Vị tướng yêu thơ ca nồng nàn

Một ngày đầu xuân, tôi cùng một số người bạn tới thăm ông. Hôm đó, tiết xuân rực rỡ, bầu trời Hà Nội vô cùng đặc biệt: nắng nhẹ xiên nghiêng, gió hiu hiu thoảng, se sẽ hơi lạnh. Đâu đây đã có hoa mai, hoa vàng. Có phải vì bầu trời xuân hay vì lòng người phơi phới mà ngày hôm ấy, nhóm chúng tôi cứ xoay quanh những câu chuyện về mùa xuân với thơ ca.

“Được biết tướng là người yêu thơ ca và cũng làm thơ, vậy ông có thể đọc vài bài cho nhóm nghe được không ạ?” – một người lên tiếng.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu

Ông cười vui vẻ “tôi không còn nhớ nhiều những câu thơ mình làm. Ngày trước, hồi ở chiến trận, “tức cảnh sinh thơ” rất nhiều nhưng chẳng có sẵn giấy bút để lưu lại tất cả nên chỉ nhớ vài bài thôi”. Vậy là câu chuyện về thơ ca được mở ra trong khung cảnh tiết xuân thật đẹp.

***

Đời binh nghiệp của tướng Hiệu đã kinh qua bao chiến trường máu lửa. Giữa phút giây sống chết chỉ tày gang tay nhưng người lính ấy không vì thế mà khô khan, chai cứng. Ở ông, một tâm hồn dường như được mặc định sẵn chất thơ ca, văn học nghệ thuật, yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên, yêu nét đẹp đời thường. Bài thơ “Mẹ ơi” ông sáng tác năm Mậu thân 1968 phần nào nói lên điều ấy:

 

“Tết này con bận việc quân

Đường Xuân quê mẹ vắng chân con về.

 

Bước đường trăm núi ngàn khe

Vẫn nghe cuốn quýt Xuân quê bên mình.

 

Nguỵ trang gió cuốn rung rinh

Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương.”

 

Tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào được nhân cách hóa ngay cả khi làm nhiệm vụ và bắt gặp hình ảnh “thác reo”. Tâm hồn người chiến sỹ lúc ấy chùng xuống với vẻ đẹp thiên nhiên của đất mẹ trong khoảnh khắc. Quân thù đang kề cận, rình rập nơi nơi, ước mơ tiêu diệt quân thù ngay trong hoàn cảnh “trứng chọi đá” và chính vì vậy, trí tưởng tượng đã bay xa:

 

“Lưng đồi suối đổ thác reo

Tưởng nghe tiếng súng tấn công diệt thù.”

Sống giữa tháng ngày bom đạn, ông vẫn không mất đi tinh thần lạc quan để vui đùa với bạn hữu:

“Phong lan, phong cấp, phong tình

Trong ba phong đấy anh mình thích chi

Phong trần chiến sĩ em ơi

Đời trai chinh chiến … phong chi cũng cần.”

 

Đó là những câu thơ trào phúng được ông viết phỏng theo thơ chiến sĩ thời chiến tranh. Giữa cuộc sống thời chiến, tiếng cười như liều thuốc để chiến sỹ vượt qua gian nan, là niềm vui nương tựa nơi chiến trường.

Sau này, những tháng năm căng tràn tuổi trẻ đã đi qua, khi thời gian đã đổ bóng phía sau cuộc đời, lúc này ông vẫn giữ được tâm hồn thơ ca, bay bổng, bất chấp mọi biến cố cuộc đời. Chỉ cần 2 câu thơ trong hình tượng cây trúc cũng đủ khiến người ta hiểu về nhân sinh quan của vị tướng:

 

“Trúc xanh thẳng thắn thân gầy

Sống làm quân tử một ngày cũng vinh…”

 

Thanh thản và hạnh phúc, đó là những gì tôi cảm nhận được ở tướng Hiệu. Khi ông đã đi qua thời gian ở vị trí là một vị tướng quan trọng của quốc gia, là tâm điểm chú ý của nhiều tầng lớp chiến sỹ, đồng đội và nhân dân, khi trở lại vị trí xuất phát điểm, ông bình tĩnh xác định bản thân, buông bỏ mọi áp lực cũng như những điều tiêu cực để từ đó bình thản an lành. Điều ấy thể hiện rõ trong bài thơ “Ba cây”:

 

“Tuổi cao ngồi gốc cây đa

Ăn sung ngồi ngắm cây hoa lộc vừng

 

Non sông nước biếc đã từng

Gừng cay sung chát xin đừng quên nhau

 

Ở đời có trước có sau

Nhìn cây mà ngẫm nghĩa sâu nhân tình!”

 

Ngày ngày, mỗi buổi sớm mai, ông tập thể dục trong khu vườn Tâm linh tại gia. Ông trân quý, nâng niu từng nhành hoa cây cỏ, từng tiếng chim hót buổi sớm, từng tiếng ngọn gió vô tư:

 

“Thoang thoảng cũng đã say mềm

Mặc cho gai góc mọc trên đầy cành

Nâng niu cánh mỏng mong manh

Hồng khoe hương sắc nồng nàn hoa ơi!”

