Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu “Tôi không có tài sản gì nhiều, mà chỉ có những cuốn sách”

“Tôi không có tài sản gì nhiều mà chỉ có những cuốn sách. Có thể những cuốn sách của tôi – do tôi viết hay do các nhà văn, nhà báo viết về mình – chưa hẳn là hay, chưa hấp dẫn người đọc nhưng ít nhất, ở một chừng mực nào đó, có nhiều thông tin bổ ích mà khi cần thiết, người ta có thể tra cứu. Tôi có một mong ước là mỗi người hãy tập cho mình thói quen dành ra một khoảng thời gian trong ngày để đọc sách. Ban đầu có thể khó khăn nhưng chỉ cần kiên trì sẽ tạo được thói quen. Khi thành thói quen, việc đọc sách trở nên dễ dàng”, Thượng tướng – Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu bày tỏ.

Những người chăm đọc, đọc nhiều, tích tạo kiến thức để làm nền tảng của việc phát triển con người và sự nghiệp như Bill Gates, Warren Buffett cũng như hầu hết các tỷ phú nổi tiếng thế giới đều đưa ra lời khuyên “mọi người nên đọc sách càng nhiều càng tốt”. Có thể đọc nhiều nhưng không thành danh nhưng ít nhất cũng là bồi bổ, nuôi dưỡng cho chính tâm hồn mình. Một người giàu có không nhất thiết phải nhiều tiền bạc mà chính là người có tâm hồn phong phú. Ở khía cạnh này, người đọc sách nhiều, sách hay chính là người giàu có.

Bản chất của đọc sách là sự chuyển giao và nhân bản tri thức. Chính vì vậy ông Horace Mann – người sáng lập ra trường học công từng ước ao: “Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”. Tướng Hiệu cũng có tư tưởng như vậy, ông khát khao được chia sẻ những gì mình biết, mình tâm huyết cho mọi người. Vì vậy, ông sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm từ những chắt chiu, tinh túy nhất của mình cho nhiều thế hệ. Chưa có điều kiện đem sách gieo khắp mặt địa cầu như “gieo lúa” song Tướng Hiệu thường xuyên tặng các cuốn sách của mình cho người thân, bạn bè và những người có cơ duyên gặp gỡ.

“Cần cù bù thông minh” – người ta hiểu nhanh, đọc nhanh. Mình hiểu chậm, đọc chậm nhưng đều đặn cũng hiệu quả không kém. Đọc sách là tự hoàn thiện bản thân, bồi đắp tâm hồn, bồi dưỡng nhân cách nên phải làm cho việc đọc trở nên ý nghĩa. Đó chính là cách đọc sách của Thượng tướng – Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu.

Theo ông, mỗi khi đọc xong một cuốn sách, hãy viết một vài lời cảm nhận, đọc xong nhiều cuốn có thể viết bài tổng hợp theo cách hiểu của bản thân, biến hóa để nó trở thành của riêng mình. Đây không phải là “ăn cắp ý tưởng” mà là sự sáng tạo dựa trên nền tảng của kiến thức thu nạp, dùng ngôn ngữ của chính mình diễn giải theo cách hiểu của bản thân. Bạn hãy dùng một quyển sổ ghi lại những gì cho là tinh túy, đặc sắc, minh họa mà sau này có thể dùng tới. Thường xuyên xem lại để so sánh với bài học thu được từ những tác phẩm khác nhau. Sau khi đọc nhiều thể loại sách, nhiều lĩnh vực – mỗi người sẽ thực sự hiểu mình nên đọc sách loại nào, đọc như thế nào, đọc để làm gì.

“Biển kiến thức mênh mông, đọc chậm sẽ không thu nạp được nhiều kiến thức. Đọc một cuốn sách chưa rõ nội dung nên đọc nhanh từ khóa. Lướt qua những từ không cần thiết (rằng, thì, là, mà) để lấy ý chính. Sử dụng bút chì, gạch chân từ khóa cần thiết. Như vậy, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian. Sau đó, nếu cuốn sách có nhiều điểm chuyên sâu thú vị hoặc đáng lưu tâm, hãy đọc chậm lại, thậm chí đọc nhiều lần để chắt lọc, suy ngẫm, rút ra bài học và áp dụng thực tiễn”, ông nói thêm.

