỉ mỉ chiến lệ trận đánh.
– “Cháu ngồi đi”. Chất giọng miền Trung ấm nồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa tôi trở lại thực tại. Lúc đó, tôi đang ngưỡng mộ ngắm nhìn khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, đôi mắt sáng của người chỉ huy – anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
– Dạ! tôi trả lời và nhanh chóng ngồi xuống chiếc ghế Đại tướng vừa chỉ.
Sau khi tôi ngồi xuống, Đại tướng đến bên bàn làm việc, chăm chú nhìn lên một tấm bản đồ đặt trên bàn và nói: Chắc cháu đã chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng rồi nhỉ? Giờ cháu bỏ bản báo cáo chuẩn bị đi, nhìn vào bản đồ này liệu có báo cáo được không? Về tình hình ta? Tình hình địch? địch bố trí lực lượng như thế nào? Đơn vị cháu đã xây dựng chiến thuật, quyết tâm như thế nào, để tiêu diệt địch?…
Báo cáo Đại tướng, cháu báo cáo trên bản đồ được ạ! Tôi tự tin đứng nghiêm người dõng dạc nói.
Được sự cho phép, tôi đến bên Đại tướng và mới biết, tấm bản đồ để trên bàn làm việc là chiến lệ của trận đánh thắng chiến thuật “trâu rừng” của Mỹ. Nhìn vào tấm bản đồ, tôi say mê báo cáo với Đại tướng về mưu đồ, phương thức tác chiến, quy luật hành-trú quân của chiến thuật “trâu rừng”; những phương án tác chiến đã được thảo luận của Ban chỉ huy Đại đội 2. Tuy trận đánh đã trải qua gần 3 năm, nhưng khi báo cáo, từng viên đá, bụi cây, từng chiến công, hành động dũng cảm của các đồng đội: Đồng chí Dy, Chính trị viên; đồng chí Cư, phó Đại đội trưởng; đồng chí Lê Đăng Nhiệm, Chính trị viên phó; đồng chí Thuấn, Trung đội trưởng Trung đội 1; đồng chí Viêm Trung đội trưởng Trung đội 2; đồng chí Tam, Trung đội trưởng Trung đội 3; đồng chí Khoét, xạ thủ B41… và ánh lửa của những quả đạn B40, B41 trùm lên tiêu diệt 16 chiếc xe tăng của địch vào rạng sáng ngày 5-4-1970 được tôi tả tỉ mỉ cho Đại tướng nghe.
Về nguyên nhân chiến thắng, tôi báo cáo rõ: Thứ nhất, từ đầu năm 1970, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã tập trung huấn luyện kỹ, chiến thuật, trong đó đảm bảo giỏi cả kỹ thuật sử dụng vũ khí trang bị của ta lẫn của địch. Để trong tác chiến nếu đạn cạn kiệt thì có thể lấy vũ khí địch đánh địch; thứ 2, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã tham gia chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Quảng Trị nên rất thông thuộc địa hình (bảo đảm được yếu tố bí mật trong hành-trú quân), cũng như giấu quân sau khi trận đánh kết thúc… Nhờ vậy, khi đối chiến với bầy “trâu rừng” của Mỹ – rất kiên cố, vững chắc ở tiền duyên, nhưng có phần lỏng lẻo ở nơi đóng sở chỉ huy phía sau, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã bí mật luồn sâu, áp sát cụm chỉ huy của địch. Nổ súng diệt gọn cụm chỉ huy, thắng lợi vẻ vang, còn bên ta thương vong 3 đồng chí (trong đó 1 hy sinh, 2 bị thương nhẹ).
– Tại sao đơn vị không rút về vùng giải phóng trong đêm mà vẫn ở lại trận địa để đêm sau mới rút? Đại tướng ân cần hỏi.
– Báo cáo Đại tướng, trận đánh diễn ra trong thời gian chỉ hơn 30 phút. Lúc bấy giờ, địch đã gọi chi viện hỏa lực bắn phá dữ dội phía trước tiền duyên, cộng thêm các cụm “trâu rừng” bên ngoài cũng tăng cường cảnh giác bắn phá. Do vậy, nếu rút về ngay thì đơn vị sẽ thương vong lớn. Chúng cháu lợi dụng sự thông thuộc địa hình, chia thành các tổ 3 người ẩn nấp. Tối hôm sau, địch đã rút hết, đơn vị rút lui rất an toàn.
– Sao lại dùng tổ 3 người? Đại tướng hỏi.
– Báo cáo Đại tướng, tổ 3 người như kiềng 3 chân vừa hiệu quả trong việc hỗ trợ tác chiến nếu bị địch phát hiện. Đồng thời, nếu không may trong chiến đấu có 1 đồng chí bị thương thì 2 đồng chí còn lại sẽ đủ sức giúp phối hợp để đưa đồng chí của mình rời khỏi trận đánh.
Sau khi nghe tôi báo cáo xong, Đại tướng vui cười, biểu dương sự sáng tạo, chủ động và chiến công của Đại đội 2. Đại tướng căn dặn: Bây giờ cán bộ, chiến sĩ đánh giỏi rồi. Nhưng “Cái giỏi của người chỉ huy là chỉ huy vừa đánh thắng, vừa phải giảm thương vong thấp nhất mới là người chỉ huy giỏi”.
- “Báo cáo rõ”, tôi nghiêm trang đón nhận lời Đại tướng dạy bảo. Lời dạy của Đại tướng được tôi truyền dạy lại cho học viên các khóa học chiến thuật ở Trường bồi dưỡng Trung cao. Một thời gian sau, khi thành lập Quân đoàn 1, tôi được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, chỉ huy Trung đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội… Nhưng lúc nào lời dạy của Đại tướng cũng là kim chỉ nam trong mỗi suy nghĩ và hành động của tôi.
Nhớ mãi lời Người dặn.
Đầu tháng 12-1999, khi tôi đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, một trận lụt “Đại hồng thủy” xảy ra ở miền Trung.
Đường bộ bị lũ chia cắt. Vì gió lớn nên đường hàng không cũng không thể đi được.Tôi tổ chức một đoàn gồm đại diện của Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đi trên con tàu Đại Lãnh vào Quảng Ngãi để cứu trợ đồng bào.
Vì bão to gió lớn, con tàu chở chúng tôi bị trôi ra biển, mất liên lạc với đất liền trong nhiều giờ. Khi được đồng bào cứu hộ vào bãi biển Dung Quất, tôi được các sỹ quan ở Cục Tác chiến thông báo: Trong lúc chúng tôi bị bão cuốn ngoài biển, Đại tướng liên tục gọi điện tới Bộ Quốc phòng nắm tình hình, hỏi về con tàu chở đoàn chúng tôi.
Khi vào tới bờ, nối liên lạc được với Đại tướng, tôi cảm nhận được sự xúc động trong giọng nói của Đại tướng. Nghe tôi báo cáo xong tình hình, Đại tướng mới yên tâm.
Sau đó, Đại tướng biểu dương, động viên chúng tôi và dặn rằng: “Hãy mang hết khả năng cùng với lãnh đạo địa phương cứu giúp đồng bào giảm thiệt hại thấp nhất cả người và của.” Lời dặn ấy của Đại tướng sẽ không bao giờ tôi quên.
Tối hôm đó, tôi đã trả lời trực tiếp phóng viên chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi rất xúc động khi Đại tướng dành thời gian theo dõi lắng nghe và tỏ ra rất hài lòng.
Phong thái vị Tướng huyền thoại.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2007, như thông lệ, năm nào tôi cũng cùng đoàn Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga đến chúc Tết Đại tướng. Đại tướng dặn nên đến vào ngày 29 Tết để có thời gian trò chuyện, bởi những ngày khác có nhiều đoàn đến chúc.
Khi tôi dẫn đoàn vào, Đại tướng đang mặc thường phục. Người dặn chúng tôi ngồi đợi để Người thay quân phục. Dù tiếp chúng tôi là cấp dưới nhưng Đại tướng cũng rất trang trọng và chính quy.
Chúng tôi chúc Tết Đại tướng xong, Người lấy một tấm bản đồ và một tờ giấy lớn đặt lên bàn. Đại tướng nói về ý định chiến lược trong chiến dịch năm 1972 ở Quảng Trị vì tôi từng chiến đấu nhiều năm ở đó.