 

Vui vẻ, vô tư, biết “gạt đục khơi trong” nét đẹp đời thường dường như là một phẩm chất bẩm sinh của tướng Hiệu. Trong những năm tháng không còn giữ chức vụ, ông luôn nhấn mạnh với người thân và bạn bè về lối sống vui vẻ không tham sân si:

“Can đảm chấp nhận sự thật, chấp nhận tất cả mọi khía cạnh cuộc đời. Có thịnh có suy, có lên có xuống, có vui có buồn. Phải xác định sống chung với nó để không bị nó điều khiển. Can đảm chấp nhận tất cả những gì vốn có, xác định được tất cả những gì đang có cũng như thấu hiểu những gì ta không có. Can đảm sống đúng với tất cả mặt tích cực và tiêu cực của cuộc đời, chấp nhận mà không đau khổ, cam tâm mà không tức giận”

Tướng Hiệu là người thấu đáo quy luật “Đời người được ví như tứ thời: Xuân – Hạ – Thu – Đông… bất cứ ai cũng phải đầy đủ các cung bậc ấy mới đầy đủ trọn kiếp người. Tôi trở về tôi của thời thơ ấu, ngắm vạn vật mến thương, hòa mình vào vũ trụ tuyệt đối để yêu và được yêu bởi vạn vật”. Với ông, chỉ cần ngắm bông hoa trong vườn nhà cũng thấy chúng hoàn hảo cả hương sắc:

 

“Sớm xuân ngắm những bông hoa

Cánh màu hồng đỏ mặn mà sắc hương…”

 

Ông thường tự nhủ “bao năm qua đã cống hiến hết sức mình, bây giờ toại nguyện, không oán thán, không so sánh. Xã hội phân công, mỗi người một vai trò. Không nhất thiết phải ở vị trí cao nhất mà vẫn có thể cống hiến cho đời và cho người những giá trị đích thực”. Bởi vậy, cuộc sống của ông luôn vui tươi trong an bình:

 

“Ra vườn ngắm nhành hoa lan

Hoa khoe hương sắc lòng ta nồng nàn!

Quên hết khốn khó gian nan

Để cho cuộc sống chứa chan thanh bình!”

 

Từ những suy nghĩ ấy nên ông luôn trân trọng từng phút giây hiện tại, yêu mến, trân trọng những người xung quanh từ gần tới xa. Họ là những mảnh ghép giúp cuộc sống của ông hạnh phúc trọn vẹn hơn. Đó là lý do vì sao ông thương yêu đồng đội và luôn nhớ tới họ, không bao giờ quên:

 

“Nén hương này tôi thắp

Cho đồng đội của tôi

Ấm lòng nhé bạn ơi

Tôi luôn về thăm bạn.

 

Tôi thắp nén hương trầm

Để cho bạn nhận ra

Tôi cùng bạn đã ca

Là bài ca ra trận.

 

Tôi may mắn hơn bạn

Viên đạn đã tránh tôi

Tránh chỗ hiểm con người

Nên nay về viếng bạn…”

Đó là bài thơ khi ông tới tri ân đồng đội tại Nghĩa trang huyện Hải Lăng, Quảng Trị năm 2017. Những năm gần đây do dịch Covid-19, dẫu không đi đến được, ông cũng làm mấy câu thơ gửi tới những người bạn hữu nằm lại mảnh đất đau thương Quảng Trị:

 

“Dịch co vi lan tràn

Không về viếng bạn được

Mong bạn hãy hiểu cho

Xin vái vọng từ xa…”

 

Trong thâm tâm, người lính già luôn đau đáu nỗi đau về những chiến sỹ đã nằm lại chiến trường mà chưa được trở về quê hương:

 

“Tháng bảy về, tháng của những tri ân

Ta thắp hương cho bạn giữa rừng già.

Vẫn tự trách, sao để nằm nơi xa

Mấy chục năm chưa đưa bạn về nhà….”

 

Thường thường, vào ngày Tết Nguyên tiêu, ông luôn đến Văn Miếu dự Ngày Thơ Việt Nam. Tới đây, ông cùng hòa chung tâm hồn thơ ca với các văn nghệ sỹ của đất nước. Tướng Hiệu không phải nhà thơ nhưng biết làm thơ với những câu từ xuất phát từ trái tim, như lời thảng thốt về tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương sâu đậm, tình yêu thiên nhiên bao la:

 

“Trời thật đẹp xuân rực rỡ

Ta yêu tha thiết mộng mơ đất trời”

 

Đặc biệt, với phu nhân của mình, tướng Hiệu có cái nhìn hóm hỉnh, đúng chất lính nhưng vô cùng lãng mạn gắn mùa xuân với nàng Xuân – Thật tinh tế vô cùng, ông ca ngợi mùa xuân nhưng đồng thời ca ngợi nàng Xuân của riêng mình:

 

“Hoa nở đầy vườn tươi cảnh Tết

Bên nhau với Xuân mãi còn Xuân!

 

Bên nàng Xuân chiều mùng hai Tết!

Muôn hoa khoe sắc đón xuân sang!

 

Bên chậu hồng hoa khoe sắc

Bẽn lẽn Xuân trộm nhìn mình!

 

Nhẹ nhàng thư thái Xuân yêu

Ngắm hoa nở rộ bên chiều xuân sang!”.

Khánh Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *