Ngày 07/9/2024 cơn bão số 3 có tên quốc tế là YAGI đã đổ bộ vào miền Bắc nước ta gây ra thiệt hại rất lớn cho các tỉnh ven biển và Thủ đô Hà Nội. Sau đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn nhiều ngày trên diện rộng, hậu quả là hàng vạn ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái, ngập sâu trong nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc hạ tầng kinh tế – xã hội bị hư hỏng nặng khiến sản xuất bị đình trệ; hàng trăm người chết, mất tích và bị thương.
Trong những ngày qua khi triệu triệu trái tim của những người con đất Việt và bạn bè Quốc tế yêu mến Việt Nam đang hướng về đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ trong đó có Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII, IX, X), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người khi còn công tác đã trực tiếp chỉ đạo tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong nhiều năm trên địa bàn cả nước với sự thương cảm xót xa trước hậu quả khủng khiếp do thiên tai gây ra.
Có một câu hỏi rất lớn đặt ra là làm thế nào để hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh gây ra, cách khắc phục tốt nhất, nhanh nhất, kịp thời và tối ưu nhất, sử dụng lực lượng, phương tiện như thế nào cho phù hợp, hiệu quả?
Cách đây 10 năm, năm 2014 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đã sản xuất bộ phim tài liệu “4 tại chỗ” trên cơ sở đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong công tác phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu gồm: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Qua bộ phim này giúp cho mỗi chúng ta hiểu sâu sắc hơn về sự vất vả, khó khăn, gian khổ và cả sự hiểm nguy khi trực tiếp tham gia giúp dân trong đó nòng cốt là lực lương Quân đội, Công an; đồng thời cũng bổ sung thêm nhiều kiến thức thực tế hữu ích về công tác phòng, chống thiên tai. Phương châm bốn tại chỗ đã được luật hoá trong Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội. Trong những năm qua, các địa phương, các cấp, các ngành đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả cao.
Quy luật của thiên nhiên theo thời gian luôn diễn ra các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với đời sống của mỗi người. Nhất là hiện nay đang trong giai đoạn biến đổi khí hậu rất khó lường thì việc chủ động vận dụng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai của cả hệ thống chính trị với mục đích “đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân lên trên hết, trước hết” là một yêu cầu hết sức cấp bách. Hậu quả nặng nề từ cơn bão số 3 lại càng nhắc nhở chúng ta một bài học sâu sắc là phải luôn luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trước, trong và sau mưa bão.
Đất nước ta đang trải qua những ngày, tháng rất khó khăn trước những hậu quả khủng khiếp của thiên tai gây ra. Song với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Thương người như thế thương thân” thì tình yêu thương con người và sự sẻ chia lại trỗi dậy, nhân lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó được thể hiện bằng sự ủng hộ to lớn kể cả về vật chất và tinh thần đối với người dân vùng bão, lũ để kịp thời động viên chia sẻ những đau thương, mất mát với các gia đình bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Sức mạnh của dân tộc được khởi nguồn từ “tinh thần đại đoàn kết” đã tạo nên những thành tựu mang dấu ấn thời đại. Giá trị từ truyền thống tốt đẹp đó đủ để mỗi chúng ta tin tưởng: Dân tộc ta mãi trường tồn và đất nước ngày càng phát triển./.