Đại tướng bày tỏ sự thương tiếc với hai vị chỉ huy chiến dịch này là Tướng Tư lệnh Lê Trọng Tấn và Tướng Chính ủy Lê Quang Đạo. Cả hai đều đã mất. Hẳn vì thế mà người muốn nói những điều thật cần thiết gì đó với tôi.
Đại tướng nói những điều rất hệ trọng trong chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật cách đánh để mang đến thắng lợi toàn chiến dịch. Đại tướng nói: “Đồng chí ở vị trí chiến lược của Bộ Quốc phòng cần phải biết rõ những vấn đề này, để rút ra những bài học kinh nghiệm cho nghệ thuật quân sự Việt Nam…”
Có thể nói, đó là một buổi gặp gỡ mà Đại tướng đã truyền cho tôi không chỉ lý trí mà còn là những kinh nghiệm quý báu của một vị Tướng tài có tâm, một nhân cách lớn của quân đội nhân dân Việt Nam.
Một năm sau – dịp Tết Nguyên đán năm 2008, cũng vào chiều ngày 29 Tết, tôi khi ấy vẫn giữ cương vị Chủ tịch ủy ban phối hợp Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, dẫn đoàn đại biểu (có cả các nhà khoa học Nga) vào chúc Tết Đại tướng. Đại tướng rất quý những người bạn Nga, đặc biệt là những nhà khoa học và quân sự.
Tôi thay mặt đoàn báo cáo tình hình của Trung tâm và chúc Tết Đại tướng. Tôi chúc Đại tướng sống lâu trăm tuổi. Đại tướng liền giơ tay ra hiệu. Tôi hiểu động tác đó tỏ ý chưa hài lòng với lời chúc.
Ông không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một trí thức lớn. Tôi liền chúc lại rằng, chúc Đại tướng sống trên trăm tuổi. Khi đó, Đại tướng mới tỏ vẻ hài lòng, nở nụ cười hiền hậu đón nhận bó hoa tôi tặng. Sau đó, Đại tướng cùng chúng tôi chụp một bức ảnh kỷ niệm.
Lúc này, Đại tướng ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Có người nói tôi sẽ sống 103 tuổi. Đồng chí hãy nghiệm xem có đúng không nhé!”
Hôm nay, Đại tướng ra đi đúng tuổi 103. Vẫn biết rằng đời người ai rồi cũng phải kinh qua cái quy luật “sinh-lão-bệnh-tử” nhưng khi nghe tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng xúc động và nhớ thương khôn xiết.
Điều tôi xúc động nhất vẫn là chuyện Đại tướng đã nói trước được cái tuổi ra đi của mình. Với tài năng và đức độ của một thiên tài quân sự, Đại tướng ra đi đã để lại niềm tiếc thương không chỉ cho nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn cho tất cả nhưng ai yêu quý Đại tướng và yêu chuộng hòa bình trên trái đất này.
“Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp”.
Tháng 5-2004, tôi được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công tháp tùng và cùng Đại tướng chủ trì hội thảo khoa học về 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Một trăm năm mươi đoàn đại biểu quốc tế đã tới tham dự. Đại tướng giao tiếp với các đoàn khách nước ngoài bằng tiếng Pháp và tiếng Nga.
Các bài tham luận tại hội thảo đều ca ngợi Đại tướng, ca ngợi quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bài học cho Việt Nam mà cho cả nhân loại, đặc biệt là đối với các nước đứng lên tự giải phóng giành độc lập dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Kết thúc hội nghị, các đoàn vây quanh Đại tướng để chụp ảnh lưu niệm và nhiều người hô vang: “Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.”
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 103 của Đại tướng, tôi cùng ban tư vấn (gồm giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc và giáo sư Lê Văn Lan) phác thảo tượng của các danh tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung và Võ Nguyên Giáp.
Ý tưởng là: Sẽ tổ chức một triển lãm về tượng của Đại tướng tại khuôn viên gia đình và một triển lãm ảnh chụp về Đại tướng.
Dù Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc đó như một sự tri ân đối với Đại tướng.
Thanh Hương ghi chép