Người ham đọc, ham học hỏi, khả năng thành công trong cuộc sống rất cao. Bởi vì, tri thức nhân loại, những ý tưởng kinh doanh cũng như ứng xử trong các mối quan hệ đều được gói gọn trong sách. Trong thời đại hội nhập, có nhiều nền văn hóa, sách truyện du nhập vào Việt Nam. Trong đó, có nhiều nguồn sách quý giá, có giá trị nhưng cũng có những loại không phù hợp. “Phải biết sáng suốt lựa chọn đọc, cách ứng dụng và sáng tạo. Học ở sách một phần, thực tế một phần và sáng tạo bản thân một phần. Tất cả tạo nên tổng thể hoàn chỉnh của việc áp dụng sách vở vào cuộc sống, giúp rút ngắn thời gian để có trí tuệ mà không phải trả giá đắt”, Tướng Hiệu nhắn nhủ.

Tướng Hiệu tâm sự: “Thế giới rộng lớn bao la, dẫu có là người ‘có cánh chim bay nhảy’ đến đâu cũng không thể đi hết. Tri thức nhân loại là vô hạn, bộ não con người chỉ có thể là hữu hạn, thông thái đến đâu cũng chỉ giỏi một phần không đáng kể. Bởi vậy người ta tìm đến sách để gom nhặt tinh hoa, làm đầy khiếm khuyết trong cái hữu hạn của bản thân”.

Ông cho rằng sách giúp chúng ta không cần phải sống cuộc đời của người khác mà vẫn có thể hiểu được vị trí của họ. Từ đó, có thể đồng cảm, sống có tình hơn, nhân văn hơn. Tạo thói quen mỗi ngày đọc vài trang sách về chủ đề mà mình quan tâm. “Tích tiểu thành đại” cho đến một ngày nào đó, chưa cần về già, là đã có trong mình một khối kiến thức phong phú, như một thư viện thu nhỏ hay ít ra, là một cuốn sách về một chủ đề nhất định.

Có những cuốn sách đọc rồi sẽ quên. Nhưng có cuốn sách đã trở thành tiền đề, mục đích, lý tưởng và là bệ phóng giúp Thượng tướng – Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu vươn tới những chân trời mới. “Cảm giác mở từng trang sách, lật từng câu chữ giống như mở những cánh cửa khám phá khác nhau. Những thông tin học được từ sách thay đổi cách nhìn nhận của tôi về thế giới, giúp hoàn thiện tư duy, ảnh hưởng rất lớn đến hành vi cũng như thế giới nội tâm”.

Khi đọc, ông có cảm giác như đang được dẫn vào thế giới thực, từ đó thấy, hiểu và bắt gặp nhiều điều bổ ích. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tướng Hiệu đã ngấu nghiến các cuốn sách văn học ở nhà trường và cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky.

Cuốn tiểu thuyết khắc sâu trí óc và ám ảnh trong suốt thời thơ ấu và kéo dài mãi cả sau này của vị tướng nổi danh. Hình ảnh anh lính Paven sống cho lý tưởng giải phóng dân tộc nung nấu trong ông và khát khao một ngày không xa cũng được cống hiến như anh chàng kia. Ý tưởng đó được hiện thực hóa khi chàng trai Nguyễn Huy Hiệu tròn 17 tuổi, không một phút do dự viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Khi ở chiến trận, mỗi khi trải qua thời khắc gian khổ, khó khăn, bệnh tật, đau đớn, cái chết rình rập, cuốn sách như một phần làm điểm tựa tinh thần cho ông vượt qua biến cố. Tướng Hiệu không ngừng can trường, dũng cảm đúng chất “thép đã tôi” trong lò của 67 chiến trận để “luyện” chính mình với hồn cốt lý tưởng từng khát khao. Đó cũng là một phần nhờ ảnh hưởng tích cực của những cuốn sách.

Sau này, trải qua các cương vị khác nhau, có nhiều khoảnh khắc vị tướng phải chiến đấu với những hành động trái với thiện tâm của mình, ông càng thấm nhuần ý nghĩa lớn lao của “thép đã tôi” trong thời bình. Hiên ngang, bất khuất, ngẩng cao đầu là kim chỉ nam và ông đã sống đúng với “chất thép” mặc định trong cốt cách từ thuở xưa cũ.

 

Bài: Khánh Phương 

Thiết kế: Cúc Nguyễn

Ảnh: Phạm Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *